(HNMCT) - Sở hữu gần 100 giải thưởng từ Cúp Vàng quốc tế tới các giải thưởng lớn nhỏ trong nước, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hồ Sĩ Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã khẳng định tên tuổi trong giới nhiếp ảnh. Ảnh của anh luôn ẩn chứa ý tưởng sáng tạo độc đáo, người xem dễ dàng nhận từ đó lòng nhiệt thành và tình yêu cái đẹp của người nghệ sĩ xứ Nghệ.
1. Nhiều lần đến thăm trụ sở Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) tại số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), ấn tượng của tôi về anh là một người nghệ sĩ - nhà báo hiền lành, giản dị, chân chất với giọng nói đậm chất xứ Nghệ ấm áp. Hỏi ra mới biết anh đã có gần 20 năm làm phóng viên ảnh của Báo Nghệ An và mới ra Hà Nội công tác được 5 năm. Cầm cuốn sách ảnh “Tình đất, tình người”, anh nói, dù sống ở Hà Nội nhưng tâm hồn anh vẫn “ở lại” xứ Nghệ, vẫn tha thiết với mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Tất nhiên, cuốn sách ảnh “Tình đất, tình người” với hơn 300 tác phẩm ảnh mộc mạc, giản dị, đậm tình đất, tình người xứ Nghệ chỉ là một phần nhỏ trong “kho tàng” hàng nghìn bức ảnh của anh.
Hồ Sĩ Minh đến với báo chí và công việc nhiếp ảnh chuyên nghiệp khá muộn. Năm 2001, khi đã 39 tuổi anh mới chuyển công tác từ Công ty Văn hóa tổng hợp Nghệ An sang Báo Nghệ An với cương vị là một phóng viên ảnh. Trước đó 5 năm anh đã là cộng tác viên ảnh tích cực của Báo Nghệ An, các ảnh trang bìa báo xuân đều do anh thực hiện. Anh đến với nghề ảnh vì đam mê, để chơi và cũng lấy nó làm nghề mưu sinh, không lâu sau anh đã trở thành “thợ ảnh” có tiếng. Chính thời gian được rong chơi cùng ánh sáng, đi khắp mọi miền chụp ảnh cho anh trải nghiệm đáng quý làm “hành trang” để anh trở thành NSNA sau này. “Bố tôi là công an nên được cấp máy ảnh để làm nghiệp vụ và tôi đã biết đến nhiếp ảnh từ đó. Hơn nữa, anh trai của tôi làm ở Công ty Nhiếp ảnh của tỉnh, tôi được anh hướng dẫn về ảnh. Tôi theo học nhiều lớp nhiếp ảnh, quay phim... và mở hiệu ảnh. Từ “thợ ảnh”, tôi học hỏi thêm về ảnh báo chí và đăng ký thi tuyển vào lớp đại học tại chức báo chí những năm 1996 - 2000” - anh trải lòng.
2. Nhìn lại hành trình đã qua, NSNA Hồ Sĩ Minh bảo, chính nghề báo đã bổ trợ và “chắp cánh” cho giấc mơ nhiếp ảnh của mình. Nghề báo giúp anh tới nhiều nơi, gặp nhiều nhân vật và rèn cho anh kỹ năng phát hiện nhanh, nắm bắt kịp thời vấn đề. Ống kính của anh thường hướng về con người và cuộc sống hằng ngày, bởi anh cho rằng đó là đề tài muôn thuở, không bao giờ cạn. Có thể chứng minh điều đó qua các tác phẩm đã được giải cao của anh. Chẳng hạn, bức “Nắng thu” (giải C giải thưởng ảnh xuất sắc quốc gia năm 1999), anh chụp bông sen tàn trong nắng mùa thu, rất đẹp. Rồi bức “Thức dậy một tiềm năng” (Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc Trung Bộ, năm 2000), anh chụp hệ thống băng tải xuyên núi Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa) với mong muốn nơi này sẽ giúp đời sống nhân dân khấm khá hơn. Hay bức “Rừng nguyên sinh Pù Mát” (giải Nhất đồng hạng cuộc thi ảnh ASEAN cấp quốc gia, năm 2004), anh chớp được khung cảnh hùng vĩ tuyệt vời khi nắng vừa lên đúng độ. Hay bức “Hỏa hoạn” (Cúp Vàng quốc tế Nhật Bản, năm 2004), anh chụp vụ cháy ở chợ Vinh, sự nhọc nhằn của biết bao con người để dập tắt “thần lửa”.
Đặc biệt, trong bức ảnh “Vượt lên số phận” (giải B Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2015), anh chụp nhân vật Sơn bị liệt 2 tay, 2 chân khoèo ngược ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Điều đáng quý là nhân vật vẫn tự học, làm việc để không chỉ tự giúp mình mà còn đào tạo nghề mộc cho thương binh, người tàn tật. Bức ảnh mô tả nhân vật ngồi vào bàn dạy con mình học bài với ánh sáng diệu kỳ - một ẩn dụ về sự nghị lực vươn lên không ngừng.
Nghệ sĩ Hồ Sĩ Minh khẳng định, nghề báo còn giúp anh thường xuyên cập nhật thông tin, tự đổi mới. “Tôi đã chịu khó đầu tư thiết bị nhiếp ảnh mới, hiện đại và không ngừng học hỏi để thành thạo về công nghệ. Bởi tôi biết có nhiều khoảnh khắc, để chiếm lĩnh được nó, ngoài sự nhanh nhạy, tài năng, còn cần phải có thiết bị tốt. Nghề báo giúp tôi có con mắt tỉnh táo, chỉn chu hơn, bởi với những người sáng tác rất dễ bị đam mê cuốn theo và luôn chiều theo nó. Và tôi cũng biết quý trọng thời gian, lập đích đến cho mình và theo đuổi đến cùng cái đích ấy” - anh khẳng định.
3. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từng dành những lời “có cánh” cho Hồ Sĩ Minh: “Tôi có cảm giác anh không chỉ chụp bằng ánh sáng trời và độ nhạy của phim mà nhiều hơn là ánh sáng của niềm đam mê, sự hướng thiện và tình thương yêu, trân trọng con người, trân trọng từng khúc quanh của con đường nhỏ ríu rít bước tuổi thơ đến chiếc lá sắp tàn trong một chiều thu muộn”. Còn nhà nghiên cứu phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến đánh giá: “Trong các bức ảnh của Hồ Sĩ Minh luôn đầy tính trải nghiệm. Những bức ảnh tưởng chừng rất đời thường nhưng lại chất chứa thông điệp ý nghĩa, ẩn sau đó là tình người, là trái tim yêu cái đẹp và cuộc sống này. Nó thể hiện được trí tuệ, sự hiểu biết về bố cục, ánh sáng và điều quan trọng là có cảm xúc, có tâm hồn đồng cảm với nhân vật”.
Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, NSNA Hồ Sĩ Minh cho rằng, nhiếp ảnh trong giai đoạn vừa qua phát triển rầm rộ, có bước đi tương đối đáng tự hào. Từ sơ khai ghi hình tư liệu, giờ đã nâng lên thành nghệ thuật. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từ vài chục hội viên, nay đã lên đến hàng nghìn hội viên; nhiều nghệ sĩ đạt tước hiệu cao, có nhiều tác phẩm được giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, anh cũng trăn trở về con đường phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà. “Nhiếp ảnh trong giai đoạn này đòi hỏi các nghệ sĩ phải không ngừng tìm tòi, đổi mới. Nhưng nên nhớ, cốt lõi của nhiếp ảnh chính là tính hiện thực, hiện thực phải được đặt lên hàng đầu” - anh
nhấn mạnh.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, NSNA Hồ Sĩ Minh cho biết, anh sẽ cố gắng đưa Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống “sống được” trong thời buổi kinh tế thị trường, trước mắt tập trung hoàn thành đề án xin cấp phép hoạt động tạp chí điện tử. “Tôi muốn làm tập sách “Việt Nam quê hương tôi” tập hợp những bức ảnh đại diện tiêu biểu cho các tỉnh, thành phố mà tôi đã chụp suốt nhiều năm qua” - anh bộc bạch.
Dù đã được phong tước hiệu E.VAPA/G - Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc, danh hiệu cao quý nhất của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhưng với NSNA Hồ Sĩ Minh, tất cả vẫn đang ở phía trước. Với anh, làm nhiếp ảnh không chỉ vì phần thưởng, danh hiệu mà là lẽ sống của đời mình; người nghệ sĩ dừng lại có nghĩa là chấp nhận sự tụt hậu. Nhiếp ảnh là một cuộc chơi không có đỉnh cao, luôn đòi hỏi người nghệ sĩ không ngừng phấn đấu, sáng tạo, dấn thân, đổi mới tư duy và kiên nhẫn chờ đợi những tác phẩm ưng ý.
Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh (sinh năm 1962) tại Hà Tĩnh, quê gốc ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống. Anh sở hữu gần 100 giải thưởng từ Cúp Vàng quốc tế tới các giải lớn nhỏ trong nước. Năm 2014, anh được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng tước hiệu E.VAPA/G. Anh từng mở 2 cuộc triển lãm ảnh: “Tình đất, tình người” (năm 1999) với 71 tác phẩm, và “Đất nước con người xứ Nghệ” (năm 2015) với 55 tác phẩm về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân xứ Nghệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.