Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và những khoảnh khắc không quên

Bảo Trân| 17/12/2022 15:30

(HNMCT) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chu Chí Thành đã trực tiếp ghi lại những khoảnh khắc lịch sử "Hà Nội 12 ngày đêm" khi là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). 50 năm trôi qua nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên hình ảnh quân và dân Hà Nội bắn hạ những "pháo đài bay" được coi là “bất khả xâm phạm” của Mỹ. Mỗi bức ảnh của ông là một câu chuyện, một kỷ niệm không bao giờ quên.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành.

- Thưa NSNA Chu Chí Thành, năm 1972 ông là phóng viên ảnh của TTXVN và đã ghi lại những khoảnh khắc đáng giá trong 12 ngày đêm lịch sử ấy?

- Đêm 18-12-1972, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom xung quanh Hà Nội. Lúc ấy, tôi đang chụp ảnh ở Câu lạc bộ Hùng Vương thì nhận được thông báo tất cả xuống hầm và chỉ nghe tiếng bom ầm ì xa xa. Sau hôm ấy, chúng tôi được phân công trực chiến, mỗi phóng viên ảnh và phóng viên tin tức trực một ngày đêm.

Tôi nhớ mãi đêm 26-12, Mỹ ném bom Khâm Thiên. Hôm đó tôi lại không trực. Nhà tôi ở 56 phố Hàng Bột, khi nghe tiếng còi báo động, tôi xuống hầm cùng người trong tổ dân phố. Pháo ta bắn lên, máy bay Mỹ dội bom xuống. Sau khi ngớt đợt bom B52, chúng tôi thấy người dân ở ngã tư Ô Chợ Dừa chạy lên khu vực Ba Đình, chỗ Ngoại giao đoàn với niềm tin mong manh rằng máy bay sẽ không ném bom ở đó. Sáng 27-12, tôi tới cơ quan lấy máy ảnh đi chụp ở phố Khâm Thiên. Lúc đó, trước mắt tôi là cảnh đổ nát, mọi người đang ra sức tìm kiếm người trong đống đổ nát và ở Ngõ chợ Khâm Thiên đã có hàng chục quan tài.

Sau trận oanh tạc dữ dội ấy, tôi có nhiệm vụ chụp ảnh hiện trường. Điều đáng ghi nhận lúc ấy là chúng ta đấu tranh trên mặt trận thông tin rất tốt. Gần như 1 - 2 ngày là chúng ta lại có một cuộc họp báo ở Câu lạc bộ Hùng Vương, đưa những phi công của Mỹ ra để các nhà báo trong nước và quốc tế chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn… Chúng ta còn đưa các phi công Mỹ đến Bệnh viện Bạch Mai và Khâm Thiên để họ chứng kiến những gì mà họ đã gây ra. Chính những hình ảnh này đã làm cho nước Mỹ rung chuyển, bởi chính quyền Mỹ đã từng nói sẽ không ném bom vào khu vực dân sự, nhưng hình ảnh ghi được thì trái ngược với những điều họ nói.

- Trong cảnh bom đạn và chết chóc như vậy, một phóng viên ảnh như ông tác nghiệp như thế nào?

- Chúng tôi chụp các trận địa cao xạ trong và ngoài Hà Nội. Trong Hà Nội thì tôi chụp ở sân vận động Hàng Đẫy, hồ Trúc Bạch. Tôi và các anh em trực chiến thân nhau như người nhà, có lúc cùng ăn cơm, ăn lương khô với nhau, thậm chí các anh còn dành cho tôi một bi đông nước gạo rang. Ở hồ Trúc Bạch, tôi chứng kiến một trận đánh rất dữ dội và chụp được toàn cảnh trận địa. Mấy hôm sau, tôi được nghe kể lại: Chỗ đài quan sát nơi tôi đứng để chụp ảnh bị đánh bom, có 4 sĩ quan trẻ vừa tốt nghiệp đã hy sinh. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng anh em chiến sĩ rất bình tĩnh, không nao núng tinh thần.

Tôi còn chụp cảnh sáng ngày 27-12, một góc Bệnh viện Bạch Mai bị sập nhưng góc bên kia vẫn còn nguyên dòng chữ “Bệnh viện Bạch Mai”. Tôi rất thích bức ảnh đó vì nó cho thấy tội ác của Mỹ. Bức thứ hai tôi tâm đắc là tấm ảnh chụp người dân Hà Nội đi sơ tán. Trên đường Khâm Thiên, hình ảnh bà mẹ già ngồi trên xích lô với chiếc nón rách và bó củi, xung quanh dày đặc người. Năm 2007, tôi mở triển lãm và đã có những người khóc khi chứng kiến sự dữ dội của chiến tranh. Trong một bức ảnh khác mà tôi chụp ngay Ngõ chợ Khâm Thiên, người ta nhặt lên những chiếc mâm, rổ, rá và ít gạo để có thể nấu ăn. Bom Mỹ đã tàn phá một cách khủng khiếp còn người dân ta thì nhặt lại từng hạt gạo để tiếp tục sống.

- Ông cũng chụp cả những phi công Mỹ?

- Tôi có chụp bức ảnh một phi công Mỹ chết ở cánh đồng Định Công, trên người anh ta có giấy tờ, trong ví còn có ảnh người vợ trẻ đẹp và một đứa con. Tôi đã chụp lại hình ảnh xác máy bay B52 và cả hình ảnh người phi công ấy. Anh ấy cũng là một người chết oan uổng trong một cuộc chiến tranh xâm lược. Sau này tôi được biết hài cốt của anh đã được đưa về Mỹ. Còn bức ảnh thứ hai tôi chụp một phi công Mỹ được phóng thích vào tháng 9-1972, tại Hà Nội. Anh ta bị bắt hồi tháng 2-1972 trong khu 4. Hôm trao trả tù binh, vợ anh ta đã sang Việt Nam để đón chồng về. Hôm ấy chúng ta trả tự do cho 3 phi công Mỹ, khẳng định thiện chí của Việt Nam. Tôi chụp được bức ảnh người vợ ôm chồng trong sự ngạc nhiên của người phi công ấy. Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi mãi.

- Có thể nói, những khoảnh khắc ấy qua ống kính của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ còn mãi với thời gian...

- Không riêng ảnh của tôi đâu, mà là ảnh của rất nhiều phóng viên TTXVN hay các tờ báo khác, kể cả ảnh của những người không chuyên về một Hà Nội đau thương, một Hà Nội anh dũng chiến đấu đều có giá trị vượt thời gian. Khi nhìn lại những bức ảnh đó, tôi cảm thấy rất tự hào bởi những tác phẩm ấy là minh chứng cho cuộc sống, chiến đấu dũng cảm, lạc quan của người Việt Nam nói chung. Đó cũng là ý chí quật cường của dân tộc ta, trong đó có người dân Hà Nội.

- Vâng, cho đến giờ, nửa thế kỷ đã qua người ta vẫn nói với nhau về sự kiên cường, bình tĩnh đến lạ thường của người Hà Nội trong giai đoạn ấy...

- Lúc bấy giờ việc ăn ở cũng đơn giản thôi. Tôi ở cùng bà bác ở phố Hàng Chuối, vẫn có cá biển để kho, vẫn có su hào, bắp cải, lạc rang, đậu phụ, thịt thì ít… Những ngày đó Hà Nội vẫn cung cấp lương thực, thực phẩm tối thiểu cho người dân và các quầy hàng mậu dịch vẫn bán, thậm chí vẫn có bia. Tôi thường tự hỏi: Tại sao người Hà Nội lạc quan đến thế? Trong bầu không khí đó, đặc biệt là khi thắng lợi đã về ta, đúng 3 tuần sau đó tôi và người yêu đã làm đám cưới. Lúc ấy mọi người đã từ vùng sơ tán về. Bạn bè, anh em vui vẻ trong không khí mừng cô dâu chú rể nhưng cũng là mừng cho Thủ đô ta thắng Mỹ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và những khoảnh khắc không quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.