(HNM) - Ngày 22-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh; tên gọi dự thảo luật; ngân sách phòng, chống thiên tai; những vi phạm trong quản lý đê điều…
Về ngân sách phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) thống nhất với quy định như dự thảo luật, bổ sung kế hoạch trung hạn và quỹ dự trữ tài chính vào ngân sách để bảo đảm hoạt động phòng, chống thiên tai trên thực tiễn và phù hợp với luật hiện hành. Việc bố trí nguồn ngân sách này cần bảo đảm sự chủ động, giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn khi thiên tai xảy ra cũng như yêu cầu xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Góp ý kiến về Luật Đê điều và nêu thực trạng về việc buông lỏng quản lý nhà nước ở các khu vực bãi bồi, cù lao, bãi sông khiến nhiều vi phạm xảy ra nhưng chưa được xử lý nghiêm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, các bãi bồi, cù lao là do chính quyền cấp xã quản lý, giao cho người dân thuê có thời hạn và mục đích sử dụng cho nông nghiệp, phi nông nghiệp. Thế nhưng, có nơi bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà dân sinh, công trình dân dụng không phép. Đại biểu kiến nghị, sửa đổi Luật Đê điều lần này cần có quy định cụ thể, tránh việc sử dụng cù lao, bãi bồi, lòng sông sai quy định làm mất an toàn đê điều...
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu và khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đóng góp của đại biểu Quốc hội, cùng cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan nhằm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín.
Trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIV. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.
Điều hành nội dung về công tác nhân sự, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Bộ Chính trị đã phân công ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020. Bộ Chính trị cũng nhất trí cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận ở đoàn về vấn đề này.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, qua gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cho thấy, có 68,12% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo luật.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 431/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89,23% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Luật cũng có quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.
* Tiếp đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Với 443/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 91,72%), Quốc hội đã tán thành thông qua dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Dự án luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
* Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với 442/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,55% tổng số đại biểu Quốc hội. Gồm 9 chương, 52 điều, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Cuối buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 và nghe giải trình về vấn đề này.
Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành thủ tục miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo kết quả kiểm phiếu, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế được phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế với số phiếu hợp lệ tán thành là 424 phiếu (chiếm 87% tổng số đại biểu Quốc hội). Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế với tỷ lệ 395/431 đại biểu có mặt tán thành (81,78% tổng số đại biểu).
Cũng trong phiên họp buổi chiều, với 456 phiếu hợp lệ tán thành (chiếm 94% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đối với ông Nguyễn Khắc Định. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật với 438 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 90,38% tổng số đại biểu).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.