(HNMCT) - Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Võ Cẩm Tú sinh năm 1978, từng là ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp. Hiện chị là ca sĩ chuyên dòng nhạc dân ca tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Sinh ra tại Hà Tĩnh, Cẩm Tú sở hữu giọng hát nhẹ nhàng, lắng đọng. Trong hai mươi năm gắn bó với sự nghiệp ca hát, chị đã ra mắt 3 album: “Câu hát quê hương”, “Tình đất”, “Ngọt ngào khúc hát miền Trung”.
- Thưa NSƯT Cẩm Tú, chỉ nghe tên thôi cũng có thể cảm thấy các sản phẩm âm nhạc của chị đều chắt lọc tình cảm với nơi chôn nhau cắt rốn?
- Tôi sinh ra ở mảnh đất miền Trung, nơi thiên nhiên khắc nghiệt rèn cho chúng tôi ý chí, kỹ năng và bản lĩnh sống, đồng thời cũng cho tôi lòng nhiệt huyết.
Ba tôi đã “đầu tư”, hỗ trợ tôi ra album "Câu hát quê hương". Ba cũng là người yêu nghệ thuật, ủng hộ tôi theo con đường này. Ông luôn hướng dẫn và dành những điều tốt đẹp nhất cho tôi. Có lẽ là album đầu tay nên Cẩm Tú cảm thấy có gì đó còn non nớt. Nhưng tôi tự hào, xem đó là dấu ấn đầu đời khi được thể hiện ca khúc mang âm hưởng cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Đến album thứ hai, Cẩm Tú đã có kinh nghiệm hơn, cố gắng thể hiện cho ra bản sắc của từng vùng, miền trong mỗi ca khúc. Với “Tình đất”, tôi thu riêng các ca khúc mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Có một điều thú vị là tuổi thơ của tôi lại gắn với mảnh đất Quảng Ninh. Tôi cũng bén duyên với những bài hát của nhạc sĩ Lê Minh - người chuyên viết các ca khúc phát triển từ dân ca Bắc Bộ như “Khách đến chơi nhà”, “Con nhện tìm duyên”, “Lời ru”. Sau khi được thể hiện các ca khúc của chú, tôi đã nảy ra ý định làm album và nhờ chú biên tập. Thế là tôi cùng lúc ra 2 album: “Tình đất” mang âm hưởng Bắc Bộ và “Ngọt ngào khúc hát miền Trung” mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ.
- Gia đình có ảnh hưởng như thế nào với chị trên con đường nghệ thuật?
- Ba và mẹ tôi có quan điểm hoàn toàn đối lập: Ba ủng hộ tôi theo nghiệp hát, mẹ nói đó là nghề "xướng ca vô loài". Năm 6 tuổi, tôi được tuyển lên Hà Nội học nhạc nhưng mẹ lo con gái còn nhỏ, một thân một mình ở Thủ đô nên không cho đi. Khi ấy tôi giận mẹ 3 ngày trời, không chịu ăn cơm. Sau đó, tôi tham gia rất nhiều cuộc thi văn nghệ và lúc nào cũng được giải. Hồi lớp 9, tôi đi thi giọng hát Trung học cơ sở toàn quốc với bài “Giận mà thương”, được Huy chương vàng. Đó là “tấm vé” đầu tiên để tôi được tuyển thẳng vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tôi vẫn nhớ, sau đó vào Đà Nẵng thăm nơi ba làm việc (hồi ấy ba làm ở Đoàn ca nhạc Ánh sáng miền Trung do nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm làm đoàn trưởng), được tham gia cùng đoàn biểu diễn bài hát "Chiếc áo bà ba" ở Dinh Độc lập (thành phố Hồ Chí Minh). Chính bác Trần Viết Ngãi, Tổng Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 lúc ấy là người khuyên ba tôi nên cho con gái đi học thanh nhạc.
Trong thời gian học thanh nhạc, tôi được NSND Thanh Hoa, NSND Bích Việt, nghệ sĩ opera Bùi Gia Khánh, NSƯT Trần Ngọc Lan, NSƯT Dương Minh Đức hướng dẫn từng chút một, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu. Tôi vẫn luôn cảm thấy mình may mắn bởi trên mỗi chặng đường âm nhạc tôi đều có sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của các thầy cô, được hát những ca khúc phù hợp với chất giọng của mình.
- Trong cuộc sống bộn bề, người ta thoáng nhớ và cũng mau quên, sự thể với người nghệ sĩ cũng vậy. Theo chị, điều gì sẽ neo mình lại với công chúng?
- Dòng nhạc dân ca tuy không quá sôi động nhưng tôi tin dòng nhạc này vẫn từ từ ngấm vào người nghe. Những bài hát mang âm hưởng dân ca của nhạc sĩ An Thuyên như “Ca dao em và tôi”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”... là những bài hát mà Cẩm Tú tin rằng mọi người sẽ còn hát mãi. Với nghề hát, mỗi người có một chất giọng khác nhau. Khi nhìn những thế hệ đi trước, tôi lại có thêm động lực để cố gắng. Nếu mình hát bằng cả tấm lòng, khán giả sẽ luôn ủng hộ và yêu thương.
- Được biết, ngoài công việc thu âm các ca khúc và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia chương trình biểu diễn, ca sĩ Cẩm Tú còn mở lớp dạy nhạc tại nhà?
- Lớp học của Cẩm Tú khá đặc biệt vì các học viên ở đây đa dạng về lứa tuổi, trong đó có nhiều bác lớn tuổi nhưng vẫn say mê ca hát. Cẩm Tú đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cách lấy hơi, làm thế nào để hát được nhiều bài hơn. Các bác cũng vui bởi sau khi học hát lại cảm thấy khỏe hơn, cách lấy hơi tốt cho phổi. Nhiều bạn nhỏ tới học cũng được Cẩm Tú bày cho cách lấy hơi, khi hát không bị mệt, không ảnh hưởng tới thanh quản. Công việc của Cẩm Tú tại Đài Tiếng nói Việt Nam khá bận nên việc tổ chức lớp học cũng phải linh động. Hiện tại, Cẩm Tú chỉ duy trì 2 lớp, một lớp dành cho các bạn nhỏ, một lớp dành cho các bác ở tuổi trung niên. Tôi quan niệm việc học hát là một quá trình rất lâu dài, nếu muốn đi sâu thì phải vào các trường, lớp chuyên nghiệp, còn mình thì chỉ mong muốn khơi dậy tình yêu với âm nhạc cũng như chia sẻ kinh nghiệm hát sao cho tròn vành, rõ tiếng tới các học viên mà thôi.
- Trân trọng cảm ơn NSƯT Cẩm Tú!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.