(HNMO) - Những hiện tượng, hình thức mới của đói nghèo đang tiếp tục nổi lên ở các đô thị, các hộ gia đình di cư và người làm trong khu vực phi chính thức. Rút ngắn khoảng cách chênh lệch về thu nhập, giàu-nghèo nói chung, thành phố nói riêng là vấn đề cần xem xét trong công cuộc xóa đói giảm nghèo hiện nay.
Tạo điều kiện về vốn vay cho người dân sản xuất, chăn nuôi là góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Minh Bắc) |
Do sự suy giảm kinh tế và bất ổn kinh tế vĩ mô nên đói nghèo càng ảnh hưởng không chỉ ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa mà ngay cả ở các khu đô thị nhất là các hộ gia đình công nhân di cư và người làm trong khu vực phi chính thức. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới từ cuối năm 2012 thì tình trạng phân hóa giàu-nghèo tại Việt Nam đang chuyển dần từ mức tương đối bình đẳng (năm 2002) sang mức chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa các nhóm dân cư. Cũng cần nhận thấy rằng, hai chục năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống dưới 10%. Với thành tích như vậy, Việt Nam đã được vinh danh là một trong 18 nước sớm hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ 1 “Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói” (gọi là MDG1).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn tình trạng bất bình đẳng trong tiến trình thực hiện MDGs ở các vùng (nhất là vùng dân tộc thiểu số), nhóm dân cư và đây là vấn đề có thể tạo ra rủi ro lớn đối với những thành tựu của Việt Nam. Lâu nay, ở Việt Nam việc xác định khoảng cách giàu-nghèo thông qua khoảng cách thu nhập là chủ yếu mặc dù điều này có thể được thể hiện bằng nhiều cách như qua chi tiêu, qua việc hưởng thụ các tiện ích y tế, giáo dục, văn hóa... Để biểu thị mức độ chênh lệch về giàu-nghèo qua thu nhập người ta dùng hệ số Gini(G) hay là mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân. Nếu G=0 chỉ sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng một mức thu nhập) còn G=1 chỉ sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập). Theo các số liệu thống kê được công bố những năm trước đây thì hệ số Gini năm 1994 là 0,350, năm 1995 là 0,357, năm 1996 là 0,362, năm 1999 là 0,390, năm 2002 là 0,420, năm 2004 là 0,423. Qua đó cho thấy sự bình đẳng đang giảm đi còn sự bất bình đẳng đang lớn lên và đạt mức độ nguy hiểm. Những năm gần đây, chưa thấy công bố thông tin nào nói về khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội.
Theo các chuyên gia về xã hội học thì mức chênh lệch giàu-nghèo hiện đang khá lớn và Hà Nội cũng có hiện tượng giống với xu hướng phân hóa giàu-nghèo của cả nước. Kể từ khi Hà Nội mở rộng thì khoảng cách này lại càng tăng cao hơn. Khoảng cách giàu-nghèo có thể ước đoán qua những quan sát về chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với trung bình hoặc cách thức chi trả lương khá chênh lệch giữa người lao động và người quản lý ở các doanh nghiệp. Ngoài ra một số doanh nghiệp có “tính đặc thù” còn chi trả những khoản “lương khủng” cho tầng lớp quản lý, rồi xu thế đô thị hóa ồ ạt làm nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ đất đai... đó là chưa kể tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, làm giàu bất hợp pháp... Tất cả những vấn đề đó sẽ góp phần nới rộng khoảng cách giàu-nghèo là điều dẫn đến bất bình đẳng xã hội. Người giàu có rất nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề... và họ lại có điều kiện để giàu thêm. Số liệu thống kê cho thấy, 20% nhóm giàu được hưởng phúc lợi xã hội nhiều hơn so với 20% nhóm nghèo. Điều đó chứng tỏ rằng người càng giàu thì càng được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo.
Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì phân hóa giàu-nghèo càng diễn ra phức tạp. Và tất nhiên, nhóm hộ vừa mới thoát nghèo lại có xu hướng lâm vào tình trạng thoát nghèo không bền vững, dễ quay trở lại nhóm nghèo. Nhất là sắp tới chúng ta sẽ tiếp cận nghèo theo hướng mới đa chiều chứ không đơn chiều, lấy chuẩn nghèo bằng thu nhập hoặc chi tiêu trung bình tính trên từng người làm cơ sở như trước đây. Việc xác định nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều nghĩa là không chỉ tính mức thu nhập bình quân dưới chuẩn nghèo mà nếu thiếu hụt ít nhất một trong những nhu cầu xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, lương thực, thực phẩm… thì vẫn xác định là nghèo. Đây cũng là xu thế xét nghèo chung của nhiều đô thị lớn trên thế giới, bức tranh toàn diện về tình trạng nghèo được xây dựng với nhiều chiều đói nghèo là thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an toàn xã hội…
Qua thực tế, có thể nói rằng, sự bình đẳng tuyệt đối giữa giàu-nghèo là không có. Rất khó đạt được việc kéo gần khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bởi nhiều lý do. Nhưng đây cũng là một mục tiêu cần có lộ trình thực hiện. Vì thế, ngay bây giờ ngoài việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chính sách quan tâm tới việc tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo, động viên các người giàu, doanh nghiệp, doanh nhân làm tốt trách nhiệm xã hội thì còn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nữa. Nhất là khi chúng ta chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều. Nghĩa là chính sách đưa ra phải quan tâm tới việc khắc phục dần tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh; Nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề; Chăm lo tốt đời sống người có công… Kể cả việc chỉ đạo để giảm tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là thông điệp đưa ra nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10) để chúng ta xóa đói giảm nghèo bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.