(HNMCT) - Nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường, công chúng yêu quan họ Bắc Ninh nhớ về một liền chị có giọng hát “vang, rền, nền, nảy”. Nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền (Đài Tiếng nói Việt Nam) từng đánh giá: “Thúy Hường là một trong những người phụ nữ rất “thuần Việt”, rất tự tin trong một vẻ đẹp cũng rất tự nhiên mà tạo hóa ban cho. Khi Thúy Hường chít khăn mỏ quạ, mặc áo mớ ba mớ bảy là tự nhiên thấy toát ra những làn điệu quan họ cổ...”.
1. Tính đến nay, sau hơn nửa thế kỷ phát triển, Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc, nay là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, mới chỉ có 2 người được phong danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), đó là Thúy Cải và Thúy Hường. Hơn ai hết, nghệ sĩ Thúy Hường nhận thức được đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề để đưa quan họ lan tỏa đến với khán giả. Khi bước chân ra sân khấu, dù là lớn hay nhỏ, chị đều cố gắng đem hết tâm huyết, tình cảm và tài năng thiên bẩm của mình để giới thiệu đến khán giả cái đẹp, cái hay nhất của quan họ. Chị tâm niệm, lời bài hát quan họ chủ yếu là thơ lục bát, ý nhị, sâu sắc, thể hiện được tính cách, con người Kinh Bắc nghĩa tình, mến khách, vì thế, nghệ sĩ quan họ không thể làm điều gì đó không đúng với câu hát.
Nhiều người nghe Thúy Hường hát cứ nghĩ chị phải sinh ở một trong 49 làng quan họ cổ, được “ngụp lặn” trong văn hóa quan họ từ khi còn rất nhỏ. Thế nhưng sự thật lại khác. Chị sinh ra ở “vùng đất không có quan họ” - xã Cách Bi thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Bên nội có 8 đời là nhà nho, bên ngoại làm nghề bốc thuốc, nhưng may thay mẹ chị lại là người yêu quan họ và có giọng hát quan họ “vang như chuông”. Có lẽ đó chính là cơ duyên đưa chị đến với quan họ, yêu quan họ. “Yêu là một chuyện, nhưng để gắn bó và coi quan họ như nghề để mưu sinh thì khó vô cùng, thậm chí ban đầu gia đình tôi còn mong muốn con gái sẽ trở thành cô giáo mầm non. Nhưng có lẽ tổ nghề đã se duyên, phù hộ để tôi thi đỗ vào Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Hà Bắc (nay là Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh)” - chị nhớ lại.
2. Tâm huyết, đắm đuối với quan họ, Thúy Hường không còn nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu buổi biểu diễn, đến bao nhiêu nước và được gặp gỡ, trò chuyện với bao nhiêu khán giả. Chỉ biết rằng, mỗi lần biểu diễn là chị được làm công việc mà mình vô cùng yêu thích, đó là lan tỏa tình yêu quan họ tới mọi người. Nhưng, cũng có trường hợp chính khán giả đã tiếp thêm niềm tin, trách nhiệm với quan họ cho chị. Đó là khi chị được đến nhà biểu diễn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 5-4-2006. Thúy Hường đã rất ngạc nhiên khi thấy Đại tướng thuộc rất nhiều bài hát quan họ như “Còn duyên”, “Lúng liếng”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, thậm chí chị và Đại tướng còn song ca bài quan họ cổ “Thân lươn bao quản lấm đầu”. Trong cuộc trò chuyện, chị nhớ mãi lời căn dặn của Đại tướng: “Cần cố gắng giữ gìn, lan tỏa các làn điệu quan họ đến với nhiều người hơn nữa”.
Gần 40 năm làm nghề, Thúy Hường đã trải qua công việc ở nhiều đơn vị. Khi ở Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc, chị lăn lộn khắp nơi để học hỏi, biểu diễn. Khi về dạy ở Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, chị dốc hết vốn liếng để truyền đạt lại cho các học trò. Chị luôn ý thức được rằng, để quan họ trường tồn và lan tỏa thì cần gây dựng một đội ngũ nghệ sĩ kế cận hùng hậu. Bởi vậy, thời gian công tác tại trường, chị đã nghiên cứu cách dạy và truyền lửa để học trò dễ hiểu, dễ cảm thụ nhất.
Hiện nay, ở cương vị Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, chị không còn nhiều cơ hội để biểu diễn, giảng dạy quan họ nhưng trách nhiệm thì vẫn vẹn nguyên. Chị đóng vai trò cầu nối giữa các hội viên nhằm tạo nên một tổ chức hội nghề nghiệp thật sự gắn bó, đoàn kết, yêu thương.
3. NSND Thúy Hường tâm sự: “Hường là hồng nhưng chưa chắc hồng đã sướng, nhiều khi truân chuyên lắm”. Ai cũng hiểu là chị đang nói về số phận long đong, lận đận của mình - một người phụ nữ tài sắc nhưng nhân duyên trắc trở, lại không có con.
Cuộc đời của nghệ sĩ Thúy Hường đúng như cuộc đời của cô Ngữ mà chị đã thủ vai trong bộ phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Nói về việc tham gia bộ phim này, chị trải lòng: “Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã dành suốt 3 tháng ở các hội diễn chèo trên khắp đất nước mà vẫn không chọn được ai vào vai Ngữ. Thế rồi, nhờ sự giới thiệu của đạo diễn Nhuệ Giang, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tìm gặp tôi. Buổi đầu gặp mặt, vì muốn “gây ấn tượng”, tôi đã sử dụng một chút son phấn và mặc áo xanh nõn chuối. Thấy không phù hợp, đạo diễn Đặng Nhật Minh bảo tôi đi rửa mặt và khi tôi khoác lên mình bộ quần áo nông dân, anh đã sững sờ nói: “Đây đúng là cô Ngữ của tôi rồi!”.
Dù không được đào tạo về diễn xuất nhưng Thúy Hường đã nhuần nhuyễn vào vai cô gái thôn quê tên Ngữ trong bộ phim “Thương nhớ đồng quê” mà cho đến nay nhiều người vẫn rất ấn tượng. Sau mấy chục năm lên sóng, chị vẫn nghĩ biên kịch của bộ phim này dường như đã lấy cuộc đời chị làm khuôn mẫu cho vai Ngữ. Không chỉ dừng lại ở đó, cái duyên với điện ảnh còn nối dài hơn khi chị vào vai thành công trong 2 bộ phim khác là Tần trong “Ngã ba Đồng Lộc”, Di trong “Đầm hoang”. Nhiều người xem 3 bộ phim này đều có cảm giác Thúy Hường “diễn như mà không diễn”, bởi chị vào vai hết sức tự nhiên, mộc mạc, duyên dáng.
Những năm gần đây, người ta lại gặp Thúy Hường ở một “sân chơi” khác, đó là khi chị tận dụng lợi thế của mạng xã hội để đưa những chương trình biểu diễn và hướng dẫn cách hát một số bài hát quan họ lên kênh YouTube của mình. Kênh YouTube của chị hiện nay có hơn 8 nghìn người đăng ký và mỗi clip chị đăng lên có hàng trăm người bình luận. Cùng với kênh YouTube, chị sử dụng Facebook của mình như một kênh thông tin hữu hiệu để lan tỏa tình yêu, trách nhiệm với quan họ. “Đi biểu diễn ở nhiều nơi, tôi được biết nhiều khán giả rất muốn tìm hiểu sâu về quan họ, được hát thành thạo một vài bài hát quan họ nhưng chưa có ai hướng dẫn cụ thể. Bởi thế, tôi đã lập kênh YouTube để không những biểu diễn mà còn truyền đạt lại cách hát một số bài hát quan họ quen thuộc. Thật xúc động là nhiều người đã để lại bình luận ở kênh, rằng cách dạy của tôi thật dễ đi vào lòng người và họ đã tập theo được” - chị trải lòng.
Được phong danh hiệu NSND nhưng theo chị, giữ được tình cảm, sự yêu mến của khán giả mới là điều quan trọng nhất. Chính vì thế, chị luôn giữ mình trong khuôn phép, cố gắng để mang đến công chúng hình ảnh một người nghệ sĩ không chỉ có tài năng, nhan sắc mà còn là một nghệ sĩ có đạo đức trong lòng khán giả.
NSND Thúy Hường (tên đầy đủ là Nguyễn Thúy Hường) sinh năm 1967 tại xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chị đã ra mắt một số album như “Người ở đừng về”, “Lúng liếng”, “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Cắp nón đón đò”, “Bạn tình ơi”, “Lý giao duyên”, “Cây trúc xinh”. Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001, và sau đó 11 năm chị được nhận danh hiệu NSND. Cả 2 lần đó chị đều là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất được phong tặng. Chị có thời gian dài công tác tại Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, rồi công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh. Hiện nay chị đang giữ cương vị Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.