(HNMCT) - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trung Đức năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng giọng ca vàng của ông vẫn vang lên trong những dịp lễ trọng của đất nước. Giọng hát cao, trầm ấm của ông ghi sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ qua những nhạc phẩm như “Lá đỏ”, “Kỷ niệm mối tình đầu”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Nhớ về Hội Lim”, “Em đi chùa Hương”, “Chân quê”...
- Thưa NSND Trung Đức, gần đây khán giả được thấy ông trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Ta tự hào đi lên - Việt Nam”. Dù đã nghỉ hưu nhưng tiếng hát của ông vẫn vang lên trong những ngày lễ, kỷ niệm quan trọng của đất nước!
- Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Ta tự hào đi lên - Việt Nam”, tôi chọn hát bài “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến và bài “Cùng anh tiến quân trên đường dài” của nhạc sĩ Huy Du. Từng phục vụ trong quân đội, tôi luôn có cảm xúc rất lớn khi hát những bài hát trong dịp 27-7. Khi hát, tôi hình dung tất cả những người bạn của mình, người còn, người mất. Họ đã nằm lại chiến trường Quảng Trị.
- Ông có thể kể thêm về quãng thời gian tham gia quân ngũ?
- Tôi nhập ngũ năm 1972. Trước đó tôi được đào tạo lái xe, nhận xe, sang Lào và quay về Quảng Trị. Tôi lại được đi học đặc công và tiếp tục quay lại chiến trường Quảng Trị. Tôi vẫn nhớ hồi ấy khi chúng tôi nhận xe vào Quảng Trị, cả đoàn có 8 xe. Khi đến địa phận huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), xe của tôi bị tắc xăng, phải dừng lại để sửa chữa, còn những xe khác đi tiếp. Đồng đội của tôi trên 7 chiếc xe ấy sau khi đi được 4 cây số thì bị máy bay bắn cháy. Các đồng chí của tôi hy sinh, chỉ mình tôi còn sống.
Những năm tháng ấy, chúng tôi không nghĩ đến hy sinh, chết chóc gì cả. Đã lên đường đi chiến đấu, chúng tôi xác định mình sẽ hy sinh. Khi ta và địch đánh nhau ở sân bay Quảng Trị, chúng tôi vượt sông Thạch Hãn thì cả tiểu đội 12 người, trong đó 11 người hy sinh và chỉ một mình tôi còn sống. Tôi hụp xuống nước, thi thoảng ngoi lên để thở, sau đó nằm im một lúc mới bò lên bờ. Các bạn không thể tưởng tượng nổi bom đạn như thế nào đâu. Suốt ngày bom đạn rền vang, thật kinh khủng.
- Điều gì khiến cho ông rẽ sang thanh nhạc mà không phải là con đường sĩ quan chuyên nghiệp?
- Thời trẻ tôi là người thích hát. Khi ra quân, tôi đăng ký thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Tôi là người đỗ đầu trong kỳ thi tuyển ấy. Nhớ ngày thi, tôi mới từ trại an dưỡng Sơn Tây về, vai đeo ba lô vào trường âm nhạc. Khi ấy tôi được gặp thầy Trung Kiên và được thầy kiểm tra giọng. Một tháng sau, huyện gửi giấy trúng tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam về cho tôi. Vào trường, tôi cũng được học thầy Trung Kiên và bài hát đầu tiên thầy dạy tôi là bài “Chào sông Mã anh hùng”.
Hằng ngày, thầy giúp tôi luyện thanh. Có một điều tôi rất tự hào là trong thời gian học tôi ít bị thầy chê. Tôi và ca sĩ Lê Dung là hai học trò được thầy yêu quý nhất. Không chỉ bởi khả năng hát của mình đâu, có lẽ còn bởi tôi là người rất đúng giờ, luôn làm đúng như thầy hướng dẫn. Thầy vẫn luôn động viên tôi “cứ chịu khó rồi sẽ thành công”.
- Dòng nhạc cách mạng chọn ông hay ông chọn dòng nhạc cách mạng?
- Có lẽ bắt đầu từ khi biết hát dòng nhạc cách mạng, tôi thấy mình đã thuộc về nó. Tôi đã từng hát đủ các thể loại âm nhạc, từ bolero, nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên nhưng cuối cùng lại thích hát nhạc cách mạng. Ví dụ như “Đời mình là một khúc quân hành” với lời ca, nhạc điệu sôi nổi, trào dâng, hay ca từ trong bài “Lá đỏ” khiến tôi nhớ mãi: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng đứng ở bên đường/ Như quê hương vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi trường Sơn nhòa trong trời lửa”. Hay như bài hát “Kỷ niệm mối tình đầu” của Vũ Hùng, lần nào tôi hát khán giả cũng vỗ tay nồng nhiệt, đề nghị tôi hát lại. Đó là bài hát về tình cảm của một người lính với một cô gái giao liên - mối tình đầu của anh.
- Lực lượng ca sĩ hát nhạc cách mạng hiện nay khá đông đảo. Ông thấy họ đang thiếu điều gì?
- Thật vui khi bây giờ có nhiều bạn thanh niên thích bài hát cách mạng. Tuy vậy, một số người hát như trả bài cho đúng thôi. Khi đã cất tiếng ca thì giọng hát phải có hồn. Không phải vì họ không trải qua chiến tranh, không được chứng kiến bom đạn, mất mát... Người ca sĩ cần phải đọc nhiều. Thời trẻ tôi đọc rất nhiều và bây giờ cũng vậy. Có chất văn học trong người thì hát mới có hồn được.
- Trân trọng cảm ơn NSND Trung Đức!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.