Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cách đây ít phút, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 13 đến 18-12 tại Paris, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 48 hồ sơ khác.
Theo Ủy ban liên chính phủ, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa trong Công ước 2003; việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của quốc gia thành viên đề cử di sản như được quy định trong Công ước 2003.
Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Họ là một trong 54 dân tộc sinh sống ở Việt Nam, chủ yếu canh tác trồng lúa nước. Những người thực hành Xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và địa vị xã hội. Xòe được bà con người Thái thực hành ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.
Việc ghi danh hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Đây là thành quả của những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho rằng việc hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái ở vùng núi Tây Bắc, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam. Điều này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản này, đối với những giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Sự kiện cũng góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc. Ngoài ra, việc ghi danh sẽ tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.
Cũng theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và cũng là danh hiệu thứ 5 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay (cùng với hai hồ sơ Núi Chúa và Kon Hà Nừng ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới và hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương). Điều này không chỉ thể hiện những đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị di sản, văn hóa dân tộc của Việt Nam mà còn thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, các giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.