(HNMCT) - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phạm Minh Trí bắt đầu với phim hoạt hình bằng con đường tự học. Suốt cuộc đời gắn bó với phim hoạt hình, từ Hãng phim hoạt hình Việt Nam, sau đó đầu quân về Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, tên tuổi ông gắn với các bộ phim: “Ông tướng canh đền”, “Chuyện cổ thành Ốc”, “Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng”, “Giải nhất thuộc về ai”. Đặc biệt, bộ phim “Người con của rồng” đã được trao giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất Giải Cánh diều năm 2010.
- Thưa đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí, “Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng” là bộ phim truyện hoạt hình đầu tiên của ông. Ông đã bắt đầu như thế nào?
- Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tạo của tôi, là lần đầu tiên tôi được làm một sê ri phim khi về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Nếu như trước đây tôi chỉ làm những bộ phim có thời lượng 10 phút thì với “Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng”, tôi phải kể một câu chuyện dài hơn để diễn tả thần thái, tính cách, câu chuyện của các nhân vật trong phim. Thật may là có tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Huy Thông.
Chúng tôi xây dựng hình ảnh chú ong vàng gắn liền với các vấn đề của đời sống hiện đại: Cuộc chiến với thuốc trừ sâu, với lâm tặc, với dịch bệnh... Cái kết mang đến cho chúng ta suy nghĩ về cách ứng xử với thiên nhiên, với nơi chúng ta sống. Hồi ấy, nếu được làm tiếp, chúng tôi có thể đi dài hơn với “chú ong vàng”, có thể đến 100 tập. Đây cũng là bộ phim được thực hiện bằng công nghệ số một cách hoàn hảo nhất của hoạt hình Việt Nam lúc bấy giờ.
- Với bộ phim “Người con của rồng” sản xuất năm 2010, ông đã kể câu chuyện về thời niên thiếu của vua Lý Thái Tổ theo một cách lý giải riêng?
- Mình yêu nghệ thuật hoạt hình, dù có một chút cơ may thì nhất định phải nắm lấy và thực hiện ước mơ với nghề. Hồi ấy chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đọc được kịch bản của tác giả Đoàn Triệu Long và dành thời gian để chuyển sang kịch bản phim hoạt hình. Chúng tôi khoanh vùng và thống nhất chỉ nói về thời niên thiếu của Lý Công Uẩn. Tôi cho rằng đó là lựa chọn hợp lý. Lần đầu tiên chúng tôi làm phim truyện hoạt hình 3D dài 90 phút. Đó cũng là lần đầu tiên một bộ phim truyện hoạt hình 3D được ra rạp.
- Từ đó đến nay cũng đã khá lâu nhưng dường như chúng ta vẫn có quá ít phim truyện hoạt hình được sản xuất và công chiếu, thưa ông?
- Mới đây tôi tham gia hội đồng chấm thi sáng tác kịch bản phim truyện hoạt hình - do Cục Điện ảnh tổ chức. Có rất nhiều kịch bản nhưng để đạt được tiêu chuẩn của một kịch bản phim 90 phút công chiếu ngoài rạp thì vẫn là thách thức lớn. Kịch bản phải đủ độ dày và xây dựng nhân vật với những diễn biến về tâm lý, tính cách, số phận, tạo sự hấp dẫn cho người xem - đó là công việc không dễ dàng.
Những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của thế giới, được xem là thành công như “Kung Fu Panda”, “Vẹt Rio”... đòi hỏi nhiều chi tiết, sự kiện cũng như sức tưởng tượng lớn, kỹ thuật thực hiện tiên tiến... Chúng ta muốn làm hay, sinh động thì phải có sự hỗ trợ về công nghệ. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải có cơ sở hạ tầng vững chắc hơn nữa. Các bạn trẻ hiện rất nhanh nhạy, ham học hỏi. Tuy nhiên, lực lượng này chưa tạo thành sức mạnh lớn để thực hiện một tác phẩm hoạt hình “made in Vietnam”.
- Trong khi chờ đợi kịch bản phim truyện hoạt hình, chúng ta vẫn có thể thực hiện những bộ phim ngắn, "gọn nhẹ" về mặt kinh phí?
- Phim gì muốn hay cũng đòi hỏi chất xám, ý tưởng, sự sáng tạo. Tôi cũng hơi tiếc là dòng phim này hiện chưa được khai thông. Đó thường là những câu chuyện mang tính triết lý, đa chiều. Tôi từng làm một bộ phim ngắn “Tảng đá”, thời lượng chưa đến 5 phút. Ở các nước phương Tây, người ta cũng làm những bộ phim ngắn mà sâu sắc, khiến khán giả nhớ lâu.
- Dường như phim hoạt hình trong nước cần tìm kiếm một cách kể khác?
- Điều đó đúng, bởi tư duy thẩm mỹ, sức tưởng tượng của trẻ em ngày càng cao, trẻ được tiếp cận với công nghệ số, lượng thông tin nhiều... Vì thế, muốn hấp dẫn trẻ em thì việc kể một câu chuyện cổ tích phải có nét hiện đại, bất ngờ, làm cho nhân vật trong cổ tích tiệm cận với những giá trị thẩm mỹ hiện tại, với những thần tượng mà giới trẻ đang hứng thú. Điều đó không có gì là mâu thuẫn, mà trái lại, nó là sự cộng hưởng các giá trị hình tượng thẩm mỹ mà người nghệ sĩ phải sáng tạo được. Như vậy thì mới tìm được sự đồng cảm của khán giả.
Các bộ phim hoạt hình trong nước vẫn khô cứng, đôi khi giáo điều, thiếu đi những câu nói tự nhiên của trẻ nhỏ với nhau. Nhiều khi tôi xem duyệt phim chưa có thoại thì thấy rất ổn với cách tạo hình, chuyển động, màu sắc hợp lý, nhưng nếu lời thoại không ý nhị thì hỏng cả bộ phim. Thiết nghĩ, chúng ta cần tìm tòi nhiều hơn nữa để nâng chất lượng lời thoại phim hoạt hình.
- Trân trọng cảm ơn NSND Minh Trí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.