Môi trường

Ngày mai (18-7), bão số 1 đổ bộ miền Bắc

Kim Nhuệ - Tuấn Lương - Việt Nga 17/07/2023 20:57

Ngày mai (18-7), bão số 1 sẽ vào đất liền của miền Bắc với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ảnh hưởng của bão, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc mưa to, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...

bao-talim.jpg
Hướng di chuyển của bão số 1 lúc 17h ngày 17-7.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều nay (17-7), bão số 1 di chuyển nhanh với tốc độ 20-25km/h. Đến 16h ngày 17-7, tâm bão cách Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão nên từ gần sáng 18-7, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Từ đêm nay đến ngày 19-7, các tỉnh, thành phố thuộc Đông Bắc, Việt Bắc khu vực Bắc Bộ mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi cao hơn 400mm. Khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ mưa to với tổng lượng mưa 100-200mm. Tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm...

Tại Hà Nội, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, từ đêm nay đến ngày 19-7, thành phố có mưa, mưa vừa, sau có mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa tại khu vực trung tâm và phía Bắc thành phố 80-150mm, có nơi cao hơn 200mm; khu vực phía Tây và phía Nam thành phố 70-120mm, có nơi cao hơn 150mm. Trong mưa dông, Hà Nội đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh, ngập úng tại các đô thị. Từ ngày mai, thành phố Hà Nội chuyển mát, nhiệt độ cao nhất ở mức 30-31 độ C.

Sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố giao thông

ung-pho-bao-lu.jpg
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị chủ động phương án ứng phó với cơn bão đầu tiên của năm 2023 (ảnh minh họa). 

Ứng phó bão, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu:

Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo hệ thống Đài thông tin Duyên hải thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cảng vụ hàng hải rà soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền thuộc khu vực quản lý; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu neo đậu, tránh, trú bão, phối hợp hướng dẫn tàu thuyền vào tránh, trú ở các khu neo đậu; quản lý chặt chẽ việc rời cảng, bến của tàu thuyền, không cấp phép rời cảng cho tàu có hành trình đi vào vùng nguy hiểm, đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh. Đồng thời, phân công lãnh đạo đến hiện trường để trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 1.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị bố trí vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực, sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra; có phương án dừng tàu trong khu vực hay xảy ra sự cố ngập nước, lũ quét, đá rơi, đất sụt…; có phương án chuyển tải hành khách, hàng hóa trong trường hợp đường sắt bị sự cố...

Bảo đảm thông tin liên lạc

Để chủ động ứng phó với bão, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão khi có yêu cầu từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2022-09-27-_img_4720.jpg
Ban lãnh đạo MobiFone tại khu vực miền Trung họp rà soát phương án phòng, chống bão số 4 (Noru) năm 2022. Ảnh: MobiFone 

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tăng cường thông tin liên lạc tại các khu vực trọng điểm phòng, chống thiên tai của tỉnh như các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy điện, hồ thủy lợi xung yếu và các khu vực có thể bị ảnh hưởng của thiên tai.

Các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị các phương án sẵn sàng roaming giữa các mạng di động khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các doanh nghiệp bưu chính rà soát hệ thống đường thư bưu chính, lên phương án bảo đảm an toàn thông tin bưu chính phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chỉ đạo các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu về thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão, mưa lũ sau bão; tăng cường, bổ sung các trạm BTS di động và xe thông tin cơ động để sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp thông tin bị gián đoạn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày mai (18-7), bão số 1 đổ bộ miền Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.