(HNMCT) - Không được theo học âm nhạc chuyên nghiệp nhưng Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hồng Liên được trời phú cho chất giọng đẹp, trữ tình, tha thiết đến mê mẩn lòng người. Nhắc đến chị, nhiều thế hệ khán, thính giả nhớ đến nữ nghệ sĩ đa đoan luôn biết vượt lên hoàn cảnh để cất cao tiếng hát làm đẹp cho đời.
1. Hẳn nhiều khán giả Thủ đô còn nhớ trong chương trình nghệ thuật chào xuân Nhâm Dần “Kinh kỳ hương sắc xuân ca” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức (phát sóng trên Kênh H1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội ngày mùng 7 tháng Giêng), NSƯT Hồng Liên đã thể hiện hai ca khúc “Mùa chim én bay” và “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Ở tuổi 65, giọng hát của nữ nghệ sĩ thành Nam vẫn ngọt ngào, da diết khó lẫn với các ca sĩ khác. Xuất hiện bên các ca sĩ trẻ, Hồng Liên chính là một trong những điểm nhấn tạo nên hương vị cho chương trình mang đậm hồn cốt Thăng Long.
Dù đã biểu diễn ở nhiều nơi nhưng Hà Nội luôn ghi dấu ấn đậm nét trong lòng Hồng Liên. Đó là nơi cô bé Hồng Liên cất tiếng khóc chào đời và cũng chính là nơi chị có vinh dự được gặp Bác Hồ. Sinh thời, cha của chị công tác ở Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) và những dịp cuối tuần, chị thường được cha dẫn vào khu nhà sàn của Bác để xem phim. Năm lên 6 tuổi, trong một lần xem bộ phim thiếu nhi “Chiếc trâm ngọc”, chị được gặp Bác. “Bác vẫy tôi lại gần và hỏi: Cháu con nhà ai, sao mà diện thế. Cháu có biết hát không, hát cho bác nghe nào? Tôi hồn nhiên hát cho Bác nghe bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Bác nghe xong, mắt lấp lánh vui, khen tôi hát hay và xoa đầu rồi thưởng kẹo”, NSƯT Hồng Liên nhớ lại.
Mang theo niềm đam mê với âm nhạc từ thuở bé và được Bác Hồ động viên, sau này khi trưởng thành, nghệ sĩ Hồng Liên lại được nhạc sĩ Thanh Phúc phát hiện ra giọng hát ấn tượng. Đó là vào năm 1979, khi chị đang công tác tại Cục Quân lương (Tổng cục Hậu cần) và giành giải A tại Hội diễn ca múa nhạc không chuyên toàn quốc với bài “Nắng” của nhạc sĩ Thanh Phúc. Tác giả “Người Mèo ơn Đảng” bất ngờ về giọng hát đẹp này, từ đó ông ra sức động viên chị theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Và sau 4 năm miệt mài cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam, chị đã chính thức về công tác tại đây vào năm 1983 và làm việc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.
2. Suốt gần 40 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồng Liên luôn cố gắng hoàn thiện giọng hát của mình, bởi hơn ai hết chị hiểu rằng, bản thân không được đào tạo bài bản về thanh nhạc nên còn thiếu hụt kiến thức căn bản. Ngày qua ngày, chị không ngừng khổ luyện để rồi “có ngày nên kim”, ghi dấu ấn trong lòng người nghe khi trình bày những ca khúc như “Hoa cau vườn trầu”, “Sợi nhớ, sợi thương”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Xuân chiến khu”...
Là người có thời gian dài công tác cùng NSƯT Hồng Liên, soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam đánh giá: “Hồng Liên là nghệ sĩ có tâm với nghề. Chị chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức nên có thể hát được nhiều loại hình dân ca và ca khúc mang âm hưởng dân gian. Có một thời NSƯT Hồng Liên gần như “lên sóng cả ngày” trên cả phát thanh, truyền hình. Chị còn là nghệ sĩ ngâm thơ hay. Với những người làm dân ca và nhạc cổ truyền nhiều thập niên qua, chị như một người chị, một người cô luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình. NSƯT Hồng Liên cũng là người nổi tiếng mà “bình dân”, chị sẵn lòng hát khi khán, thính giả yêu cầu. Chị là sao mà không mắc bệnh sao”.
Có một sự nghiệp âm nhạc thành công, song đời sống riêng tư của NSƯT Hồng Liên gặp nhiều trắc trở. Chính những lúc buồn khổ thì âm nhạc vang lên, là chỗ dựa tinh thần để chị vững tin vào cuộc sống. Và đó cũng là lý do mà vào năm 2018, chị quyết định đặt tên cho đêm live show kỷ niệm 40 năm ca hát của mình là “Một đời nhớ, một đời thương” - một cách để tri ân cuộc đời, tri ân nghề và tri ân khán giả đã yêu mến chị. Live show là câu chuyện tràn đầy cảm xúc được kể bằng âm nhạc. Xuất hiện bên cạnh NSƯT Hồng Liên là những gương mặt nổi tiếng được yêu mến, như Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Hồng Năm, Ngọc Ký Sao Mai, Châu Tuấn, Hải Đăng, nhóm Mộc Miên, ban nhạc Nam Thành, vũ đoàn Sen Việt... Điều đáng trân trọng là toàn bộ số tiền bán vé được chị góp cho Quỹ Hỗ trợ học sinh sinh viên nghèo vượt khó Hà Nội.
3. Là ca sĩ giàu lòng nhân ái nên sau khi nghỉ hưu, chị vẫn liên tục đi biểu diễn phục vụ các chương trình từ thiện, thậm chí còn hăng say hơn trước vì không còn vướng bận công việc tại Đài. Chị là thành viên tích cực tham gia dự án từ thiện “Mang âm nhạc đến bệnh viện” cùng với nhóm của ca sĩ Thái Thùy Linh, địa điểm biểu diễn là nhiều bệnh viện, với mong muốn xoa dịu nỗi đau bệnh tật, thắp lên niềm hy vọng cho các bệnh nhân. “Là người nghệ sĩ không giàu có về tiền bạc nhưng lại được trời phú cho giọng hát nên tôi mong muốn được phục vụ bệnh nhân và những người yếu thế trong xã hội, coi đó như một sự sẻ chia, động viên, an ủi để họ vượt qua nỗi đau về tinh thần và thể xác. Tôi coi đó là sự đóng góp cho xã hội này, mặc dù còn khá ít ỏi”, NSƯT Hồng Liên bộc bạch.
Ở tuổi 65 sức khỏe có nhiều hạn chế, không thể hát “sung” được như xưa nhưng trong tâm khảm, NSƯT Hồng Liên vẫn đam mê cháy bỏng với âm nhạc và mong muốn được phục vụ khán giả nhiều hơn nữa. Chị bảo, những khi ốm mệt, chỉ nghỉ một hai ngày là đã thấy nhớ sân khấu rồi. Còn khán giả yếu mến và hâm mộ mình thì chị còn muốn hát bởi với chị, hát là một cách để tồn tại trong cõi đời này. Bởi thế mà hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, ít có cơ hội được biểu diễn trực tiếp, chị lại hăm hở bước vào “sân chơi” mới, đó là lập kênh YouTube để đăng tải những sản phẩm âm nhạc mà mình dày công thực hiện. Mỗi MV đưa lên có hàng nghìn lượt người xem và bình luận, cho thấy sức hút từ giọng hát của Hồng Liên vẫn còn rất sâu đậm trong lòng công chúng.
Nghệ sĩ ưu tú Hồng Liên (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hồng Liên) sinh năm 1957 tại Hà Nội, quê gốc ở Nam Định. Năm 1985, chị giành Huy chương Đồng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp ở Đà Nẵng với bài “Hương lúa quê nhà” (nhạc sĩ Phan Huyền Ngọc). Năm 1990, chị giành Huy chương Bạc tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp tại Hà Nội với bài “Tổ khúc tứ bình” (nhạc sĩ Lương Nguyên). Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2002. Chị đã ra mắt một số album, như “Hương quê” (năm 2003), “Đi tìm” (năm 2007)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.