(HNM) - Hôm qua (5-11), Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm trở lại vắc xin
Nâng chất lượng tiêm chủng
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, nhìn chung các điểm tiêm chủng đã đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cụ thể, các điểm tiêm đã chuẩn bị tốt về trang thiết bị, bố trí cán bộ có kinh nghiệm thực hiện tiêm, đặc biệt Hà Nội đã thành lập nhiều tổ cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ xử trí cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm. Mặt khác, các điểm tiêm không chỉ thực hiện chặt chẽ việc bảo quản vắc xin mà quy trình tiêm cũng được triển khai nghiêm túc từ tư vấn, khám phân loại, kiểm tra phiếu, sổ trước khi tiêm. Thậm chí, nhân viên y tế đã tư vấn cho phụ huynh nên cho trẻ ở lại 30 phút sau khi tiêm để theo dõi và xử trí nếu có những phản ứng bất thường.
Tiêm vắc xin cho trẻ em sáng 5-11 tại Trạm y tế xã Cao Viên (huyện Thanh Oai). Ảnh: Văn Chiến |
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long Biên Ngô Văn Giá cho biết, địa bàn quận có 6.200 trẻ trong diện tiêm chủng đợt này, trong đó gần 3.000 trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem. Khác với những đợt tiêm chủng trước, chỉ diễn ra trong 2 ngày, dự kiến, đợt tiêm này sẽ kéo dài đến hết ngày 9-11. Để công tác tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, ngay từ tháng 10, quận đã tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, đồng thời tuyên truyền để người dân không hoang mang khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Ngoài ra, quận cũng đã tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm chủng tại các trạm y tế của 14 phường. Thậm chí, trong những ngày tiêm chủng, Trung tâm Y tế quận tổ chức đoàn giám sát (gồm 14 cán bộ) trực tiếp đến từng điểm tiêm chủng kiểm tra. Đánh giá trong ngày đầu triển khai, toàn bộ các trạm y tế trên địa bàn đã thực hiện tốt việc tiêm chủng cho trẻ. Tại phường Ngọc Thụy, đã xử lý kịp thời đối với 2 trường hợp bị phản ứng sau tiêm, hiện sức khỏe của 2 cháu đã ổn định trở lại.
Tại Trạm Y tế phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), bác sĩ Lê Bích Thủy, Trạm trưởng cho biết, trong hai ngày 4 và 5-11, phường đã triển khai tiêm phòng vắc xin Quinvaxem cho gần 60 trẻ trong số hơn 100 trẻ được khám sàng lọc. Theo bác sĩ Thủy, việc khám sàng lọc vô cùng quan trọng để hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với trẻ. Qua khám sàng lọc tại đây cũng đã phát hiện một số trẻ có thân nhiệt cao, hoặc có các dấu hiệu như: viêm da, viêm mũi họng, viêm phế quản… đã được chỉ định không tiêm vắc xin Quinvaxem.
Tuy nhiên, cũng không ít điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội ngày đầu tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem rơi vào cảnh "đìu hiu", bởi nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý lo ngại về những phản ứng phụ trẻ gặp phải sau tiêm. Tại Trạm Y tế phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đến 10h ngày 5-11 chỉ có 5 trẻ đến tiêm chủng, trong đó có 1 trẻ tiêm Quinvaxem. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trạm trưởng Trạm y tế phường cho biết, theo điều tra, toàn phường có khoảng 50 cháu tiêm vắc xin Quinvaxem nhưng không biết số trẻ đến tiêm vắc xin này có đầy đủ không? "Ngay trường hợp vừa tiêm Quinvaxem sáng 5-11, mẹ cháu bé đã chần chừ định không tiêm cho con. Các bác sĩ, y tá đã phải tư vấn, vận động mãi, người mẹ mới đồng ý", bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy dẫn chứng.
Siết chặt quy trình tiêm chủng
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mỗi năm Hà Nội có khoảng 150.000 trẻ dưới 1 tuổi thuộc đối tượng cần tiêm vắc xin Quinvaxem. Trong đợt tiêm này có khoảng 68.000 liều vắc xin đã được chuyển đến trung tâm y tế 29 quận, huyện để cấp cho gần 600 điểm tiêm chủng. Việc tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem sẽ thực hiện vào buổi sáng các ngày để thuận lợi theo dõi diễn biến sức khỏe trẻ sau tiêm. Với quy định mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ, trung bình các xã, phường thực hiện tiêm từ 2 đến 5 ngày, đối với những xã, phường đông trẻ sẽ thực hiện tiêm từ 7 đến 10 ngày.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, việc tiêm chủng cho trẻ sẽ phòng ngừa được nhiều bệnh, do đó mong muốn các bà mẹ hãy đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng đầy đủ. Hiện nay, Hà Nội đã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ tất cả quy định của Bộ Y tế và sẽ nỗ lực hơn để công tác tiêm chủng đạt kết quả tốt. Đối với các trang thiết bị phục vụ tiêm chủng, như: tủ lạnh, phích bảo quản vắc xin, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ; các trang thiết bị phục vụ tiêm vắc xin; trang thiết bị cấp cứu sốc phản vệ; trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn; trang thiết bị lưu vỏ vắc xin, bơm kim tiêm đã sử dụng... đều được chuẩn bị đầy đủ. Bên cạnh đó, các trạm y tế xã, phường đã thành lập đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý nhanh khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ. "Không chỉ tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng, chúng tôi cũng kêu gọi người dân hợp tác tốt khi cho con đi tiêm chủng bằng cách thông báo cụ thể với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử dị dứng (nếu có). Mặt khác, theo dõi chặt trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường, như sốt cao, co giật, tím tái… và đưa ngay đến cơ sở y tế nếu có những phản ứng bất thường đó", ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo.
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời khuyên, sau tiêm Quinvaxem, trẻ thường có biểu hiện sốt, nóng đỏ chỗ tiêm. Vì vậy, khi thấy con sốt, các bà mẹ cần đắp khăn mát trên trán trẻ, thậm chí có thể dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, đồng thời luôn theo dõi sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, các bà mẹ tuyệt đối không xoa, bóp, chườm hoặc đắp bất kỳ thứ gì vào vết tiêm của con, kể cả trường hợp vết tiêm sưng, đỏ. Bởi vì làm như vậy có thể khiến vùng tiêm nhiễm trùng, áp xe, hoặc làm mất tác dụng của vắc xin.
Sáng 5-11, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm tra các điểm tiêm chủng ở huyện Thanh Oai và Ứng Hòa. Kết quả cho thấy, các điểm tiêm vắc xin Quinvaxem đã triển khai đúng quy trình và có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Được biết, trong đợt tiêm chủng lần này, trên địa bàn Hà Nội có hơn 65.000 trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem, trong đó có khoảng 15.000 trẻ tiêm mũi đầu. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các trạm y tế trên địa bàn phải đặc biệt lưu ý việc bảo quản vắc xin và bố trí thời gian tiêm hợp lý vì mỗi buổi tiêm chủng chỉ cho phép tiêm cho 50 trẻ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.