(HNM) - Cách đây 55 năm, sau một thời gian dài đấu tranh đòi quyền tự do lựa chọn nơi ăn chốn ở, chuyến tàu đầu tiên chở 551 bà con kiều bào ở Nouvelle - Calédonie (hay còn gọi là Tân Thế giới) - lãnh thổ thuộc Pháp tại Châu Đại Dương và Vanuatu (Tân Đảo) đã cập bến Hải Phòng.
Đối với các cụ chân đăng - những người Việt Nam đăng ký tình nguyện sang Nouvelle - Calédonie và Vanuatu làm mộ phu theo hợp đồng 5 năm vào đầu thế kỷ XX - đây là một dấu mốc quan trọng. Vì để chuyến tàu đầu tiên được xuất phát vào cuối năm 1960, nhiều cuộc đấu tranh đòi hồi hương của kiều bào đã diễn ra suốt từ những năm 40 của thế kỷ trước, với nhiều mồ hôi, máu, nước mắt, có cả tù đày và hy sinh.
Con tàu Nữ hoàng phương Đông đã chở Việt kiều Nouvelle-Calédonie và Vanuatu hồi hương. |
Nhắc lại cuộc sống của bà con ta sau khi bắt đầu đặt chân lên Nouvelle-Calédonie và Vanuatu thời kỳ còn là những hoang đảo chưa được khai phá, phu người Việt, còn bị gọi là "nô lệ da vàng", được phân làm hai nhóm. Những người sức khỏe kém và phụ nữ làm phu đồn điền trồng dừa, chế biến, bện xơ dừa thành dây thừng, cùi dừa làm xà phòng. Những người khỏe mạnh làm phu mỏ, khai thác quặng. Theo hợp đồng lao động, chân đăng sẽ lao động tối đa 9 giờ một ngày, với 2 giờ nghỉ trưa; chủ nhật và ngày lễ được nghỉ, chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng. Nhưng thực tế, các phu mỏ phải làm việc trung bình 10 - 12 giờ mỗi ngày trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khắc nghiệt.
Thế nhưng, ngay từ khi được tin Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, bà con ở Tân Thế giới và Tân Đảo đã tích cực quyên góp ủng hộ nhà nước mới và ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều công trình xây dựng như Nhà máy Dệt 8-3, trường học, trạm xá... có phần đóng góp của kiều bào Nouvelle - Calédonie và Vanuatu. Các phong trào yêu nước thường xuyên diễn ra thông qua các cuộc mít tinh, kéo cờ đỏ sao vàng ngay trên thuộc địa của Pháp. Trong bối cảnh như vậy, nhiều chân đăng đã yêu cầu được hồi hương để trực tiếp đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, chính quyền Nouvelle - Calédonie và Vanuatu cùng các chủ mỏ, đồn điền đã viện rất nhiều lý do để thoái thác.
Ông Vũ Đức Khuynh, Chi hội trưởng Hội Ái Hữu Nouvelle - Calédonie và Vanuatu, Trưởng ban tổ chức kỷ niệm 55 năm Việt kiều Nouvelle - Calédonie và Vanuatu hồi hương cho biết, trước năm 1960, Việt kiều ở đây có những hoạt động rất tích cực trong việc đấu tranh đòi hồi hương. Bên cạnh bãi công, biểu tình, bà con đã tổ chức treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, học và sáng tác bài hát tiếng Việt, hát Quốc ca, sinh hoạt văn nghệ cực kỳ sôi nổi để chờ đón ngày trở lại quê hương. Thân sinh ông Khuynh cũng đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua sắm nhạc cụ, thành lập ban nhạc.
Ngày trở về là một kỷ niệm khó có thể quên đối với ông. Ngay khi về nước, bà con kiều bào đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống chung và góp công sức vào xây dựng đất nước. Mặc dù khó khăn, song tất cả đều cố gắng khắc phục và vượt qua. Nhiều anh chị em, con cháu các cụ chân đăng đã tham gia kháng chiến, lập nhiều thành tích trong chiến tranh chống Mỹ.
Hôm nay 27-12, tại Hà Nội, diễn ra Lễ kỷ niệm 55 năm Việt kiều Nouvelle - Calédonie và Vanuatu hồi hương. Với ông Khuynh và bao người khác, đây là một sự kiện có ý nghĩa, một dịp để kiều bào từng sinh sống ở Nouvelle - Calédonie và Vanuatu từ khắp nơi hội tụ ôn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.