Văn hóa

Nghệ thuật thiết kế quảng cáo: Chờ sự bứt phá ngoạn mục

Lê Tiến Vượng 02/07/2024 - 07:02

Việt Nam đang có hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo với lực lượng họa sĩ thiết kế, kỹ sư công nghệ đông đảo.

Tuy nhiên, nghệ thuật quảng cáo Việt chưa được công chúng quốc tế biết đến rộng rãi, cũng chưa có những sân chơi mang tính quy tụ giới nghề.

Trong bối cảnh đó, việc Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) quyết định tổ chức triển lãm đầu tiên trong lĩnh vực này (từ 15-6 đến 25-6) với quy mô toàn quốc, là nỗ lực rất đáng mừng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nghệ thuật quảng cáo Việt Nam.

5(5).jpg
Tọa đàm “Nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam” diễn ra sáng 24-6 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Ảnh: Vũ Minh

Cơ hội từ lĩnh vực sáng tạo hấp dẫn

Nghệ thuật quảng cáo là hoạt động truyền thông nhằm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu hay ý tưởng đến công chúng với mục đích thu hút sự chú ý, tạo nhận thức và thúc đẩy hành vi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Nói một cách đơn giản, quảng cáo là công cụ giúp doanh nghiệp “kể chuyện” về sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng.

Nghệ thuật thiết kế quảng cáo luôn cần những tài năng sáng tạo độc đáo, khác biệt... So với hai mươi năm trước, quảng cáo Việt Nam và thế giới đang có những bước đi mạnh mẽ. Nghệ thuật quảng cáo đã bỏ lại phía sau những sản phẩm thiết kế rườm rà, lòe loẹt, lắm lời, lắm hình ảnh gây nhiễu loạn hay những quảng cáo in trong các tờ báo, tạp chí dày cộp, những quảng cáo tấm lớn bị quăng quật trong mưa gió, những quảng cáo tờ rơi vứt đầy đường sau mỗi chương trình, sự kiện...

Sự đột phá về khoa học và công nghệ giúp sản sinh những mô hình quảng cáo mới, hiện đại, chuyên nghiệp hơn với các phương tiện kỹ thuật số, tiên tiến, hiện đại (di động, trang mạng...) và các loại vật liệu (giấy, plastic, sơn, đèn neon, màn hình tinh thể lỏng, màn hình plasma, laser...).

Quảng cáo ngày nay không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn góp phần tác động tới sự phát triển văn hóa, xã hội. Vì vậy, người làm quảng cáo không chỉ sáng tạo mà còn cần có vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, truyền thống của các đối tượng tiếp nhận quảng cáo để thực hiện cho phù hợp, đảm bảo được hiệu quả quảng cáo cao nhất.

6(3).jpg
Một số mẫu thiết kế tại triển lãm “Nghệ thuật thiết kế quảng cáo năm 2024”. Ảnh: Vũ Minh

Có thể nói, cho đến hôm nay, Việt Nam chưa có trường mở chuyên khoa Thiết kế quảng cáo mà mới chỉ có những khóa học ngắn ngày với những chương trình thiếu chính quy, không đầy đủ. Đa số người làm quảng cáo ở trong nước là những nhà thiết kế đồ họa (graphic designer), những người học truyền thông đa phương tiện... chứ không phải được học và tốt nghiệp với bằng cấp chuyên ngành thiết kế quảng cáo (advertising design); người phụ trách các công ty quảng cáo có khi là các cử nhân, thạc sĩ về kinh tế, quản trị kinh doanh hay marketing...

Đến nay, các sản phẩm, dịch vụ nghệ thuật quảng cáo Việt Nam chưa thực sự tạo ra một cuộc bứt phá ngoạn mục, chưa tạo được dấu ấn đậm nét với công chúng quốc tế. Trong khi đó, nội dung quảng cáo của nước ngoài được phát triển không ngừng, chi phối mạnh mẽ tới xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam.

Theo báo cáo xuất bản năm 2018 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong số 130 quốc gia được báo cáo, không có thông tin về hiện trạng nghệ thuật quảng cáo Việt Nam. Báo cáo này cũng cho thấy, vai trò ngày càng tăng của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ... trong lĩnh vực quảng cáo.

Tại Việt Nam, hoạt động quảng cáo chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ, sôi động và đa dạng sau những năm 1990. Từ đó đến nay, nghệ thuật quảng cáo đã trở thành hoạt động không thể thiếu của các công ty, doanh nghiệp để tiếp cận người tiêu dùng, và bản thân người tiêu dùng cũng thông qua quảng cáo để biết tới các sản phẩm, dịch vụ.

Hiện Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo với lực lượng đông đảo họa sĩ thiết kế, các kỹ sư công nghệ thực hiện các hoạt động này rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Tăng trưởng doanh thu và quy mô của ngành cho thấy, đây là ngành rất hấp dẫn và xứng đáng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Năm 2023, chỉ tính riêng doanh thu quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình đã đạt gần 5.400 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu của ngành quảng cáo Việt Nam đến năm 2030 được xác định là 3,2 tỷ USD. Đây là con số đòi hỏi phải có sự bứt phá về mọi mặt mới có thể đạt được, nhất là trước thực tế tuy được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 12,7% mỗi năm) nhưng thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam - “mảnh đất” được xem là màu mỡ nhất ngành quảng cáo - lại chủ yếu nằm trong tay các nền tảng ngoại. Các "Big Tech" đang chi phối hầu hết ngành quảng cáo trực tuyến Việt Nam, chiếm khoảng 70%, thậm chí 75% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.

Tập hợp nhân tố phát triển hoạt động quảng cáo Việt Nam

Hoạt động quảng cáo được xem là một phần của hoạt động kinh doanh, giúp thúc đẩy quá trình phân phối và tiêu dùng nên chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của yếu tố kinh tế - xã hội. Nền kinh tế thế giới và Việt Nam với các hình thức liên kết kinh tế, chuyển giao công nghệ, luân chuyển vốn và mở rộng thị trường là sức mạnh thúc đẩy hoạt động quảng cáo. Báo cáo “Doanh thu trên các phương tiện quảng cáo tại Việt Nam từ năm 2010 - 2015” cho thấy, quảng cáo trực tuyến là mảng có mức tăng doanh thu nhanh nhất, tăng gần 3,5 lần sau 5 năm. Quảng cáo ngoài trời và quảng cáo trên radio là hai phương tiện quảng cáo có doanh thu tiếp tục tăng, nhưng sức tăng không đáng kể. Trong khi đó, quảng cáo trên báo giấy, tạp chí lại giảm về doanh thu.

Như vậy, hoạt động quảng cáo tại Việt Nam đang theo xu thế chung của thế giới, quảng cáo trực tuyến sẽ ngày càng phát triển mạnh, dần chiếm lĩnh thị trường quảng cáo cả nước. Việt Nam đang có bước tiến về công nghiệp hóa - hiện đại hóa khá mạnh mẽ, rất năng động, nghệ thuật quảng cáo Việt Nam cần biết khắc phục các khiếm khuyết của các nước đi trước trong lĩnh vực này, chủ động học hỏi, đón đầu các kỹ thuật và công nghệ mới, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả nghệ thuật quảng cáo Việt Nam.

Nghệ thuật quảng cáo liên quan tới rất nhiều yếu tố, bao gồm kỹ thuật, mỹ thuật, ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, văn hóa... Ngoài chức năng là đường dẫn, kết nối các nhà sản xuất, dịch vụ với khách hàng, quảng cáo còn như một quá trình “trung gian kết nối” các khía cạnh xã hội của bất cứ nền kinh tế thị trường nào, là yếu tố không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội. Quảng cáo giữ vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng, xây dựng thương hiệu và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, khi hiểu được vai trò vô cùng to lớn của các họa sĩ thiết kế, hiểu được tâm tư của rất nhiều họa sĩ thiết kế, các designer, các đơn vị, công ty quảng cáo, các doanh nghiệp, dịch vụ... thì rất cần tạo một sân chơi phù hợp để kết nối, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho các nhân tố này. Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã quyết định tổ chức một triển lãm đầu tiên về lĩnh vực này với quy mô toàn quốc nhằm thu hút, mời gọi sự tham gia của các họa sĩ chuyên nghiệp, các sinh viên ưu tú đã, đang hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Mục tiêu tổ chức sự kiện không nằm ngoài việc cùng nhau sẻ chia, giới thiệu nghệ thuật thiết kế quảng cáo từ thô sơ đến hiện đại, từ tối giản đến tối đa kỹ thuật, đa phong cách thể hiện.

Có thể nói, Triển lãm nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam 2024 với sự kiện đầu tiên diễn ra từ 15-6 đến 24-6 tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội) là một cuộc trình diễn, một cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của các họa sĩ đồ họa, các designer trong ngành quảng cáo Việt Nam 2024. Hy vọng sự kiện này sẽ tạo đà kết nối, hợp tác nhằm giúp hoạt động quảng cáo phát triển mạnh mẽ, đúng hướng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật thiết kế quảng cáo: Chờ sự bứt phá ngoạn mục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.