Văn hóa

Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam: Kỳ vọng sự bứt phá

An Nhi 17/09/2023 - 06:48

Cuộc thi và Triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc đích thực là cuộc tề tựu của giới nghệ thuật tạo hình luôn âm thầm cống hiến, sáng tạo với những chất liệu vốn cứng nhắc, khô khan… Qua hơn 200 tác phẩm tiêu biểu được trưng bày từ ngày 15-9 tại Bảo tàng Hà Nội, giới nghề và công chúng có thể nhìn nhận được diện mạo của điêu khắc Việt Nam hiện nay với những chuyển động đầy kỳ vọng.

dieu-khac.jpg
Du khách tham quan các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Tăng tốc cùng thời đại

Cuộc thi và Triển lãm điêu khắc toàn quốc trước đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 10 năm/lần. Do đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi cao về sức sáng tạo và thể lực, cùng với sự thay đổi, phát triển nhanh của nghệ thuật, nên từ năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thay đổi định kỳ tổ chức sự kiện 5 năm/lần. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi và Triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc đánh giá, điều đó cũng cho thấy nghệ thuật điêu khắc nước nhà đang tăng tốc và cần có sự nhìn nhận, đánh giá kịp thời để có hướng phát triển phù hợp với thời đại mới.

Cuộc thi lần này thu hút 536 tác phẩm của 285 tác giả sáng tác từ năm 2013 đến 2023. Trong đó, có 225 tác phẩm của 164 tác giả được lựa chọn triển lãm. Các tác phẩm đa dạng về chất liệu như sắt, đồng, nhôm, gốm, gỗ, đá, tổng hợp…; tạo hình phong phú như tượng tròn, phù điêu, sắp đặt… Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết, nằm trong dòng chảy chung của điêu khắc quốc tế, điêu khắc đương đại Việt Nam tập trung cho các tác phẩm tượng trong nhà và ngoài trời. Các tác phẩm được sáng tác theo xu hướng đến gần thiên nhiên, phù hợp với kiến trúc và cảnh quan, chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm của các nghệ sĩ về cuộc sống đương đại, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét.

Đặc biệt, lần này, những tác giả trẻ thế hệ 8X, 9X chiếm số lượng lớn và có sự kế thừa, nối tiếp thế hệ đi trước để hình thành nên diện mạo mỹ thuật Việt Nam đương đại. Họ chiếm phần lớn những giải thưởng cao của cuộc thi thông qua những tác phẩm mang ngôn ngữ hiện đại, nhưng vẫn đậm hơi thở truyền thống, có chiều sâu văn hóa. Điển hình như tác giả Châu Trâm Anh (Bình Dương) với tác phẩm điêu khắc đá trắng “Tình ca phương Nam” lấy cảm hứng từ giai điệu, sản vật, văn hóa đất phương Nam. Tác giả Lê Văn Khuy (Hưng Yên) tiếp tục sáng tạo với phù điêu gốm, kể câu chuyện “Trời tròn, đất vuông”. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Văn Tuệ (Hà Nội) chọn chất liệu gỗ để sáng tạo tác phẩm “Anh hùng” với hình tượng là những người lính cứu hỏa.

Cùng với lớp trẻ, các nghệ sĩ điêu khắc kỳ cựu vẫn tiếp tục sáng tác, truyền lửa cho thế hệ sau. Tiêu biểu như nhà điêu khắc lão thành Tạ Quang Bạo, tham gia với tác phẩm “Bắc Trung Nam”. Ông kỳ vọng: “Có những tác giả trẻ giỏi hơn thế hệ chúng tôi”.

Gắn sáng tác với không gian sống

Khác với những lần trước, Cuộc thi và Triển lãm lần này diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội - một không gian rộng mở, hỗ trợ các tác phẩm phô diễn hết vẻ đẹp, giá trị; đồng thời trưng bày trong gần một tháng (từ ngày 15-9 đến 10-10) để nhiều đối tượng công chúng được thưởng lãm. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết, sự kiện lần này có thể giúp nhìn nhận diện mạo điêu khắc Việt Nam, bởi quy tụ được các thế hệ nghệ sĩ từ mọi miền của Tổ quốc. Các tác phẩm thể hiện những chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện; sự mở rộng, phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách; sự đa dạng về chất liệu với những tìm tòi thể nghiệm mới của các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, Hội đồng nghệ thuật không tìm được tác phẩm xứng đáng để trao giải Nhất, chỉ chọn 3 giải Nhì, đại diện cho sự sáng tạo ở 3 chất liệu kim loại, đá, phù điêu gốm; 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. “5 năm qua cũng là thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Tâm thế sáng tác của giới nghệ sĩ có nhiều va đập, không bình yên, thời gian thực hiện tác phẩm quá eo hẹp, gấp gáp… Hy vọng thời gian tới, giới nghề sẽ có những sáng tác mới hấp dẫn hơn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn lý giải.

Nhìn nhận một cách lạc quan, điêu khắc Việt Nam vẫn đang theo xu hướng sáng tác hiện đại nhờ lực lượng trẻ “có nhiều điều kiện hội nhập, giao lưu, tiếp cận với thế giới, đồng thời luôn có ý thức học hỏi, phát huy thế mạnh của thế hệ đi trước” - giảng viên Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thùy Dương nhận định. Các tác giả đã gắn sáng tác của mình với không gian sống, thiên nhiên, môi trường, kiến trúc chung; tác phẩm có kết nối những sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội thời sự... Vậy, có thể kỳ vọng sự bứt phá của nghệ thuật điêu khắc trong lần hội tụ tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam: Kỳ vọng sự bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.