Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trịnh Mai Nguyên được nhiều khán giả mến mộ trên sân khấu cũng như truyền hình. Anh cũng là người dám thử sức với nhiều dạng vai, từ người lính, vị tướng của lòng dân cho đến những vai diễn phản diện, đa tính cách, lúc lại đĩnh đạc và chỉn chu trong những bộ phim tình cảm gia đình.
Anh nói rằng: Điều quan trọng nhất của diễn viên chính là cảm xúc. Cảm xúc ấy phải được nhen nhóm qua trải nghiệm thực tế và tinh thần luôn học hỏi cái mới.
- Xin chào NSƯT Trịnh Mai Nguyên, nghe nói anh mới đi Trường Sa về. Chắc hẳn, với một nghệ sĩ thì đây là chuyến hải trình mong đợi từ lâu?
- Tôi đã chờ đợi chuyến đi này 20 năm. Đúng 20 năm trước, vì một lý do khách quan nên dù đã vào tới Nha Trang nhưng chúng tôi không thể lên đường ra Trường Sa. Chờ đợi chuyến đi này lâu như thế nên sự háo hức, niềm vui của tôi nhân lên rất nhiều khi được đi Trường Sa vào dịp 30-4 vừa qua. Khi tới đảo Đá Thị, nhìn các chiến sĩ vừa hát, vừa nước mắt rơm rớm, chính tôi cũng không cầm được nước mắt. Thương lắm và có lẽ không có lời nào diễn tả được cảm xúc lúc ấy. Nhiều người mong muốn được đi Trường Sa một lần, bởi bao nhiêu câu chuyện kể có lẽ cũng không thể nói được hết. Phải đi, phải chứng kiến, phải lắng nghe và hòa vào cảm xúc ấy để cảm nhận và thấu hiểu. Mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến đều có nhiều cảm xúc và chúng tôi luôn cố gắng ghi nhớ, lưu giữ trong ký ức của mình những kỷ niệm đẹp.
- Gắn bó với sân khấu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên đã không ít lần vào vai những người lính, đặc biệt là 3 lần có duyên hóa thân thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chắc hẳn anh đã tìm hiểu về cuộc sống của người lính rất nhiều?
- Đúng là như thế! Khi được tin tưởng thể hiện hình tượng Đại tướng hay tham gia một số bộ phim, được vào vai người lính, tôi đã đọc tài liệu, tìm hiểu rất nhiều. Nhưng trong sách vở cũng không thể đủ, trải nghiệm thực tế sẽ cho mình thêm nhiều kiến thức và đặc biệt là cảm xúc, để khi có cơ duyên mình sẽ thể hiện hình tượng người lính sâu hơn rất nhiều. Thể hiện hình tượng Đại tướng có lẽ là một quá trình dài của tôi, từ đầu những năm 2000 khi tham gia dự án phim “Tuyết Đông Dương”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được chọn vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc ấy vừa mừng vừa lo, vừa cực kỳ tự hào, bởi hình tượng của Đại tướng vừa gần gũi, vừa thanh cao, đẹp đẽ từ trong tâm khảm. Tôi đã say mê tìm hiểu tư liệu, trong nước cũng như từ phía Pháp. Tôi được nghe lại những băng phỏng vấn, học tập nói giọng của Đại tướng. Ông là người giỏi tiếng Pháp nên trong cách phát âm có một chút ảnh hưởng của người Pháp. Chính điều đó làm nên thành công khi tôi luyện tập để nói được giọng giống Đại tướng. Bên cạnh đó, tôi cũng đọc lại tư liệu về các trận đánh, thấy được sự quyết tâm của ta khi “đánh là phải thắng”, đặc biệt là tại Điện Biên Phủ. Khó khăn, áp lực, cộng với địa hình hiểm trở... là áp lực rất lớn với cá nhân Đại tướng. Ông đã đưa ra quyết định mà thời điểm ấy không phải ai cũng hiểu được, đó là “đánh chắc, tiến chắc” và sau này đã mang lại chiến thắng vang dội cho quân và dân ta. Sau này, tôi có dịp đọc kịch bản “Người thầy của danh tướng” của nhà viết kịch Lưu Quang Hà, được hiểu thêm về những khó khăn về tư tưởng, làm sao cho toàn quân đồng lòng, nhất tâm thì mới có chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
- Không chỉ gắn bó với sân khấu, trên truyền hình NSƯT Mai Nguyên còn được khán giả hâm mộ gọi là “ông bố quốc dân”. Tuy nhiên, anh cũng thể hiện rất nhiều dạng vai. Vậy đâu là dạng vai mà anh yêu thích nhất?
- Khán giả yêu quý vẫn hay nhắc về tôi với vai nhà báo Hoàng Tân trong phim “Khi đàn chim trở về”. Khi đọc kịch bản, tôi đã mê vai diễn này. Tôi thích dạng vai góc cạnh, xù xì một chút, lúc ấy người diễn viên có nhiều đất diễn hơn, cũng được tung tẩy và ngẫu hứng hơn. Khi mình làm với tất cả đam mê, thích thú thì sẽ có kết quả nhất định và được khán giả đón nhận.
Còn bây giờ, “hơi ngậm ngùi” một tý, đóng vai người bố là đương nhiên thôi vì mình cũng ở tuổi trung niên rồi. Đây lại là một mảng khác để mình tìm hiểu, làm sao thể hiện cho ra hình ảnh một ông bố trong gia đình, một ông chủ trong công ty, cách điều hòa các mối quan hệ trong cuộc sống. Ví dụ với vai Chủ tịch Khang trong phim “Hương vị tình thân”, có một chi tiết mà tôi và đạo diễn đã thống nhất với nhau, đó là: Chủ tịch Khang là người rất yêu mẹ, kính trọng mẹ, nên có một tình huống ông không phải với vợ. Trong diễn xuất, người diễn phải làm sao thể hiện cho ra được tính cách ấy bằng những chi tiết đắt nhất. Hay trong phim “Lỡ hẹn với ngày xanh”, vai diễn của tôi cũng khá giống với nhân vật trong phim “Hương vị tình thân” nhưng lại phải thể hiện nhiều kiến thức chuyên môn sâu hơn. Nhân vật đó là một kiến trúc sư luôn hướng tới một phong cách kiến trúc bền vững và thân thiện với môi trường thông qua các dự án của mình. Để hiểu rõ chuyên môn kiến trúc, tôi cũng đã phải tìm đọc thêm rất nhiều dù rằng hiện nay chúng tôi thực hiện các phim theo hình thức cuốn chiếu, rất gấp gáp. Tôi nghĩ kiểu nhân vật này tuy quen thuộc nhưng nếu mình tìm ra được cách thể hiện mới mẻ, sự độc đáo sẽ thu hút người xem.
- Trân trọng cảm ơn NSƯT Trịnh Mai Nguyên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.