Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật chèo truyền thống: Lan tỏa trong đời sống đương đại

An Nhi| 30/10/2022 06:18

(HNM) - Liên hoan chèo toàn quốc - năm 2022 vừa khép lại tại tỉnh Hà Nam vào tối 28-10, sau 14 ngày thi tài sôi nổi, không chỉ để lại ấn tượng bởi những khán đài đông kín khán giả, mà còn cho thấy khát vọng gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống từ những thế hệ làm nghề hôm nay. Đối mặt với các loại hình “giải trí 4.0”, nghệ thuật chèo truyền thống cần sự cổ vũ, chung tay quảng bá để lan tỏa và phát huy trong đời sống đương đại.

Một cảnh trong vở “Linh từ Quốc mẫu” của Nhà hát Chèo Hà Nội đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan chèo toàn quốc - năm 2022.

Hoạt động chuyên nghiệp mạnh mẽ

Liên hoan chèo toàn quốc là cuộc tụ hội nghề nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì tổ chức. Liên hoan năm nay quy tụ lực lượng đông đảo gồm 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, thi tài 27 vở diễn (tăng 1 vở so với kỳ trước). “Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự hoạt động chuyên nghiệp mạnh mẽ và niềm yêu mến nghệ thuật chèo của nhân dân”, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định.

Là đơn vị chủ nhà, Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật tỉnh Hà Nam tham gia hai vở cùng tác giả Lê Chí Trung và đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi. Trong đó, vở diễn “Những vì sao không tắt” đầy xúc động về 10 nữ liệt sĩ pháo phòng không Lam Hạ của quê hương Hà Nam. Nhà hát Chèo Hà Nội đến với liên hoan hai vở diễn hai sắc màu, một về đề tài lịch sử là “Linh từ Quốc mẫu” (kịch bản Bùi Vũ Minh, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Hoài Thu) về Hoàng hậu Trần Thị Dung và vở “Tình mẹ” (tác giả Phạm Văn Quý, chuyển thể Lê Thế Song, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Lê Văn Tuấn) về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

“Đất chèo” Thái Bình gây ấn tượng với hai vở đều của tác giả Hoàng Luyện, chuyển thể Lê Thế Song là “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” và “Thiên duyên huyền tích”. Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa gây xúc động với vở diễn “Đất liền và biển cả” khắc họa những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Ở các đơn vị trung ương và quân đội, Nhà hát Chèo Việt Nam tham gia hai vở đều về đề tài “xưa” là “Hồng Hà nữ sĩ” và “Cánh diều lạc gió” giữ được phong vị chèo cổ trong từng làn điệu, lời hát... Trong khi đó, Nhà hát Chèo Quân đội cũng thu hút với vở “Tình sử ngàn năm” và “Mật chỉ giữa Hoàng cung”…

Trao Huy chương vàng cho các đơn vị có vở diễn đoạt giải tại Liên hoan chèo toàn quốc - năm 2022.

Nuôi dưỡng lửa nghề

Liên hoan chèo toàn quốc - năm 2022 thực sự là ngày hội nghề. Ở đó, các nghệ sĩ tên tuổi, như Nghệ sĩ nhân dân Quốc Chiêm, Thanh Ngoan, Tự Long, Thúy Ngần, Mai Thủy; Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền, Ánh Điện, Quang Lẫm… biểu diễn những giá trị tinh hoa của nghệ thuật chèo.

Nghệ sĩ trẻ Thùy Dung (Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật tỉnh Hà Nam) chia sẻ: “Tham gia sân chơi lớn, các nghệ sĩ chèo trẻ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Sự cổ vũ của khán giả, bạn nghề đã tạo động lực để chúng tôi vững bước tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo”.

Trong 14 ngày diễn ra liên hoan, trên khán đài Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam luôn chật kín khán giả, trong đó có nhiều bạn trẻ, học sinh. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Ngô Thanh Tuân, khi thông báo có liên hoan, hầu hết các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đều đề xuất được xếp lịch để đưa học sinh đến thưởng thức nghệ thuật chèo truyền thống như hoạt động ngoại khóa. Thế hệ trẻ được tiếp cận với nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, từ đó yêu thích, tìm hiểu và sẽ có thêm những tài năng bộc lộ và dấn thân…

Ở góc độ chuyên môn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan cho rằng, 27 vở diễn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất chèo truyền thống, với tính cách tân đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Nhiều tài năng mới xuất hiện, đặc biệt là diễn viên, có khả năng kế cận lớp trước. Tuy nhiên, đội ngũ biên kịch chèo chưa đông, chưa mạnh (ở liên hoan này chỉ có 7 tác giả chính chèo). Nhiều đạo diễn có nghề, kinh nghiệm, nhưng không ít trong số họ lặp lại chính mình, có khi dựng vở mang phong cách “kịch cắm ca”… Câu chuyện nghề rõ nét từ liên hoan này, còn là việc giữ gìn nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại. Còn theo Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội, sự mạnh dạn của các đơn vị nghệ thuật, tạo cơ hội cho các tài năng, nhất là người trẻ có điều kiện tỏa sáng trên sân khấu bên cạnh những nghệ sĩ đã có tên tuổi...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên, sự quan tâm thỏa đáng của các đơn vị nghệ thuật chèo trên cả nước để duy trì và phát triển nghệ thuật chèo trong bối cảnh hiện nay. Qua đây, cơ quan quản lý nhà nước đánh giá được thực trạng từng đơn vị nghệ thuật, từ đó có giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng tài năng; quảng bá, giới thiệu tác phẩm; kết nối các đơn vị…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật chèo truyền thống: Lan tỏa trong đời sống đương đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.