(HNM) - Cửa hàng hình tam giác nhỏ xíu, chừng 3 - 4m2, nằm nép bên ngã tư Hàng Đồng - Lò Rèn tấp nập từ sáng sớm đến đêm khuya. Nơi ấy, bễ rèn luôn đỏ lửa - một dấu hiệu riêng có vô cùng dễ nhận biết cho những ai muốn tìm đến người thợ rèn cuối cùng ở phố cổ Hà Nội.
Lò rèn của ông Nguyễn Phương Hùng luôn đỏ lửa. |
Người giữ lửa...
Nằm ở số 26 phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm), bễ lò rèn luôn đỏ lửa của ông Nguyễn Phương Hùng có lẽ được coi là một trong những nơi cuối cùng giữ được hồn phố nghề xưa. Mọi đồ đạc trong gian hàng nhỏ xíu đều phủ một màu khói, cả bộ quần áo chủ nhân mặc, nhưng khuôn mặt hiền hậu của ông luôn sáng bừng mỗi khi có khách du lịch xì xồ xin chụp ảnh hoặc những người từ phương xa đến hỏi chuyện nghề, chuyện đời... Trải qua biến thiên của lịch sử, xã hội, trong khi một số nghề thủ công truyền thống tưởng chừng đã mai một thì nghề rèn vẫn tồn tại bền bỉ trong lòng phố cổ. Vì vậy lò rèn thủ công của ông Hùng, người duy nhất duy trì nghề rèn truyền thống của gia đình cả trăm năm qua luôn là điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách. Giữa phố phường hào nhoáng, hình ảnh một người thợ cần mẫn bên bễ lò rừng rực, với những thanh sắt nung cháy đỏ, giáng xuống đe những nhát búa chắc nịch, tia lửa bắn như sao, không khác một nghệ sĩ thực thụ đang trình diễn trên sân khấu của riêng mình...
Ði dọc phố Lò Rèn, người hiểu Hà Nội đều cảm nhận rõ phố nay đã khác xưa rất nhiều. Thay xưởng rèn xưa là những cửa hàng, cửa hiệu khang trang bán đồ sắt, vật liệu xây dựng. Nhiều gia đình đã chuyển nghề sang làm nghề hàn sắt, làm đồ sắt xây dựng, nhưng những công đoạn thủ công đã ít dần đi, sức người được thay thế bởi máy phay, máy cắt, máy hàn hiện đại. Có lẽ bởi vậy, cái bễ lò rèn thủ công duy nhất của ông Hùng được nhắc đến nhiều nhất. Khen chê đủ cả nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai, đơn giản bởi như ông chia sẻ: “Đây là nghề của ông tôi, bố tôi để lại. Và gia đình tôi sống tươm tất nhờ nghề. Hai con tôi trưởng thành cũng từ cái bễ lò này…”.
Nhà ông Hùng đã có ba đời gắn với nghề trên phố Lò Rèn. Một giai đoạn hoàng kim của nghề là thời của ông nội ông. Lúc bấy giờ, cả phố làm nghề. Phố nhà lúc nào cũng đỏ lửa và ồn ào bởi tiếng búa chan chát. Những âm thanh ấy đã trở nên quen thuộc với người dân phố cổ lúc bấy giờ. Đến thời ông, con phố vẫn huyên náo, nhộn nhịp, nhưng đó là tiếng của máy khoan cắt nhôm kính, inox. Cửa hàng của ông lọt thỏm giữa con phố tấp nập người qua lại.
Ngay từ bé đã được phụ bố nên những kỹ thuật của nghề rèn ông đã nắm được khá đầy đủ, tinh tường. Theo ông Hùng, nghề rèn là một nghề vất vả: “Mùa hè thì nóng bức. Mùa đông thì ấm nhưng mặt mũi, chân tay nứt nẻ”. Nhưng chỉ cần có lòng yêu nghề, có tâm với công việc thì sẽ tìm được niềm vui. Ông cho biết, muốn làm ra được một sản phẩm rèn, phải trải qua nhiều giai đoạn công phu. Cái quan trọng nhất là sự kiên trì và nhẫn nại. Từ việc nung sản phẩm đến một nhiệt độ thích hợp tới đập búa với lực thế nào cho vừa đủ, đều phải hết sức chuyên tâm. Sau những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường, để thỏa tâm nguyện của cha, muốn lưu giữ cái hồn cho phố Lò Rèn mà ông quay lại với nghề. Tình yêu đã giúp ông giữ lửa cho nghề.
Nhưng sau thế hệ ông Hùng, nghề rèn ở phố cổ Hà Nội có lẽ chỉ còn là hoài niệm?
Nghề chưa mất bóng...
Bây giờ ở phố Lò Rèn chỉ còn một lò đỏ lửa. Nhưng ở làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), có đến hơn 900 hộ dân vẫn sống được với nghề rèn. Đó là thông tin ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ hào hứng chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới. Ông Chính cũng cho biết thêm, làng nghề có đến 1.057 hội viên. Trước đây, nghề rèn cơ khí chỉ là nghề phụ sau sản xuất nông nghiệp. Từ sau năm 2005, ảnh hưởng quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp, nghề rèn đã trở thành hướng đi mới cho những lao động nông nhàn, không có bằng cấp.
Hiện trên địa bàn thành phố cũng còn một số hộ làm nghề rèn nhưng không tập trung và hiệu quả như những thợ rèn Đa Sỹ. Nghề rèn đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người Đa Sỹ với bình quân khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng/hộ. Hộ nào có búa máy, thu nhập còn cao hơn. Hàng sản xuất ra một phần phục vụ nhu cầu tại địa phương, còn phần lớn chuyển đi các tỉnh phía Nam, xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Chị Lê Thị Dung, con gái và cũng là con dâu làng Đa Sỹ, vợ ông chủ xưởng rèn Nguyễn Sơn chia sẻ: Xưởng nhà chị thường xuyên có 7 lao động, thu nhập ổn định, mỗi năm còn tổ chức cho anh em trong xưởng đi nghỉ mát một lần. Nghề rèn có tiếng vất vả nhưng “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, cứ đỏ lửa là có tiền. Hiện, nhiều công đoạn nặng nhọc đã có máy móc hỗ trợ nên người lao động đã đỡ nhiều rồi...
Nhưng mặt trái của việc làm và thu nhập ổn định từ nghề rèn không phải không có. Ông Hoàng Quốc Chính cho biết, vấn đề môi trường làng nghề và vệ sinh an toàn lao động là thực trạng bức xúc ở Đa Sỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Không gian chật hẹp khiến các hộ phải tận dụng mọi khoảnh đất ở gần nhà, gần đường để sản xuất. Ở Đa Sỹ, khó có nhà nào có khuôn viên gọn gàng, ngăn nắp vì xưởng sản xuất đặt ngay trong khu vực sinh hoạt. Các bức tường quanh nhà đều bị nứt toác vì tiếng dập của búa máy. Để giảm bớt mức độ ồn, Hiệp hội Làng nghề đã vận động các hộ vận hành máy theo giờ quy định và làm hệ thống chống rung, nhưng cũng khó thực hiện vì ai cũng muốn tranh thủ để tăng thu nhập.
Ngày 31-12-2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 234/KH-UBND về thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường làng nghề, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay, ngăn chặn kịp thời việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm mới. Qua đó, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm đời sống nhân dân trong khu vực làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Đấy cũng là hướng đi đúng đắn cho nghề rèn. Và vì vậy, có thể một mai kia, nghề rèn ở phố cổ Hà Nội chỉ còn là hoài niệm thì vẫn có thể tự hào nếu ta có làng nghề rèn Đa Sỹ trong vóc dáng khỏe khoắn, hiện đại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.