Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày của Cha: Đừng quá câu nệ giá trị vật chất của món quà!

Theo Bạch Dương/Công Lý| 19/06/2016 08:49

Không nên quá câu nệ giá trị vật chất của món quà mà đánh mất ý nghĩa vốn có của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Điều quan trọng chính là món quà ấy phải xuất phát từ trái tim.

Một vài năm gần đây, Ngày của Cha (Father’s Day) và Ngày của Mẹ (Mother’s Day) bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng chủ yếu là trong giới trẻ, những người thường xuyên tiếp cận với công nghệ thông tin, mạng xã hội.

Ngày của Cha năm nay là ngày 19/6/2016


Ngày 19/6/2016 là Ngày của Cha

Theo cách tính của các nước phương Tây, 1 tháng 1 tuần sau Ngày của Mẹ là đến Ngày của Cha. Ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm được gọi là Ngày của Mẹ; và ngày Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu sẽ là Ngày của Cha. Như vậy, Ngày của Cha năm nay rơi vào ngày 19/6.

Ngày của Cha là ngày để kỷ niệm, tôn vinh những người làm cha, tôn vinh cương vị làm cha, mối quan hệ với người cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Đây cũng là dịp nhắc nhở những người con nhớ đến công lao của người cha, để con cái có cơ hội (hay xem như một cái cớ) bày tỏ tình cảm với đấng sinh thành theo một cách có thể đặc biệt hơn thường ngày.

Ngày của Cha được tổ chức phổ biến ở các nước như: Hàn Quốc, Nepal, New Zealand, Philippines, Romania, Singapore, Tây Ban Nha, Đài Loan, Vương quốc Anh, Mỹ, Arab, Argentina, Úc, Brazil, Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Ireland, Pakistan, Nhật Bản…

Ngày của Cha bắt nguồn từ một câu chuyện buồn

Tháng 12/1907, một vụ tai nạn khai thác mỏ tồi tệ nhất đã xảy ra trong lịch sử nước Mỹ, ở Monongah, tây Virginia. Theo ước tính của Mirror, có khoảng 1.000 trẻ em đã mồ côi bởi sự việc đau lòng này.

Thông tin khi đó cho biết, thảm họa cướp đi sinh mạng của 362 người đàn ông, trong đó có 250 người đã làm cha. Nạn nhân vụ tai nạn hầu hết là người Ý di cư. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền Mỹ ước tính, con số nạn nhân thiệt mạng thực tế lên tới gần 500 người.

Grace Golden Clayton, con gái một thợ hầm mỏ, nạn nhân vụ thảm họa kể trên, đã quyết định tổ chức một buổi lễ tưởng nhớ đến những người cha xấu số tại nhà thờ địa phương ở tây Virginia. Và cô đã chọn một ngày chủ nhật gần sinh nhật của bố để tổ chức buổi lễ này.

Đó cũng chính là nguồn gốc của Ngày của Cha, diễn ra lần đầu vào ngày 5/7/1908. Tuy nhiên, Clayton là người khá kín tiếng, và ngày lễ cũng không được tổ chức lại vào những năm sau.

Năm 1910, cô Sonora Smart Dodd, sống ở Shokane, Washington. Cha cô, ông William Jackson Smart, từng là cựu chiến binh, đã một mình nuôi 6 người con đến khi trưởng thành, khi vợ ông không may qua đời lúc sinh người con út.

Cảm phục trước sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ của cha dành cho gia đình, cô Dodd quyết định kêu gọi thành lập một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha. Với sự giúp đỡ của các mục sư và Hiệp hội Thanh niên Thiên Chúa giáo, Ngày lễ của Cha đã được tổ chức vào năm 1910.

Năm 1966, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ban hành công bố Tổng thống đầu tiên tôn vinh những người cha.

Đến năm 1972, Tổng thống Richard Nixon chính thức ký quyết định và công bố Ngày của Cha chính thức là quốc lễ của Mỹ và được tổ chức vào ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng Sáu hàng năm.

Bạn nên tặng quà gì vào Ngày của Cha?

Các bậc làm cha, làm mẹ ở Việt Nam không mấy khi để ý đến Ngày của Cha và Ngày của Mẹ, ngoại trừ những dịp lễ lớn như Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Lễ Vu Lan (15/7 âm lịch). Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng của mạng xã hội, những ngày lễ này cũng bắt đầu trở nên phổ biến hơn, nhất là những gia đình ở thành phố hay có con đi du học nước ngoài.

Ngày của Cha đâu phải chỉ có một ngày.


Nhiều chuyên gia xã hội học cho biết, người Việt thường khá kín đáo (thậm chí ngại) trong việc thể hiện tình cảm với các đấng sinh thành bằng lời nói hay những món quà tặng. “Tuy nhiên, ngoài việc quan tâm, hiếu thuận với ông bà, bố mẹ bằng những hành động thực tế hàng ngày, vào những dịp đặc biệt, với những người con đã trưởng thành, đã có thể tự lo cho bản thân và lo cho bố mẹ, nếu có một chút gì đó mới lạ, khác hơn thường ngày, có lẽ các bậc làm cha làm mẹ cũng cảm thấy vui mừng”, một nữ thạc sĩ tâm lý cho biết.

Theo chị, “việc tặng quà trong Ngày của Cha, Ngày của Mẹ không nên quá câu nệ giá trị vật chất của món quà mà đánh mất ý nghĩa vốn có của tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Điều quan trọng chính là món quà ấy phải xuất phát từ trái tim”. Tình cảm dù khó lượng hóa, nhưng luôn có một sợi dây đặc biệt nào đó giúp người nhận hiểu được điều người tặng muốn nói.

Vì thế, với những bậc làm mẹ, làm cha, một vài dòng thư viết tay, một tấm thiệp nhỏ xinh cùng những lời chúc chân thành, một chiếc cravat, một chiếc áo sơ mi, hay một món đồ nào đó tự tay đứa con làm cũng đều đáng trân trọng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày của Cha: Đừng quá câu nệ giá trị vật chất của món quà!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.