(HNMCT) - Thuộc thế hệ đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc (nay là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, được biết đến không chỉ là liền anh quan họ mà còn là người dẫn chuyện duyên dáng trong các chương trình quan họ.
Ở tuổi 70 nhưng ông vẫn chưa dừng lại với “cuộc chơi” quan họ, như ông quan niệm bằng thơ: “Nếu đời còn có kiếp sau/ Tôi xin nhắn gửi những câu hẹn hò/ Những câu trăm đợi nghìn chờ/ Đi cùng quan họ chuyến đò trăm năm”.
1. Gần 2 năm trước, trong “Đêm quan họ Nguyễn Đức Sôi” diễn ra tại thành phố Bắc Ninh để tôn vinh người thầy giáo đầu tiên của dân ca quan họ, tôi ấn tượng mãi với NSƯT Xuân Mùi trong vai trò người dẫn chuyện, đặc biệt là cách ông đưa khán giả đến với những câu chuyện của mình bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, bằng kiến thức uyên bác, ý tứ sâu xa, gần gũi và cách vận thơ linh hoạt, hấp dẫn. Đêm nhạc ấy có rất nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ quan họ và họ đều tâm đắc trước cách ví von của ông: “Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là một trong 3 nhân tố tạo nên “cỗ xe tam mã” chở quan họ từ gốc đa, mái đình làng ra với công chúng trong nước và quốc tế bằng chính tâm huyết của mình”.
Hóa ra không chỉ đêm nhạc đó mà từ lâu nghệ sĩ Xuân Mùi đã được nhiều người trong giới quan họ công nhận “biệt tài” này. Nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận định: “Ở quê hương Kinh Bắc có nhiều nghệ sĩ thành danh với hát quan họ, nhưng không nhiều người thành danh trên vai trò người dẫn chuyện quan họ. NSƯT Xuân Mùi chính là “của hiếm” đó”.
Là người cùng thời với NSƯT Xuân Mùi, NSƯT Lệ Ngải cho rằng: “Nghệ sĩ Xuân Mùi từ lâu được biết đến là nhà nghiên cứu quan họ hết sức tâm huyết, trách nhiệm. Không được ai trả lương nhưng suốt nhiều năm qua ông vẫn say sưa, miệt mài đi tìm tích cổ trong các đình làng, trong sinh hoạt tập quán của người dân Kinh Bắc. Đặc biệt, ông đi sâu tìm hiểu ngôn từ trong văn học nghệ thuật rồi tìm cách vận vào quan họ, nhất là việc tìm ra tích quan họ cổ trong “Truyện Kiều”.
2. Thật bất ngờ khi nghệ sĩ Xuân Mùi chia sẻ, ông đến với quan họ vì... muốn thoát nghèo, thoát khổ. Bởi nhà có đến 11 anh em, gia cảnh rất khó khăn nên việc ông được Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc tuyển là niềm hạnh phúc lớn lao. Nhưng chắc chắn rằng từ chỗ đến với quan họ vì “chữ duyên” đến lúc yêu và hiểu nó là cả một quá trình đầy chông gai, vất vả, đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
May mắn là một trong 7 nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc, ông được đưa về học ở 49 làng quan họ gốc tại 4 huyện Tiên Du, Yên Phong, Từ Sơn, Việt Yên. Suốt quãng thời gian 5 năm, ông ăn, ở, lao động sản xuất cùng bà con trong làng để không chỉ học về làn điệu, diễn xướng mà còn học ở họ lối sống nghĩa tình, cách ứng xử văn minh, thanh lịch. Vốn cần cù, chăm chỉ, sau khi kết thúc khóa học ông đã sưu tầm và hát được hơn 200 làn điệu với hơn 500 bài ca quan họ, trong đó có hàng trăm bài quan họ gốc thể hiện rõ giá trị đặc trưng của loại hình dân ca đặc sắc phổ biến ở vùng quê Kinh Bắc.
Từ một diễn viên quan họ, NSƯT Xuân Mùi dần trưởng thành, trở thành Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh. Cùng với lãnh đạo Nhà hát và tập thể nghệ sĩ, diễn viên trong Nhà hát ngày ấy, NSƯT Xuân Mùi đã đem quan họ đi biểu diễn trong các chương trình ở trong nước cũng như quốc tế. Yêu và gắn bó với quan họ, NSƯT Xuân Mùi đã trải qua nhiều vất vả, khó khăn và động lực để ông vượt qua điều đó chính là sự yêu mến của công chúng.
Trong tâm trí, ông còn nhớ trong lần biểu diễn phục vụ cán bộ, nhân viên của một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh cách đây mấy chục năm. Sát giờ diễn mà hội trường lác đác vài khán giả, trong khi ngoài sảnh lại rất đông người cứ nấn ná, nhòm qua cửa chứ không chịu vào trong. Lúc ấy, ông bật micro và nói: “Quan họ với người miền Nam giống như trái sầu riêng với người miền Bắc vậy! Ban đầu người miền Bắc chúng tôi cũng không thích sầu riêng, nhưng khi ăn rồi thì thích, thích rồi thì mê, mê rồi thành nghiện. Thế nên, tôi trân trọng kính mời quý vị ngoài sảnh hãy vào trong hội trường, tôi chỉ xin đúng 15 phút, nếu sau đó quý vị không thích thì có thể thoải mái đứng lên ra ngoài”.
Và sau 15 phút, không một ai bỏ ra, ngược lại hội trường cứ đông dần lên, từ hai ba hàng ghế, sau được nửa hội trường và cuối cùng cả hội trường chật kín khán giả. Chương trình kết thúc, nhiều người bảo: Xuân Mùi đã “bỏ bùa” khán giả thành phố mang tên Bác.
Hay trong chương trình biểu diễn ở một nước châu Âu gần đây, một vị đại sứ nói với ông rằng: “Tôi đã xem anh nói chuyện nhiều trên ti vi nhưng hôm nay mới được gặp mặt. Cảm ơn nghệ sĩ Xuân Mùi đã giúp tôi hiểu và yêu quan họ hơn. Chưa bao giờ tôi được thưởng thức đêm nghệ thuật vừa lý thú vừa bổ ích như vậy”.
3. Người ta gọi NSƯT Xuân Mùi bằng nhiều cái tên: "Người kể chuyện”, "người truyền lửa”, "người dẫn đường”, "người hát bè trầm cho quan họ thăng hoa"... Với ông thì cái tên nào cũng là niềm vui, là hạnh phúc của mình khi được khán giả yêu mến, “nhớ tên, quen mặt”. Để được ưu ái gọi bằng những cái tên đó, ông đã dày công luyện tập, nghiên cứu, tìm tòi trong cách hát cũng như văn hóa của người quan họ.
Ông thoáng buồn khi phải chứng kiến ở đâu đó có những nghệ sĩ trẻ hát quan họ mà chưa hiểu sâu về văn hóa quan họ. Ông khẳng định, giá trị của quan họ không đơn giản chỉ ở phần nhạc, lời ca mà đó còn là nhân cách, là nền nếp, lối ứng xử lịch lãm, nghĩa tình, thủy chung son sắt, như lời ca quan họ: “Bao giờ lở núi Tản Viên/ Cạn sông Tô Lịch không quên nghĩa người/ Nghĩa người em để trong cơi/ Nắp vàng đậy lại để nơi mùng nằm/ Mỗi ngày ba bảy lần thăm/ Mỗi ngày ba bảy lần thăm nghĩa người”.
Chính vì lẽ đó, suốt nhiều năm dù đã nghỉ hưu, sức khỏe không còn được như xưa nhưng ông vẫn miệt mài đi nói chuyện về văn hóa quan họ ở khắp các trường học, trong các chương trình biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài.
Thời gian gần đây, khi tỉnh Bắc Ninh có chủ trương tổ chức biểu diễn quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên phi Ỷ Lan, ông được “nhắm” vào vị trí người dẫn chương trình. Ông cũng là gương mặt được chọn “gửi vàng” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Ninh để nói chuyện về cái hay, cái đẹp của những bài quan họ cổ. Khi nhiều người lo ngại về sức khỏe của ông thì ông bảo, cứ được nói chuyện về quan họ là ông cảm thấy trong người khỏe khoắn hơn.
Là người dẫn chuyện quan họ hàng đầu của đất Kinh Bắc nhưng NSƯT Xuân Mùi khiêm nhường khi nói về thế mạnh của mình. Ông bảo, không phải là không có người dẫn chuyện bằng ông mà có người còn hơn ông rất nhiều nhưng ông vẫn đang tìm... Ở tuổi 70, ông hóm hỉnh bảo, “cái tình” của người chơi quan họ cứ bắt ông phải làm việc. Bởi, ông cảm thấy hổ thẹn vì mình là người chuyên nghiệp nhưng chưa say quan họ bằng những người nghiệp dư ở các làng quê, và cũng bởi người yêu mến quan họ luôn mang đến cho ông món quà tinh thần lớn lao, những niềm vui mà không vật chất nào so sánh được.
NSƯT Xuân Mùi (tên thật là Phạm Đăng Mùi) sinh năm 1952 tại làng Kiều, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông thuộc thế hệ đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc và là người dẫn chuyện quan họ hàng đầu ở Bắc Ninh. Ông được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.