Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghèo nàn đời sống tinh thần công nhân

Thanh Thuỷ| 06/08/2017 06:16

(HNM) - Sự nghèo nàn trong đời sống tinh thần của công nhân đang đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động.

Thiếu các hoạt động văn hóa ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần công nhân. Ảnh: Bá Hoạt


Không vui chơi, giải trí

Chị Ngô Thị Dung (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa), công nhân may ở Khu công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên) chia sẻ: "Thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng, phải co kéo lắm mới đủ sống. Từ khi có con nhỏ, gia đình càng khó khăn hơn. Nhiều tháng, con ốm, tiền hết phải tạm ứng lương hoặc vay bạn bè. Nếu có tăng ca, hai vợ chồng cũng gắng nhận để có thêm thu nhập. Cuộc sống cứ xoay quanh “cơm, áo, gạo, tiền” nên vợ chồng không còn thời gian nghĩ đến vui chơi, giải trí...".

Câu chuyện của chị Dung cũng là thực tế chung của nhiều gia đình công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay. Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố và các cơ sở thuộc 3 ngành đại diện cho 4 vùng lương, 6 vùng địa lý và 8 nhóm sản xuất, dịch vụ cho thấy, có 84% công nhân đang sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn; trong đó 12% công nhân có thu nhập không đủ sống, 20,6% công nhân phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ... Thực tế này lý giải vì sao phần lớn lao động đều muốn tăng ca. Tỷ lệ công nhân muốn tăng ca ở các ngành: Dệt may - da giày là 40,5%; điện - điện tử 48,5%; chế biến - chế tạo là 47%...

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, nhu cầu tăng ca của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là có thật, bởi lương tối thiểu hiện nay của nhiều người chưa đáp ứng mức sống tối thiểu. Với thực tế này thì công nhân khó nghĩ tới hưởng thụ văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần.

Ngay cả đối với gần 20% công nhân có thu nhập đủ sống hoặc dư để tích lũy, nhu cầu vui chơi, giải trí sau những giờ lao động cũng không dễ được đáp ứng. Cả nước hiện có khoảng 30 trung tâm văn hóa trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh; 20 nhà văn hóa lao động cấp huyện…, nhưng nhiều công trình nằm xa nơi ở, nơi làm việc của công nhân; cơ sở vật chất đơn sơ, loại hình giải trí nghèo nàn nên chưa phát huy được hiệu quả. Cùng với đó, do thiếu kinh phí, quỹ đất, vướng mắc về thủ tục cũng như sự thiếu quan tâm của doanh nghiệp, nhiều nơi chưa có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; một số nơi có, nhưng chỉ sử dụng được một thời gian lại chuyển đổi sang mục đích khác. Điển hình như tại Bắc Ninh cả 9/9 khu công nghiệp chưa có quy hoạch đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể dục, thể thao; 3/3 khu công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận không có khu trọ tập trung, khu vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao cho người lao động và nhà trẻ…

Tại Hà Nội, sự thiếu vắng các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp cũng là vấn đề nóng. Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cho hay, thành phố hiện mới có 3/16 khu công nghiệp - khu chế xuất có điểm sinh hoạt văn hóa, thiếu hoàn toàn nhà văn hóa nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho hơn 140 nghìn công nhân. Điều này không chỉ là "rào cản" cho người lao động sinh hoạt, giải trí, tái tạo sức lao động mà còn tạo nên những khoảng trống về văn hóa, tinh thần ở đội ngũ này.

Tăng thu nhập là yếu tố quyết định

Hoạt động thể thao tại khu nhà ở của công nhân xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Anh Tuấn


Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 13 tỉnh, thành phố thì thực trạng kinh tế eo hẹp, thời gian làm việc kéo dài, loại hình giải trí nghèo nàn, thiếu thiết chế văn hóa cơ bản khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần. Đáng lo hơn khi theo nghiên cứu từ Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy, 28% công nhân có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng; 22% sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân...

Để tháo gỡ những vấn đề kể trên, theo nhiều chuyên gia, trước mắt các tổ chức công đoàn cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…, tạo sân chơi lành mạnh, giúp công nhân giải tỏa mỏi mệt sau thời gian lao động căng thẳng. Cùng với đó, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy được tính tích cực, giá trị của việc đầu tư cho nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, tích lũy kiến thức, rèn luyện sức khỏe cho người lao động, từ đó có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này.

Chuyên gia văn hóa Trần Thị Tuyết Mai cho rằng, nhiều nơi đầu tư xây nhà văn hóa, nhưng không thu hút được người lao động, gây lãng phí công năng. Do đó, ngay từ khi đầu tư cần nghiên cứu kỹ để chọn ra mô hình phù hợp trong các thiết chế như: Thư viện, phòng đọc, điểm chiếu phim, sân khấu nhỏ…, miễn sao thu hút sự quan tâm của người lao động.

Đời sống vật chất và tinh thần có quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi đồng lương eo hẹp, sức khỏe suy kiệt thì khó có thể vui chơi, giải trí hay cảm thụ cái đẹp. Chính vì vậy, bên cạnh việc tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa, đa dạng các hoạt động giải trí trong các khu công nghiệp, còn cần quan tâm tới vấn đề thu nhập của công nhân.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, lương tối thiểu của công nhân nhiều năm nay vẫn theo sau mức sống tối thiểu, nhiều người phải tăng ca, làm thêm nhiều việc khác nên không nghĩ đến vui chơi, giải trí. Chỉ khi lương tối thiểu được cải thiện, áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” của công nhân được giải tỏa, họ mới có thể nghĩ đến những hưởng thụ khác.

Báo cáo của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, chỉ có 28% doanh nghiệp trên cả nước tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật, hội diễn văn nghệ; 31% doanh nghiệp tổ chức hoạt động thể thao; 49% doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; 29% doanh nghiệp tổ chức tham quan du lịch; 21% doanh nghiệp duy trì hoạt động các câu lạc bộ... cho người lao động.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghèo nàn đời sống tinh thần công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.