Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày kinh hoàng trên phố Wall

Vân Khanh| 10/05/2010 06:41

(HNM) - Cho đến giờ (ngày 10-5), các nhà đầu tư vẫn chưa hết bàng hoàng trước những chuyển động quá nhanh của thị trường trong

Phố Wall nhốn nháo trong phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần qua.


Ba ngày trước đó, gần 1.000 điểm của Dow Jones bị cuốn phăng chỉ trong 27 phút, hàng loạt mã cổ phiếu chủ chốt lao dốc không phanh, lệnh bán ồ ạt nhấn chìm toàn bộ dư mua của nhiều "đại gia" trên bảng điện tử… Chứng khoán Mỹ chứng kiến những giờ phút hỗn loạn hiếm thấy trong lịch sử, đẩy phố Wall trải qua ngày mất điểm kinh hoàng nhất trong vòng 23 năm. 1.000 tỷ USD bất thần "bốc hơi" trong nháy mắt.

Từ chỗ giao dịch chậm chạp với biến động trong biên độ hẹp của các chỉ số khi mở cửa vào phiên giao dịch cuối tuần, Dow Jones bất ngờ đảo chiều với các lệnh bán lô rất lớn ở mức giá thấp dưới tham chiếu vào giữa phiên buổi sáng. Thị trường bắt đầu xôn xao. Sự hoang mang tăng lên tột độ khi cổ phiếu của hãng sản xuất hàng tiêu dùng danh tiếng Procter & Gamble, một thành phần quan trọng của Dow Jones tụt dốc với tốc độ phi mã, mất tới 37% giá trị chỉ trong 15 phút, xuống dưới 40 USD/cổ phiếu. Diễn biến bất thường của Procter & Gamble lập tức kéo theo nhiều mã cổ phiếu khác rơi tự do khi cổ phiếu của Apple mất 22% giá trị, Accenture thậm chí gần như bị thổi bay từ ngưỡng 40,13 USD xuống chỉ còn 1 cent trong khi Oxford Industries chạm đáy 1,34 USD…

Sàn NYSE phải hoãn giao dịch trong khoảng 1 phút để điều tiết, song cũng không ngăn nổi phố Wall hoảng loạn như rơi vào thế "vỡ trận". Mọi nỗ lực nhằm kiểm soát đà suy giảm đều vô hiệu khi các lệnh bán ồ ạt được phát đi. Thanh khoản bùng nổ với 19,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, con số cao nhất kể từ tháng 10-2008. Các nhà quản lý thẫn thờ nhìn Dow Jones trượt dài khi các nhà đầu tư nháo nhào bán tháo trong nỗ lực cắt lỗ.

Đến cuối phiên, các chỉ số gắng gượng phục hồi đưa Dow Jones lấy lại được hai phần ba tổn thất cho dù đóng cửa ở mức giảm kỷ lục 348,63 điểm, tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 4-2009. Tuy nhiên, trận "động đất" đã để lại hậu quả ngoài sức tưởng tượng. Dow Jones bị "chấn thương" nghiêm trọng với 30 cổ phiếu thành viên đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ, trong đó các cổ phiếu có vốn hóa lớn bị ảnh hưởng cực nặng. Tình trạng xả hàng ào ạt cũng khiến các hàn thử biểu Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite gần như bị xóa sạch phần lớn những thành quả đã đạt được trong năm nay với mức thoái lui tương ứng là 3,2% và 3,4%.

Mặc dù sóng gió đã qua đi nhưng người ta vẫn chưa thôi bàn luận về nguyên nhân của phiên giao dịch lạ lùng. Không ai có thể nghĩ rằng, đế chế "phố Wall" lại có những giây phút nguy kịch đến vậy. Việc tìm kiếm căn nguyên của cơn kịch phát không chỉ là đề tài của các nhà đầu tư, là mối quan tâm khiến Ủy ban Chứng khoán Mỹ đau đầu mà còn ngay lập tức trở thành chủ đề một phiên điều trần tại đồi Capitol vào ngày mai (11-5).

Đến nay, một số lý do đã được đưa ra nhằm lý giải cho cú mất điểm chưa từng có trên phố Wall. Có người cho rằng, với tốc độ sụt giá thê thảm và phục hồi nhanh chóng của những mã quan trọng, nhiều khả năng đây là một sự cố máy tính. Procter & Gamble và NYSE thì nghiêng về giả thuyết sàn Nasdaq đã niêm yết lỗi giá cổ phiếu trong khi một báo cáo khẳng định một nhân viên của Citigroup khi đã vô tình nhập lệnh sai, đặt 16 tỷ USD thay vì 16 triệu USD gây chấn động trên thị trường. Tuy nhiên, việc Nasdaq tuyên bố không hề phát hiện bất kỳ một lỗi giao dịch nào cũng như Citigroup phủ nhận cáo buộc là "tội đồ" của thảm họa đã khiến cuộc truy lùng thủ phạm chưa có manh mối rõ ràng. Song những dấu hiệu bất thường của sự cố hy hữu đã làm Tổng thống Mỹ Barack Obama đứng ngồi không yên khi ông nhấn mạnh sẽ điều tra bằng được nguyên nhân. Động thái của ông chủ Nhà Trắng cho thấy sự việc không còn là vấn đề nội bộ của phố Wall. Người đứng đầu nước Mỹ lo ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn đã chịu nhiều vết thương chí mạng sau "bão" tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục bị di chứng nặng và nỗ lực trấn an các nhà đầu tư đang rối bời trong lo lắng sẽ khó khăn hơn.

Những gì diễn ra tại phố Wall cuối tuần qua đã chứng minh ít nhiều cho nhận định, sự vơi cạn niềm tin đã khiến giới đầu tư không còn đủ tỉnh táo để nhận ra sự tụt dốc khác thường của nhiều mã cổ phiếu. Vì vậy, tâm lý "đám đông" đang chế ngự các sàn giao dịch đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo nhấn chìm thị trường. Song điều đáng nói là không ai có thể bảo đảm tình trạng này sẽ không trở lại khi Hy Lạp vẫn đang chìm ngập trong vòng xoáy nợ nần và các mắt xích yếu khác trong "dây chuyền" tài chính châu Âu như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang ngày càng mỏng manh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày kinh hoàng trên phố Wall

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.