Giải trí

Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân: Điều sau cùng có ý nghĩa là tình yêu

Mai Đình thực hiện 21/01/2024 - 17:39

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Chiều Xuân vừa góp mặt trong hai dự án điện ảnh kinh dị đình đám ra mắt cuối năm 2023: Phim truyền hình “Tết ở làng địa ngục” và phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Hơn hai tháng sống và làm việc cùng đoàn làm phim với NSƯT Chiều Xuân cũng là quãng thời gian lưu dấu nhiều kỷ niệm làm nghề.

638407607693942547-11079625.jpg

- Thưa NSƯT Chiều Xuân, chị có thể chia sẻ đôi chút kỷ niệm khi tham gia phim truyền hình “Tết ở làng địa ngục” và phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” ghi hình tại Hà Giang đầu năm 2023?

- Chúng tôi lên Hà Giang dịp sau Tết Nguyên đán Quý Mão để bắt đầu với phim truyền hình “Tết ở làng địa ngục”, vào đúng dịp mưa phùn, gió bấc và sau đó thì quay “Kẻ ăn hồn”. Khi mới bước chân đến làng, tôi vô cùng hào hứng. Tôi chợt nghĩ: Thiên đường là đây khi ngắm những ngọn núi, những áng mây bay, cảm giác như mình đang lạc vào một câu chuyện cổ tích. Những ngọn núi cao bao quanh làng, mây sà xuống, bay qua người mình, khiến mình “ngập” trong màn sương ấy. Mặc dù khi ấy chưa quay phim nhưng trong lòng đã cảm thấy rất có duyên với ngôi làng Sảo Há (xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Bước vào làng, tôi thấy hai ngôi miếu cổ, những ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc, nhuốm màu thời gian. Người dân trong làng thì vô cùng chân chất. Khung cảnh ấy đã kéo tôi và các thành viên trong đoàn làm phim như được trở về với sự nguyên sơ, thanh thản.

Thời điểm đoàn làm phim ít người nhất là 150 người, đông nhất là 400 người. Mỗi ngày, anh chị em trong đoàn đều dậy từ 3 - 4h sáng làm việc một cách trật tự, khoa học. Trong tiết trời lạnh giá, nhiều diễn viên vào vai dân làng phải mặc những bộ trang phục rách rưới, phong phanh nhưng khi diễn, dường như chúng tôi đều say mê vào vai mà quên đi điều đó. Đoàn làm phim cũng rất cẩn thận khi đốt một đống lửa to để anh em sưởi, trang bị thêm những miếng dán ấm. Vì thế, cũng may là trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề như vậy, không điện, không nước, thời tiết lạnh giá nhưng ít người bị ốm.

- Trong phim “Kẻ ăn hồn”, vai diễn của chị là một người mẹ đầy đau khổ. Lần nhập vai này có gì khác với các vai diễn trước đây và chị đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Khi đạo diễn Trần Hữu Tấn ngỏ lời mời, tôi đã suy nghĩ khá nhiều. Trước đó, tôi đã xem các phim của Tấn như “Bắc Kim Thang”, “Rừng thế mạng”, “Chuyện ma gần nhà” và rất ấn tượng với cách kể chuyện, cách tạo hình trong phim của anh. Từ thời trẻ, tôi đã thích đọc “Lĩnh Nam chích quái” hay một số truyện kinh dị. Khi xem phim của Trần Hữu Tấn, tôi lại thấy những hình ảnh mình được đọc từ trang sách dội về, và cũng rất Việt Nam. Và tôi quyết định bằng giá nào mình cũng phải tham gia.

Vai diễn của tôi là vai một người mẹ mất con, trong một hoàn cảnh rất thảm khốc, đau đớn. Tôi đã dành cho mình thời gian suy nghĩ và cảm nhận về vai diễn này. Khi lên làng Sảo Há quay, tôi hạn chế nói chuyện với mọi người, dành thời gian nghĩ về vai diễn của mình. Tôi nhớ như in mọi cảnh quay và mỗi khi nhớ lại đều cảm thấy đau lòng. Thực sự không dễ để kể ra, cứ kìm nén trong lòng cho đến khi kết thúc câu chuyện, khi đạo diễn “gỡ bỏ” được các nút thắt của bộ phim.

- Dòng phim kinh dị dường như đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán giả trong nước. Tuy vậy, nếu nhìn một cách công tâm, là một người trong cuộc, chị có cảm thấy “đã” với những chi tiết hù dọa khán giả trong hai tác phẩm điện ảnh và truyền hình chị vừa tham gia?

- Chúng ta không nên so sánh với các bộ phim kinh dị, bom tấn của nước ngoài vì sẽ làm khó cho mọi người. Với những gì tôi được trải nghiệm, tôi nghĩ rằng những người dám bỏ tiền, dám chịu khổ, chịu khó để cho ra đời những bộ phim tốt, có lẽ không nhiều và chúng ta nên ủng hộ họ.

Cảm nhận chung của tôi là hai tác phẩm này gần với mặt bằng của phim kinh dị của các nước trong khu vực. Theo tôi, để xây dựng một bộ phim với nhiều kịch tính là khó. Còn yếu tố kinh dị cần sự hội tụ của nhiều điều khác nữa. Bộ phim này dùng kỹ xảo rất ít, khiến cho tôi cảm giác các nhà làm phim của chúng ta đang chạm được đến dòng phim một cách chuyên nghiệp. Điều đáng nói với bộ phim này là các chi tiết, những câu chuyện truyền miệng dân gian về ma quỷ, những điều kỳ quái đã được chuyển tải rất nhuần nhuyễn. Bên cạnh kịch bản dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã khai phá thêm nhiều chất liệu văn hóa dân gian thú vị cho bộ phim này. Điều đó đã tạo nên chất riêng, hấp dẫn cho hai bộ phim.

- Nhưng nói đi nói lại, với khán giả, yếu tố kinh dị cũng chỉ là lớp vỏ bên ngoài, điều quan trọng vẫn là những nút thắt của câu chuyện được giải quyết và một thông điệp tích cực, để lại những dư âm cho họ?

- Tôi và Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Thư, diễn viên Hữu Tiến đã ôm nhau khóc khi cảnh quay cuối phim “Kẻ ăn hồn” kết thúc. Sau những chi tiết ám ảnh, câu chuyện ly kỳ, những biến cố đau thương, điều có ý nghĩa hơn cả vẫn là tình yêu, tình người, mong ước được quay trở lại thời thơ ấu, cái thiện vẫn chiến thắng những quyền lực đen tối nhất. Chúng tôi đã khóc bởi sự đồng cảm, và đó dường như là cảm giác chúng ta cần mang đến cho nhau, cho cuộc sống này, nhất là khi người ta ở trong hoàn cảnh bế tắc.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân: Điều sau cùng có ý nghĩa là tình yêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.