(HNMCT) - Suốt hơn 40 năm kể từ khi bước chân vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) rồi trải qua các đơn vị công tác như Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Đài Tiếng nói Việt Nam và đến nay khi đã nghỉ hưu, chưa khi nào Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Anh thôi trăn trở với việc quảng bá, giới thiệu tiếng đàn bầu đến với công chúng. Theo chị thì thanh âm của đàn bầu rất thân thương, "cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha", thể hiện được đầy đủ nỗi lòng, tâm tư, tính cách của con người Việt Nam.
1. Trong 3 người con của nhạc sĩ Nguyễn An và NSƯT Kim Oanh (đều từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam), duy nhất chỉ có Kim Anh theo nghệ thuật. Chị đến với nghệ thuật hết sức “hồn nhiên”, đó là khi tình cờ trông thấy một bạn đồng nghiệp của mẹ chơi đàn tam thập lục. Mê mẩn tiếng đàn, chị đã đăng ký dự thi đàn tam thập lục tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, trong kỳ thi năm 1979, chị đã không trúng tuyển.
Trong cái rủi lại có cái may, ngay lúc đó, chính Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Tâm đã nhìn thấy tố chất của cô gái có khuôn mặt xinh xắn này nên đã “xin” chị về học chuyên ngành đàn bầu. Cuộc “chạm ngõ” với đàn bầu hết sức ngẫu nhiên như vậy, những tưởng chị sẽ không thể theo kịp những người đã từng học nhiều năm, thế rồi chính tiếng đàn với “năng lực huyền bí” đã đánh thức tình yêu và mong muốn được khám phá trong chị.
Gần đây, trong cuộc trò chuyện với NSND Thanh Tâm, tôi được nghe bà kể về người học trò cưng của mình: “Kim Anh là một người rất chịu khó, kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đề ra cho dù có gặp khó khăn gì. Từ đức tính này mà em ấy rất chăm chỉ luyện tập, học hỏi nên đã chinh phục được nhiều khán, thính giả qua tiếng đàn của mình. Đó là tiếng đàn có màu sắc riêng, không lẫn với những người khác”.
Và khi tôi thuật lại lời nhận xét này với NSƯT Kim Anh thì chị cười bảo: “Đúng là được sinh ra và lớn lên trong gia đình nghệ thuật nên tôi thấy rất may mắn và hạnh phúc khi được tiếp xúc với âm nhạc khá sớm, nhưng không phải ai sống trong môi trường ấy cũng đều thuận lợi mà chỉ có niềm đam mê mới dẫn đến bến bờ thành công”.
2. Nghệ sĩ Kim Anh cho biết, mình có một tình yêu mãnh liệt với tiếng đàn bầu và đi đâu, làm gì chị cũng nắm bắt cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiếng đàn này đến với công chúng. Thời còn công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, chị và các thành viên trong ban nhạc “Mưa Rừng” đã có nhiều chuyến biểu diễn ở trong và ngoài nước, đem đến cho khán giả cảm xúc mới lạ về tiếng đàn bầu.
Khác với quan điểm của nhiều người, nghệ sĩ Kim Anh không ngần ngại khi biểu diễn đàn bầu trong các nhà hàng. Chị không cho rằng chơi đàn ở nhà hàng là hạ thấp mình, là làm giảm kiến thức cũng như kỹ năng tay nghề. Chị nghĩ, bất cứ việc gì, dù cao hay thấp, dù lớn hay bé đều cần phải có cái tâm của người làm nghệ thuật chân chính. Và chính công việc này đã rèn cho chị đức tính kiên trì, chịu khó tìm tòi, nghe nhạc, nghe hát ở khắp mọi lúc, mọi nơi. Tiêu chí mà chị tự đặt ra cho mình là mỗi thể loại âm nhạc phải thuộc vài bài nhạc và thuộc thật nhiều ca khúc nổi tiếng ở từng giai đoạn lịch sử, ở mọi thể loại, mọi lứa tuổi, vùng miền...
“Giai điệu của những bản nhạc vang lên qua âm thanh ngân nga của đàn bầu làm cho người thưởng thức có nhiều cảm xúc khác nhau. Vì sao âm thanh của đàn bầu lại cuốn hút người thưởng thức đến vậy? Tôi nhận thấy đàn bầu là loại nhạc cụ dây gảy và dùng bồi âm để tạo thành những nốt nhạc trên một dây đàn, một đầu dây nối với trục lên dây, một đầu dây buộc vào cần đàn để kéo lên hoặc đẩy xuống. Thời còn đi học, cô Thanh Tâm từng giảng: Người xưa ví tay phải dùng các ngón gảy như người mẹ sinh ra đứa con, còn tay trái dùng ngón nhấn nhá, rung, vỗ vuốt được ví như người cha nuôi dưỡng đứa con ấy”, NSƯT Kim Anh kể lại.
3. Không chỉ hoạt động nghệ thuật sôi nổi trên sân khấu, chị còn có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc giới thiệu tiếng đàn bầu trên sóng phát thanh khi về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 2003 với nhiệm vụ là một biên tập viên thực hiện các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. Với niềm say mê, rung cảm dành cho các cây nhạc cụ dân tộc nói chung và cây đàn bầu nói riêng, chị đã thực hiện nhiều chuyên đề về đàn bầu trong chương trình “Bàn tròn âm nhạc” như: “Tìm hiểu cây đàn bầu”, “Giới thiệu kỹ năng cơ bản của đàn bầu”, hay thực hiện tọa đàm “Nên hay không tiếp tục cải tiến cây đàn bầu”... Đặc biệt, chị đã đề xướng và đảm trách nhiệm vụ thực hiện chuyên mục “Cung đàn quê hương” phát sóng hằng tuần giới thiệu nhiều bản nhạc viết cho nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn bầu.
Năm 2008, chị còn được biết đến là người đầu tiên mang tiếng đàn bầu Việt Nam lên sóng Truyền hình Trung ương Nga (TV1) với 2 bản nhạc “Sông Volga xinh đẹp” và “Mùa xuân Tây Nguyên” trong cuộc thi “Một phút vinh quang”. Sở dĩ chơi 2 bản nhạc này vì theo chị, khán giả Nga có thể biết đến cây đàn bầu qua các giai điệu của Việt Nam nhưng chắc chắn họ chưa biết rằng các giai điệu Nga thông qua cây đàn bầu Việt Nam cũng hay không kém. Chị nghĩ, việc thể hiện bản nhạc Nga trên một loại nhạc cụ độc đáo của Việt Nam sẽ làm cho khán giả Nga thêm yêu thích cây đàn bầu Việt Nam và ủng hộ cho tiết mục của mình trong cuộc bình chọn. Nhưng cái khó với chị là thông thường chơi mỗi bản nhạc phải mất 4 phút nhưng Ban tổ chức yêu cầu mỗi tiết mục tham gia chỉ được thể hiện trong 2 phút. Với kiến thức của mình, chị đã phải “viết lại” bản nhạc sao cho chỉ còn thời gian như quy định mà vẫn thể hiện đầy đủ được giai điệu bản nhạc và có cả những kỹ thuật trổ ngón đàn... Kết quả chung cuộc, tiết mục đó được 3 giám khảo cho điểm xuất sắc.
4. Từ sau khi nghỉ hưu (năm 2018), nghệ sĩ Kim Anh có nhiều thời gian để rong ruổi cùng cây đàn bầu biểu diễn phục vụ du khách quốc tế trên tàu du lịch tại vịnh Hạ Long. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 tràn vào nước ta, không được đi biểu diễn, chị ở nhà và thu lại những bản nhạc, ca khúc nổi tiếng qua cây đàn bầu để giới thiệu với công chúng qua mạng xã hội. Tính đến nay, chị đã thu thanh và thu hình gần 200 bản nhạc trên cây đàn bầu. Giờ đây, sau mỗi chuyến đi đến một địa danh nào đó, chị lại lấy cảm hứng và tìm bài hát phù hợp với vùng miền đó rồi ghi hình để ghép lại thành MV hoàn chỉnh.
Có thể nói, NSƯT Kim Anh luôn cháy bỏng với niềm đam mê bất tận là được giới thiệu cây đàn bầu truyền thống của dân tộc đến với nhiều người. Hỏi chị lý do vì sao lại gắn bó sâu sắc với cây đàn này như vậy, chị liền đọc mấy câu thơ trong bài thơ “Đàn bầu” của nhà thơ Lữ Giang: “Lắng tai nghe đàn bầu/ Thánh thót trong đêm thâu/ Tiếng đàn bầu Việt Nam/ Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha/ Ngân nga em vẫn hát...”. Và tôi hiểu rằng chị yêu cây đàn bầu cũng giống như yêu gia đình, yêu quê hương - một thứ tình cảm thật khó diễn tả hết bằng lời.
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Anh (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Anh) sinh năm 1963, quê gốc ở Hải Dương. Chị có nhiều năm công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ chuyên nghiệp toàn quốc năm 1988 và tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Ngoài ra, chị cũng đã cùng nhóm nhạc “Mưa Rừng” của mình mang về giải Vàng tại Hội diễn ca, múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vào các năm 1993 và 1995.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.