Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng: Hoài niệm trong vẻ hồn nhiên

Trà Giang| 24/03/2023 09:21

(HNMCT) - Ngược với vẻ ngoài "bụi bụi", mái tóc dài và cách ăn mặc “rất rock”, mỗi dự án nghệ thuật hay những cuộc trò chuyện của Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng (nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long) luôn thể hiện sự nặng lòng với truyền thống, tha thiết hoài niệm vẻ đẹp xưa. Trong sáng nhất, thuần khiết nhất, hồn nhiên nhất - là tiêu chí của anh trên con đường nghệ thuật, cũng là “định dạng” của một tâm hồn được nâng đỡ, nuôi dưỡng bằng mạch nguồn văn hóa truyền thống.

- Bảy năm sau triển lãm tranh chân dung “Chu Lượng và những người bạn”, anh lại vừa có triển lãm “Từ chân dung đến chân dung - Những người đàn bà tôi vẽ”, khai mạc chiều 17-3 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm giới thiệu 50 bức tranh về chân dung 32 phụ nữ được anh thực hiện trong 2 năm qua. Có phải khi nghỉ hưu rồi anh mới dám thể hiện nhiệt tâm với vẻ đẹp phụ nữ?

- Phụ nữ là đề tài muôn thuở. Vẻ đẹp người phụ nữ là một ẩn số mà ngay cả các họa sĩ nổi tiếng thế giới cũng chưa khai thác hết. Khi đã đi đến gần cuối cuộc đời, tôi cũng muốn chạm đến một lần, khai thác xem như thế nào. Tôi không phải là một họa sĩ vẽ chân dung, từ sau cuộc triển lãm “Chu Lượng và những người bạn” năm 2016 thì tôi mới nảy ra ý định vẽ chị em. Đây là một sự tri ân với đời sống này.

- Những người đàn bà trong tranh của anh, anh chọn vẽ họ theo tiêu chí gì?

- Đầu tiên tôi vẽ chân dung để tặng vợ của hai người bạn thân, sau đó là những người quen, nhiều người xem tranh thích quá lại nhờ tôi vẽ. Tôi không đi tìm vẻ đẹp bên ngoài mà vẽ làm sao để toát lên con người của họ. Mỗi nhân vật tôi vẽ 2 bức, 1 bức là để chiều nhân vật đó, nhân vật rất thích, nhưng để thỏa mãn nhân vật thì lại mất đi phần nghệ thuật của nghệ sĩ, nên tôi vẽ một bức cho tôi để được tự do sáng tạo. Khi vẽ chân dung, khó nhất là tìm cho mình một phong cách riêng, nhưng thể hiện ở các nhân vật thì phải khác nhau. Vẽ xong một nhân vật, tôi lại phải tư duy để nhân vật khác hiện lên ở một không gian khác, một màu sắc khác, bố cục khác, thể hiện một chiều sâu khác.

- Anh nhiều lần khẳng định đam mê của đời mình là rối. Vậy gương mặt rối với gương mặt người có gì đồng điệu trong ngôn ngữ hội họa của anh?

- Tôi vẽ những người đàn bà này trên tinh thần của rối nước, vẽ họ trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất. Đời sống này khắc nghiệt lắm, đôi khi nó làm mất sự hồn nhiên của chúng ta. Phụ nữ phải lo toan rất nhiều việc, chồng con, cơ quan, biết bao nhiêu mối quan hệ... nên để có được một gương mặt trong sáng thì rất hiếm. Cho nên nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một người rất hiểu tôi mới viết: Chu Lượng đi tìm con người trong chân dung chứ không phải chỉ là vẽ hình hài bên ngoài. Vẽ bên trong nội tâm, mong muốn, khát vọng của họ mới là khó.

- Xem tranh của anh thấy những người phụ nữ hiện lên rất hồn hậu. Đọc những bài anh viết kèm theo mỗi bức chân dung, thấy ở đó đong đầy chất hoài niệm nữa...

- Chính xác, cảm ơn bạn đã đồng cảm với tôi. Cuộc sống đô thị hiện nay nhốn nháo, ồn ào đang cuốn chúng ta đi; trong ứng xử với nhau, trong ứng xử với thiên nhiên, với di sản... cũng đang mất đi vẻ đẹp vốn có. Tôi vẽ chân dung của những phụ nữ Hà Nội giản dị thôi, nhưng gửi gắm trong đó là hoài niệm về một Hà Nội đã xa. Một nhân vật tâm sự với tôi rằng, cô ấy muốn vẽ một bức chân dung mang đậm chất của người con gái Hà Nội xưa, để nhớ về căn nhà xưa, về đường ăn nết ở xưa... Đó là tình cảm của cả nhân vật và của tôi muốn gửi gắm trong tác phẩm.

- Đây là một hoài niệm mang tính thế hệ? Tôi cảm nhận rằng, anh đau đáu với truyền thống như vậy là bởi anh được nuôi dưỡng trong một môi trường đậm đặc tính truyền thống.

- Đúng vậy. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê, nền tảng văn hóa truyền thống đã thấm đẫm vào mình. Gia đình tôi là gia đình truyền thống về hội họa, từ ông tôi đến bố tôi, tôi và giờ là con trai tiếp nối. Chúng tôi làm về văn hóa truyền thống chứ không phá cách. Con trai tôi đi học ở nước ngoài về nhưng cũng vẽ truyền thống, cũng đi theo tinh thần đó. Chỉ có nền tảng văn hóa truyền thống mới là nền tảng vững chãi nhất, thênh thang nhất cho nghệ sĩ sáng tạo.

Chính vì vậy, đó là tinh thần xuyên suốt trên con đường nghệ thuật của tôi, được trao truyền từ cha ông. Cũng như rối nước, tôi chỉ mang tinh thần ấy và làm mới nó thôi chứ không được làm hỏng nó. Những con rối nước được sắp đặt với tinh thần hội họa mới nhưng vẫn là những con rối đi ra từ tâm hồn của những người nông dân thuần khiết.

- Để nói ngắn gọn nhất về chân dung nghệ thuật của anh, đó sẽ là gì?

- Trong sáng nhất, thuần khiết nhất, hồn nhiên nhất - 3 yếu tố đó xuyên suốt hành trình làm nghệ thuật của tôi và tạo thành một Chu Lượng. Khi chúng ta sinh ra, lớn lên thì đó là sự hồn nhiên lần thứ nhất, khi đó chúng ta chưa có đủ sự nhận biết. Nhưng khi đã từng trải, để trở lại được sự hồn nhiên thì phải trả một cái giá khủng khiếp, lúc đó anh đã phải hội tụ đủ mọi yếu tố để nhận biết được đời sống. Cái hồn nhiên lần thứ hai này mang tinh thần của Phật giáo.

- Sau triển lãm này sẽ là gì tiếp theo, thưa anh?

- Triển lãm này là để tri ân, kinh phí có được từ triển lãm này tôi sẽ dùng để tiếp tục theo đuổi đam mê với rối nước. Sắp tới tôi sẽ phục dựng những quân rối cổ. Vừa rồi, tôi có đi hội thảo ở Cộng hòa Séc, có một người tặng tôi cuốn sách trong đó có hình ảnh nghệ nhân cổ xưa và những con rối cổ xưa mà ở Việt Nam không thấy. Tư liệu này thôi thúc tôi phục dựng với mong muốn bảo tồn giá trị của rối nước.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng: Hoài niệm trong vẻ hồn nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.