Văn nghệ

Nghệ sĩ chèo Hà Thị Thảo:Muốn được bứt phá hơn nữa

Mai Đình thực hiện 19/02/2024 - 08:59

Hà Thị Thảo là một trong những gương mặt trẻ tiềm năng của Nhà hát Chèo Việt Nam. Với giọng hát ngọt, diễn xuất tốt, cô gái sinh năm 1991 của làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã từng bước khẳng định tài năng, đặc biệt là với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc trong các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

cheo-1.jpg

- Nghe nói Thảo lên Hà Nội học chèo từ năm 16 tuổi. Điều gì đưa một cô gái vùng sơn cước “bén duyên” với Thủ đô sớm như vậy?

- Tôi được sinh ra tại làng Then, một ngôi làng nhỏ có truyền thống nghệ thuật của tỉnh Bắc Giang. Bố tôi cũng là người yêu chèo nên khi thấy Nhà hát Chèo Việt Nam về tuyển thì ngay lập tức cho tôi dự thi. Lúc tham gia ứng tuyển, tôi chưa biết gì về nghệ thuật chèo và chỉ hát bài hát mới, để các thầy cô nghe chất giọng. Qua vòng sơ tuyển, khi đến Nhà hát Chèo Việt Nam mới được các thầy cô dạy để thi vòng tiếp theo. Sau khi học xong cấp 2, tôi đã được lên Hà Nội học bổ túc văn hóa tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ và học chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Những bước đi ban đầu ấy cũng rất “chập chững”, từng bước một. Đến giờ này, nếu nói “Tôi rất yêu nghề” nghe có vẻ hơi tự tin nhưng đúng là như vậy. Bởi nghệ thuật chèo luôn khiến cho tôi có cảm xúc khi được nghe tiếng nhạc và đặc biệt là vào sâu vai diễn của mình.

- Thảo thường được giao những vai đào thương. Nhìn lại những vai diễn ấy, Thảo tâm đắc nhất vai diễn nào?

- Ở nhà hát, tôi thường được đảm nhận những vai nữ chín, với nhiều tính cách, số phận khác nhau. Để cháy hết mình trên sân khấu, mỗi diễn viên phải tìm hiểu kỹ nhân vật của mình. Tôi từng vào vai Thị Kính trong vở “Quan Âm Thị Kính”, một người phụ nữ hiền lành nhưng chịu nhiều oan khiên. Nhưng tôi cũng thích những vai pha như nàng Thiệt Thê trong vở diễn cùng tên với nhiều cảm xúc, nhiều màu sắc tâm trạng khác nhau. Trong khi người chồng của nàng là người trọng tình, trọng nghĩa và quyết tâm với con đường khoa cử thì nàng Thiệt Thê vừa hồn nhiên, vừa đáng yêu nhưng cũng vừa đáng trách khi ham muốn những lợi ích vật chất tầm thường trước mắt. Vở chèo “Nàng Thiệt Thê” đã đem đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái, sâu sắc, đầy ý nghĩa và nhân văn. Khi biểu diễn, khuôn mặt tôi phải thay đổi sắc thái liên tục, khác hẳn với vai nữ chín thường là một màu tâm trạng.

Gần đây nhất tôi vào vai nữ chính trong vở “Lời ru tình yêu”, một tác phẩm mới của Nhà hát Chèo Việt Nam. So với nàng Thiệt Thê thì vai Hạ Vân trong vở chèo “Lời ru tình yêu” có phần nhẹ nhàng hơn về mặt diễn biến tâm lý. Tuy vậy, lời ru như một phương thức chữa lành tâm hồn và những lần nàng Hạ Vân cất tiếng hát thổ tận can tràng là những lần nàng chữa lành cho những tổn thương. Tôi luôn cố gắng kỹ càng trong việc giữ gìn sự chuẩn mực nghệ thuật chèo của cha ông.

- Vai cô Sen trong vở “Đường trường duyên phận” đã giúp tên tuổi của Thảo tỏa sáng với Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2013. Thảo có thể chia sẻ thêm về vai diễn này?

- Nhân vật cô Sen trong vở “Đường trường duyên phận” có nhiều nét giống tôi. Cô ấy thích hát chèo và mong muốn được mang tiếng hát của mình đến mọi người. Nhưng cô Sen bị gia đình cấm cản và ép phải lấy một cậu ấm, để cô không còn nghĩ gì đến nghiệp ca hát. Tuy nhiên, sống trong cảnh làm lẽ, với nhiều oan ức, tréo ngoe, cô ấy đã rời bỏ gia đình chồng và tiếp tục niềm đam mê ca hát của mình. Tôi nhớ nhất cảnh cô Sen hát ru con bằng làn điệu chèo “Đào liễu”. Lời hát ru cũng như lời tự sự với mình. Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy gần nhất với nhân vật của mình. Đặc biệt, trong dòng tâm trạng buồn thương ấy, đạo diễn đã cho tôi hát chay, để lột tả hết tâm trạng của nhân vật. Hát chay khó hơn khi hát có nhạc và người diễn viên phải nhập tâm, sống cùng nhân vật của mình.

- Bây giờ người trẻ gắn bó với nghệ thuật truyền thống không nhiều. Còn Thảo vẫn miệt mài với những vai diễn, thậm chí được các thế hệ đi trước đặt niềm tin trong việc gìn giữ nghiệp chèo. Tâm thế của Thảo như thế nào?

- Nhiều bạn trẻ bây giờ không thích nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng. Thay vào đó, họ hứng thú với hip hop, rap, nhạc indie... nên những diễn viên theo đuổi nghệ thuật truyền thống sẽ ít hơn và cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy vậy, chèo là một trong những môn nghệ thuật cổ truyền, là vốn quý của cha ông ta truyền lại từ bao đời nay. Vì đã yêu chèo nên tôi luôn có tâm niệm sẽ gắn bó với nghệ thuật chèo, cố gắng làm tốt nhất có thể trong từng vai diễn. Lúc mới ra trường, tôi chỉ đóng những vai nền nã, nhu mì, hiền hậu, nhưng dần dần, tôi cũng muốn thử sức ở những vai diễn khác như nàng Thiệt Thê, Súy Vân... để mình được trải nghiệm, khám phá thêm những vai diễn có tâm lý phức tạp: Lúc hiền lành, lúc lẳng lơ, lúc thì hơi điên dại... Thảo vẫn mong muốn được bứt phá hơn nữa chứ không chỉ là những vai diễn một màu.

Tôi thường được lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam tin tưởng giao các vai chính, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mình phải hoàn thành tốt công việc được giao, bằng cách ưu tiên thời gian để luyện tập và biểu diễn. Tôi cũng chấp nhận mình phải mất đi những cơ hội biểu diễn bên ngoài.

- Trân trọng cảm ơn Thảo! Chúc Thảo một năm mới gặt hái nhiều thành công hơn nữa!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ chèo Hà Thị Thảo: Muốn được bứt phá hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.