Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn: Luôn tự làm khó mình

Minh Lộc| 15/11/2011 07:10

(HNM) - Từ năm 2005 đến 2011, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Văn có 8 triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân: "Hai giờ, Một ngày…", "Đạo và Đời" (1&2), "Tồn tại hay không tồn tại", "Màu mặt trời", "Tướng trận thời bình", "Hà Nội động và tĩnh". Và hôm nay (15-11), tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, anh sẽ ra mắt công chúng triển lãm mới "Đứt đoạn & Kết nối".

- Thưa anh, 8 triển lãm trong 7 năm liên tiếp có phải là một cách trải nghiệm về sự sáng tạo nghệ thuật của mình?

- Đó là nỗ lực để khỏi chán mình và cũng để tạo ra cho mình một áp lực - hạn định mà vượt lên. Làm sao để mỗi triển lãm đều có sự khác biệt, thực sự rất khó khăn. Nhưng có đi thì mới nhìn lại được, nếu quá cầu toàn thì nhiều khi cơ hội đã vuột mất. Nghệ thuật không chấp nhận sự thỏa mãn, thói lười biếng, sự cẩu thả và cả lối tư duy bảo thủ nữa.

NSNA Việt Văn.

- "Đứt đoạn & Kết nối" có gì giống và khác với 7 triển lãm trước?

- Giống là tiếp nối mạch ảnh "thiền" từ những triển lãm trước. "Thiền" thực chất là lối tư duy, lối sống rất đương đại, khi trọn vẹn trong giây khắc "thân đâu tâm đấy", để tận hưởng từng "sát na" (đơn vị đo thời gian của đạo Phật bằng 1/60 hơi thở mong manh) trong cuộc sống đẹp đẽ này. Khác là tư duy của tôi dần chín hơn, câu chuyện kể cũng rành mạch hơn và hình thức thể hiện cũng tốt hơn. Ngay việc dùng ảnh dán trên xốp mỏng và treo trên những tấm mành cũng là một hình thức mới lạ.

- Vì sao anh lại đặt tên cho triển lãm của mình là "Đứt đoạn & Kết nối"?

- Làm sao để mình có thể đón nhận những cơn mưa ập xuống bất ngờ khi đang dạo chơi với tâm lý thoải mái, an lạc dù biết rằng ở đâu đó trời nắng đẹp. Làm sao để mình có thể chia sẻ với nỗi đau của người khác, trong khi bản thân đang hạnh phúc và luôn sợ hãi níu giữ sự bền vững của hạnh phúc. Trong sự trôi chảy của dòng đời sinh diệt, làm sao mà mỗi cá nhân có thể thẩm thấu được những sự tương phản liên tục, những thái cực của khoái lạc và đau khổ mà vẫn giữ được tâm bình an…

"Đứt đoạn & Kết nối" là trạng thái mà ai cũng trải qua nhưng chỉ đạt được khi họ có con mắt an lạc.

- Có cảm giác anh thiên về chụp ảnh ý niệm, một xu thế đang thịnh với ảnh nghệ thuật thế giới, nhưng ở Việt Nam, hình như mới manh nha và chưa rõ ràng?

- Ảnh ý niệm nằm trong dòng ảnh đương đại (contemporary photography). Ý tưởng là quan trọng nhất, còn máy ảnh chỉ là phương tiện... vì thế không chú trọng nhiều về chơi ánh sáng hay bố cục, tạo hình. Ảnh ý niệm thường là dàn dựng và theo một series thể hiện ý đồ tác giả rất rõ ràng, nhiều khi mang tính triết lý nặng nề.

Tôi thích chụp ảnh theo những đề tài mang tính tâm linh, xã hội và không quá câu nệ hay phân định ranh giới giữa ảnh nghệ thuật hay ảnh báo chí.

- Trong hai năm 2010-2011, anh là nhiếp ảnh gia Việt Nam duy nhất đoạt các giải thưởng quốc tế uy tín. Bí quyết của anh là gì?

- Mỗi nhà nhiếp ảnh có bí quyết riêng khi thi ảnh thắng giải. Có người tự tin là giỏi nắm "gu" (gout) của ban giám khảo (BGK). Nhưng với nhiều cuộc thi thì BGK có khi đông tới 69 thành viên (IPA) với đủ thành phần, lại từ nhiều nước khác nhau, làm sao có thể "chiều" được tất cả. Bởi thế khi lựa chọn ảnh thi, với tôi, yếu tố mới lạ (sáng tạo) là quan trọng nhất, làm sao mỗi bức ảnh phải kể một câu chuyện, mỗi bức ảnh phải làm người xem ngạc nhiên và dừng lại để xem kỹ...

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn: Luôn tự làm khó mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.