Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ nhân dân Vũ Lệ Mỹ: Nỗi ám ảnh khi làm phim tài liệu đề tài hậu chiến

Mai Đình| 07/05/2022 12:30

(HNMCT) - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Vũ Lệ Mỹ là nữ đạo diễn hiếm hoi thành công với cả phim khoa học và phim tài liệu. Tên tuổi và tác phẩm của bà được ghi nhận qua gần 20 giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó đáng lưu ý là các tác phẩm về thời kỳ hậu chiến như “Nơi chiến tranh đi qua”, “Vì cuộc sống bình yên”.

- Thưa NSND Vũ Lệ Mỹ! Nhắc đến bà, người ta nhớ đến những bộ phim khoa học có đề tài gai góc như “Măng thơ”, “Trẻ em vẽ”, “Cánh kiến đỏ”, “Sự đam mê tăm tối”, “Sự sống và cái chết của kim loại”... Cơ duyên nào đưa bà đến với phim tài liệu về đề tài hậu chiến?

- Năm 1995 khi vào Quảng Trị, tôi đã gặp những cảnh đời rất đáng thương. Nhiều người bị nhiễm chất độc da cam và để lại di chứng cho con cháu. Sau đó, tôi trở lại Quảng Trị cùng NSND Lương Đức để làm phim tài liệu “Nỗi đau sau cuộc chiến”. Phim phát hành nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy thiếu vì phim mới đề cập những câu chuyện ở khu vực miền Trung thôi. Ở miền Bắc cũng có những người lính sau khi trở về, lập gia đình thì không thể có nổi một mụn con. Tôi quyết định bỏ tiền túi để đi quay, tiếp tục làm bộ phim “Nơi chiến tranh đi qua”. Tôi tự viết kịch bản cho phần bổ sung ấy. Sau này, tôi may mắn gặp được những người nghiên cứu về chất độc da cam nên bộ phim có sức nặng hơn, với nhân chứng, số liệu cụ thể đầy thuyết phục.

- Khi làm phim “Nơi chiến tranh đi qua”, chắc hẳn bà đã gặp nhiều hoàn cảnh khó quên?

- Tôi nhớ mãi anh Lớp ở Thái Bình. Khi đi bộ đội về anh lấy vợ, nhưng vợ anh chửa đến 7 - 8 lần mà toàn bị "hỏng". Bản thân anh ngày càng ốm đau, mù cả mắt bởi chất độc da cam ngấm vào người, biến chứng thành rất nhiều bệnh. Rất đau lòng là khi chúng tôi quay xong, cả đoàn làm phim thu dọn đồ và đi ra cổng. Không hiểu sao tôi lại quên sổ ghi chép. Tôi quay lại và thấy vợ chồng anh ăn cơm, chỉ có nồi cơm và bát rau, cũng không có muối mà ăn. Tôi nhìn thấy cảnh đó mà xót xa quá. Mặc dù đã 1h chiều nhưng tôi vẫn gọi mọi người trở lại căn nhà của anh để ghi những hình ảnh đó. Một con người đã hy sinh vì đất nước, bây giờ trở về, con cái không có, cuộc sống thì khó khăn. Nhiều người khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.

Sau này, khi làm xong bộ phim “Nơi chiến tranh đi qua”, nhà văn người Mỹ Lady Borton đã tài trợ để tôi làm phim với phiên bản tiếng Anh rồi đưa đi dự thi. Hồi ấy bà cũng là người chuẩn bị cho sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam. Nhà văn Lady Borton đã chiếu bộ phim của tôi cho những chính khách Mỹ xem. Bộ phim “Nơi chiến tranh đi qua” đã được giải Nhất tại Liên hoan phim quốc tế về sinh thái và môi trường lần thứ 14 tại Freiburg, CHLB Đức, năm 1997. Thời kỳ ấy, rất ít bộ phim tài liệu trong nước được giải thưởng mang tầm quốc tế như vậy. Tôi nhận thấy, nếu có sự nghiên cứu, bộ phim của mình sẽ có sức nặng hơn.

- Còn với phim “Vì cuộc sống bình yên”, bà và đoàn làm phim đã rong ruổi trên những miền đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... Bộ phim này cũng là một dấu ấn trong sự nghiệp của bà?

- Khi làm phim “Vì cuộc sống bình yên”, tôi lại bắt gặp hình ảnh bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Không ít người bị mất chân, mất tay, thậm chí bị thiệt mạng bởi bom mìn. Tôi đã tự viết kịch bản và thực hiện bộ phim này. Bộ phim đoạt giải Nhất thể loại phim ngắn tại Liên hoan phim điện ảnh và truyền hình quốc tế về môi trường lần thứ 3 tại Brazil, năm 2001. Khi chiếu phim này, người dân Brazil đến chật kín rạp, người thì im lặng, người thì khóc và kết thúc là những tràng pháo tay. Biết tôi là đạo diễn, có những em đến ôm chầm lấy tôi. Đặc biệt, có khán giả cao tuổi vượt qua quãng đường dài hơn 200 cây số để xem phim và nói với tôi: “Tôi xin gửi lời chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Lúc ấy tôi đã giật mình. Vì khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mất lâu rồi, nhưng người ta vẫn nhắc về cụ, vẫn nghĩ rằng Cụ Hồ còn sống. Điều đó cũng chứng tỏ chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là “chấn động địa cầu”.

- Điều gì đã thôi thúc bà gắn bó với mảng đề tài hậu chiến?

- Những năm 1995, 1996, 1998, tôi dành nhiều thời gian làm phim tài liệu về đề tài hậu chiến. Đây không phải là loại phim dễ làm. Đề cập câu chuyện về bom mìn trong phim “Vì cuộc sống bình yên”, tôi là người chứng kiến việc rà phá bom mìn, thấy rõ nguy hiểm vẫn còn rình rập dù chiến tranh đã kết thúc nhiều năm. Còn với phim “Nơi chiến tranh đi qua” thì dư âm vẫn còn đến bây giờ, di chứng chiến tranh còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau. Sau này, tôi tiếp tục làm phim “Nỗi buồn khôn nguôi” kể về những phụ nữ khó khăn đang nuôi con bị tàn tật. Tôi khai thác hoàn cảnh của họ và đề cập những hạn chế về chính sách. Tư liệu thu được qua phỏng vấn vẫn còn nhiều, nhưng tôi chưa có điều kiện để sản xuất những bộ phim có giá trị khác. Đó vẫn là điều mà tôi đau đáu.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSND Vũ Lệ Mỹ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhân dân Vũ Lệ Mỹ: Nỗi ám ảnh khi làm phim tài liệu đề tài hậu chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.