(HNMCT) - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thu Hiền là giọng ca vàng trong dòng nhạc cách mạng, trữ tình. Những năm tháng tuổi trẻ của bà gắn bó với chiến trường, với những mất mát, gian khổ. Có lẽ bởi thế mà tiếng hát của bà luôn da diết, yêu thương, quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam. Đối với bà, tình yêu âm nhạc, yêu dân ca đồng nghĩa với việc tự học trên đường vào tiền tuyến.
- Thưa NSND Thu Hiền, năm 15 tuổi bà đã vào chiến trường, tham gia đoàn văn công phục vụ bộ đội. Khởi đầu đó đã tạo nên một ca sĩ Thu Hiền đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam?
- Ngày xưa, khu 4 là tuyến lửa ác liệt. Mỗi nơi tôi đi qua, không nơi nào giống nơi nào nhưng đều hứng chịu sự tàn phá của chiến tranh. Để rồi qua thời gian, tất cả những điều ấy hun đúc thành một Thu Hiền “không ai lay chuyển được”. Thế hệ chúng tôi là như thế, luôn vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Có thể giọng hát không còn trẻ trung như hồi mười tám đôi mươi nhưng ý chí và tình cảm từ trái tim của chúng tôi thì vẫn như thế.
Năm nay đã 70 tuổi, tôi dành thời gian chăm sóc sức khỏe, chăm lo cho gia đình, gặp gỡ bạn bè và tham gia các chương trình nghệ thuật. Tôi mới đi ghi hình chương trình ca nhạc “Bài ca không quên” của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm nay, tôi có dịp thăm lại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn. Mảnh đất nhiều đau thương này đã gắn bó thân thiết với tôi từ năm 15 tuổi.
- Tôi rất tâm đắc với câu nói của bà là “muốn hát dân ca thì phải đi tìm dân ca”. Ngày xưa, bà đi tìm dân ca như thế nào?
- Tôi tiếp xúc với dân ca lần đầu khi thầy giáo dạy cho tôi dân ca liên khu 5. Khi nắm chắc dân ca liên khu 5 thì tôi lại học các bài hát ru con của Tây Nguyên. Có lần nghe đoàn cải lương Nam Bộ hát, tôi đã tìm nghe và bắt chước.
15 tuổi tôi vào chiến trường, được nghe dân ca Nghệ Tĩnh. Những bài hát đó sao mà da diết. Tôi tự hỏi: “Tại sao câu ví lại hay như thế này?”. Có lần đi tới phà Linh Cảm (Hà Tĩnh), chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ, người chết la liệt, ruột gan bay cả lên cây, nhìn rõ mồn một trong đêm trăng sáng... Khi ấy tôi đã khóc. Anh chính trị viên hỏi tôi một câu: “Đồng chí nao núng à?”. Tôi bảo: “Không! Em nhớ mẹ”. Bởi vì lúc ấy tôi nghe được câu hát ru từ đâu vọng lại. Người ta thể hiện sự đau thương, mất mát, đói khổ qua những câu ví. Trong một năm ấy tôi đã được nghe không biết bao nhiêu câu hò, điệu ví và tất cả tự nhiên ngấm vào mình lúc nào không biết. Làm sao tôi quên được mảnh đất đầy nắng gió, đau thương khi trong bom đạn người ta vẫn cố gắng để sống, để vươn lên. Nhiều khi làm gì có gạo, khoai mà ăn, chỉ mong hết bom để cắt rau má, rau cải rắc trên hầm luộc một bữa. Cả một năm trời ở Nghệ Tĩnh tôi đã đi khắp các cung đường xứ Nghệ, thậm chí sang Lào. Cho đến khi tròn 16 tuổi thì tôi mới được vào Quảng Trị. Nhớ về những tháng ngày ấy, thương lắm!
- Đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải là “nhân chứng lịch sử” cho một thời kỳ "mưa bom bão đạn". Bà cũng là người có mặt tại đây trong những thời khắc lịch sử ấy?
- Cuối năm 1967, tôi vào Vĩnh Linh, Quảng Trị, được chứng kiến cảnh anh em trong một gia đình, hai người hai đầu chiến tuyến. Sau này, tôi được hát ca khúc trong phim “Hai người lính”, cũng nói về hoàn cảnh éo le này. Tôi cũng không thể nào quên những đêm “đấu loa” giữa ta và địch trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về thiết bị kỹ thuật. Mỗi lúc pháo bắn sang, chúng tôi lại tránh đi. Khi nào hết pháo thì văn công lại hát. Còn khi ở Cửa Việt, chúng tôi phải vượt qua những bãi mìn, nhích từng chút một. Nếu tách ra đường khác là mìn nổ. Nhưng hồi ấy chúng tôi vui lắm, không biết sợ là gì, chỉ sợ bị cho về địa phương thôi.
- Dù đã 70 tuổi, sức khỏe cũng không được như trước nhưng nghe nói NSND Thu Hiền vẫn đều đặn tham gia các chương trình nghệ thuật và cả dạy học nữa?
- Mặc dù sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng mỗi tháng tôi đều ra Hà Nội khoảng 15 đến 20 ngày để hoạt động nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn tìm đến tôi để tìm hiểu về sự tinh tế của dân ca, và quan trọng hơn là làm sao để lời hát lay động trái tim của người nghe. Khi hát, người nghệ sĩ không thể “bê nguyên” kỹ thuật được học ở trường lên sân khấu. Họ còn có những trải nghiệm ở “trường đời” nữa.
Sau 9 kỳ Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (Sao Mai), các học trò của tôi đều đoạt giải. Bởi thế, tôi rất tự hào vì đã đóng góp một phần nho nhỏ của mình cho sự phát triển chung của nền âm nhạc nước nhà qua sự thành công của những ca sĩ như Phương Thanh, Bùi Lê Mận, Huyền Trang, Thu Hằng, Lương Nguyệt Anh, Bích Hồng... Ngoài việc dạy học, tôi còn tham gia các chương trình nghệ thuật, chấm thi, làm từ thiện, đi thăm chiến trường xưa... Khi nghĩ về những người đã hy sinh vì đất nước, tôi luôn nhận thấy mình là người may mắn lắm.
- Trân trọng cảm ơn NSND Thu Hiền!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.