Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi không chỉ là tác giả, đồng tác giả của nhiều thước phim thời sự tài liệu nổi tiếng, mà còn là một đạo diễn tài năng với những bộ phim truyện ở các đề tài khác nhau như chiến tranh, lãnh tụ, đổi mới...
Ngày 2-8-2024, ông đã rời cõi tạm ở tuổi 92, để lại một “gia tài” đồ sộ là các tác phẩm điện ảnh chất lượng cùng nhiều thế hệ học trò có đóng góp quan trọng cho nền điện ảnh nước nhà.
1. Năm 1953, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Khắc Lợi chính thức trở thành một thành viên trong ngôi nhà điện ảnh Cách mạng Việt Nam vừa được “xây dựng” tại An toàn khu Việt Bắc. Từ đây, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi bắt đầu con đường làm nghề với những bộ phim truyện, phim tài liệu trải dài qua các thời kỳ phát triển của điện ảnh Việt Nam. Có những phim từ kháng chiến chống Mỹ như “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (1968) hay những phim vào đầu thế kỷ XXI như "Tiếng cồng định mệnh" (2005).
Tháng 5-1954, ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đoàn làm phim của đạo diễn Roman Karmen đã sang Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu “Việt Nam”, sau này đổi tên thành “Việt Nam trên đường thắng lợi”, và Nguyễn Khắc Lợi tham gia thực hiện bộ phim này với vai trò là quay phim phụ. Tiếp đến, tháng 10-1954, trong bầu không khí hân hoan của đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, ông cùng đồng nghiệp ghi lại những thước phim mang tính lịch sử trong thời khắc đáng nhớ của quân dân Hà Nội. Năm 1955, ông sang Lào cùng đồng nghiệp thực hiện bộ phim tài liệu “Mùa xuân tập kết”. Trở về Việt Nam, ông được cử đi học đạo diễn điện ảnh tại VGIK (Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên bang Xô Viết) và là một trong những nhà làm phim đầu tiên của Việt Nam được đào tạo tại đây (cùng các đạo diễn Trần Đức, Nguyễn Đỗ Ngọc). Năm 1963, ông tốt nghiệp và về nước, nhận công tác tại Hãng phim Truyện Việt Nam, đạo diễn các phim truyện: “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (đồng đạo diễn), “Hai bà mẹ”, “Bức tường không xây”, “Câu lạc bộ không tên”, “Miền đất không cô đơn”, “Cơn lốc biển”, “Tướng về hưu”, “Cao nguyên không yên tĩnh” (phim truyện video), “Mối tình sau song sắt”...
2. Là nhà làm phim tài liệu bước ra từ cuộc chiến, lại được đào tạo bài bản tại ngôi trường điện ảnh danh tiếng VGIK, Nguyễn Khắc Lợi có đầy đủ tố chất của một đạo diễn điện ảnh, có cả trải nghiệm thực tế lẫn kiến thức. Chính lợi thế này đã giúp ông tiếp tục phát huy năng lực sáng tạo và dần được đánh giá là đạo diễn chắc tay nghề. Bộ phim “Hai bà mẹ” đã giúp ông giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần IV, năm 1977. Đặc biệt, “Tướng về hưu” được xem là bước đột phá trong sự nghiệp của ông. Bộ phim giành giải thưởng Bông sen Bạc dành cho phim truyện tại LHP Việt Nam lần thứ IX (năm 1990), mở ra một trang mới trong sáng tác điện ảnh. Kịch bản “Tướng về hưu” được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khai thác sâu những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, đồng thời đi đến tận cùng thế giới nội tâm con người khi họ đối mặt với những đổi thay của thời cuộc. Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã thành công khi chuyển tải được tinh thần của tác phẩm và những chi tiết hấp dẫn từ trang sách lên màn ảnh. Cho đến nay, “Tướng về hưu” vẫn là một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Nhắc đến tên tuổi Nguyễn Khắc Lợi thì không thể không nhắc đến “Tiếng cồng định mệnh” và “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, hai bộ phim truyện mà đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi thực hiện về đề tài chiến tranh và chân dung lãnh tụ - những đề tài khó trong văn học nghệ thuật. Hai bộ phim đã có được những thành công nhất định bởi người thực hiện là một nhà làm phim có vốn sống, sự trải nghiệm và quan trọng nhất là “nghiên cứu tư liệu kỹ càng” đồng thời “chọn trúng diễn viên” - như ông từng chia sẻ.
Ngoài thành tựu trong lĩnh vực phim truyện, NSND Nguyễn Khắc Lợi còn là người có những đóng góp rất lớn trong lĩnh vực phim tài liệu. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia, tác giả kịch bản tập 2 của phim tài liệu sử thi “Mùa xuân toàn thắng” do Nguyễn Khắc Lợi làm đạo diễn, cho biết: NSND Nguyễn Khắc Lợi là một đạo diễn am hiểu lịch sử, am hiểu sâu sắc ngôn ngữ chiến tranh và ngôn ngữ riêng của phim tài liệu. Sự tham gia của ông khi làm đạo diễn tập 2 của bộ phim “Mùa xuân toàn thắng” đã góp phần quan trọng tạo nên thành công chung của bộ phim. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ về thái độ và tinh thần làm việc của NSND Nguyễn Khắc Lợi sau lần làm việc chung với vai trò đồng biên tập bộ phim tài liệu “Đường mòn trên biển Đông” (giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XI, năm 1996): “Ai làm nghề cũng biết, vai trò biên tập đối với một bộ phim tài liệu quan trọng như thế nào. NSND Nguyễn Khắc Lợi là người làm biên tập có bản lĩnh, nhạy cảm, chân tình, gần gũi với nhóm sáng tác. Ý kiến của ông luôn có sức thuyết phục”.
3. NSND Nguyễn Khắc Lợi là một trong những người đầu tiên giảng dạy lớp đạo diễn điện ảnh ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Trong vai trò mới, công việc mới, ông trở thành người thầy mẫu mực, gần gũi, bình dị, hết lòng vì sinh viên, là người đồng nghiệp được các thế hệ nhà làm phim, nhà nghiên cứu điện ảnh trong nước trân trọng, quý mến.
Cả đời gắn bó với công việc làm phim cũng như đào tạo, hướng dẫn những người làm phim, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã được trao tặng danh hiệu NSND - một phần thưởng quý báu, sự ghi nhận xứng đáng về những đóng góp của ông cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Nhìn ông ngoài đời, nhiều người nhận xét rằng ông giống một trí thức cần mẫn hay một chủ nhiệm hợp tác xã. Ít ai biết rằng người đàn ông không có chút gì gọi là “chất nghệ” ấy khi nói đến những bộ phim mà mình định làm, khát khao sáng tạo, con đường phát triển của điện ảnh Việt Nam thì lập tức trở thành người khác: Cuồng nhiệt, sắc sảo, duyên dáng. Cũng chính bởi niềm đam mê, bầu nhiệt huyết ấy mà ông đã trở thành nhà làm phim giỏi trong "thế hệ vàng" của Điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi sinh ngày 23-8-1932 tại Phong Châu, Phú Thọ.
Một số phim tiêu biểu do ông làm đạo diễn: Phim truyện “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (1968, đồng tác giả), “Hai bà mẹ” (1975, giải Đạo diễn xuất sắc LHP VN lần IV, năm 1977), “Bức tường không xây”, “Câu lạc bộ không tên” (1980), “Miền đất không cô đơn” (1982), “Cơn lốc biển” (1985), “Tướng về hưu” (1988), “Cao nguyên không yên tĩnh” (1987), phim truyện video), “Mối tình sau song sắt” (1988), “Tiếng cồng định mệnh” (2003), “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (2004); Phim tài liệu “Xiếc Lào” (1972), “Lâm nghiệp Thanh Hoa” (1981), “Bước ngoặt” (1995), “Mùa xuân toàn thắng” (tập 2).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.