(HNMCT) - Nghệ thuật công cộng là một phần của cuộc sống, giúp khuyến khích người dân tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo sự gắn kết xã hội. Vì thế, ở nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới, trong đó có nước Mỹ, các tác phẩm nghệ thuật công cộng đã trở thành một yếu tố không thể thiếu.
Vai trò của tác phẩm nghệ thuật công cộng đã được chứng minh không chỉ mang lại các lợi ích mềm như làm đẹp không gian, mà còn đóng góp quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa chung, xây dựng thương hiệu và khơi gợi niềm tự hào cho cộng đồng. Đây cũng là cách mà cư dân ở mỗi địa phương thể hiện tâm hồn và khẳng định nét đẹp riêng. Chính vì xác định được những lợi ích to lớn của nghệ thuật công cộng, nhiều quốc gia đã có chính sách riêng để phát huy tài năng cũng như đóng góp của các nghệ sĩ đối với không gian công cộng.
Tại Mỹ, các thành phố New York, Los Angeles và Buffalo đã thiết lập chương trình “Percent for Act” (tạm dịch là “Phần trăm cho hành động"), trong đó trích một phần ngân sách để tài trợ và lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Nhờ “Percent for Act”, từ năm 1983 tới nay, New York đã có hơn 300 tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt tại các trường học, tòa án và nhiều không gian khác. Một trong những công trình mới nhất là tác phẩm điêu khắc đài phun nước có tên The Source. Với việc nghệ sĩ sử dụng các mẫu khảm có màu sắc tươi sáng phản ánh sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa địa phương cùng với không gian công cộng mới được cải tạo, dự án này tạo ra một điểm thị giác mới gắn với bản sắc chung của cộng đồng.
Tại thành phố Denver của bang Colorado, người ta yêu cầu các chủ đầu tư khi lên kế hoạch phát triển một khu vực đô thị nhất định phải dành ít nhất 1% ngân sách cho nghệ thuật công cộng. Từ một khu vực đô thị đông đúc, chật chội, trung tâm thành phố Denver đã trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết nhờ sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật. Đáng chú ý trong số đó có tượng chú gấu xanh khổng lồ đang tò mò nhìn qua cửa kính của một trung tâm tổ chức hội nghị.
Tại thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, từng có một thời gian dài chính quyền đau đầu với sự gia tăng của các khu vực dân cư bị bỏ hoang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan đô thị. Để thay đổi bộ mặt của thành phố, phong trào có tên Power House Productions (PHP) do các nghệ sĩ điều hành đã ra đời nhằm điều chỉnh một cách sáng tạo các bất động sản bị bỏ hoang, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nhờ PHP, nhiều ngôi nhà để không từng là nơi ẩn náu của các đối tượng phạm tội đã trở thành không gian sinh hoạt nghệ thuật chung của khu dân cư hoặc địa điểm trưng bày các tác phẩm sắp đặt...
Không chỉ giúp cải thiện không gian chung, nghệ thuật công cộng còn giúp thu hút khách du lịch và tăng nguồn thu cho kinh tế địa phương. Những đường phố có các tác phẩm nghệ thuật công cộng nổi tiếng đều trở nên nhộn nhịp và thu hút các nhãn hàng kinh doanh lớn tới đặt địa điểm. Khách du lịch cũng bị hấp dẫn bởi các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Một ví dụ cụ thể: Tác phẩm Waterfall của thành phố New York với số tiền đầu tư hơn 15,5 triệu USD đã mang lại cho thành phố 69 triệu USD chỉ sau 4 tháng ra mắt công chúng. Còn chú gấu xanh ở Denver đã trở thành địa điểm chụp ảnh nổi tiếng của khách du lịch. Thành phố còn thu bộn tiền từ việc bán các sản phẩm lưu niệm với hình ảnh chú gấu này. Chính bởi nguồn thu tài chính khổng lồ từ khách du lịch, đời sống người dân ở các khu vực quanh các tác phẩm nghệ thuật cũng được cải thiện đáng kể...
Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật công cộng cũng mở ra những thách thức trong lĩnh vực thiết kế. Chính vì sự ảnh hưởng bao phủ một không gian rộng lớn nên một dự án nghệ thuật công cộng không đơn giản là hoạt động sáng tạo của cá nhân, mà là tổng hòa của nhiều yếu tố. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, một tác phẩm thành công thường khơi gợi nhiều lớp ý nghĩa thông qua cách người xem có thể tương tác với tác phẩm, hay trong cách tác phẩm đó đối thoại với không gian.
Vậy nên, dù được coi là một xu hướng quan trọng trong nghệ thuật đương đại và phát triển không gian, nghệ thuật công cộng vẫn là một loại hình đặc thù. Sự ra đời của một tác phẩm nghệ thuật công cộng có thể mang lại thành công song cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới không gian trưng bày, làm tổn hại tới hình ảnh của địa phương. Vì vậy, chính quyền các thành phố cần tham vấn kỹ càng đội ngũ chuyên gia thực thụ và tuân thủ những tiêu chí nghiêm khắc khi triển khai một tác phẩm nghệ thuật công cộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.