Hồi ấy, có một dạo chúng tôi phải tạm xa cô Ngân, cô giáo dạy văn và thay vào đó là cô Vy. Mới đầu còn quyến luyến cô Ngân, tôi ác cảm với cô giáo mới. Nhưng với những đức tính và việc làm của mình, cô đã khiến suy nghĩ của tôi về cô thay đổi hoàn toàn.
(Kính tặng cô Vy)
Hồi ấy, có một dạo chúng tôi phải tạm xa cô Ngân, cô giáo dạy văn và thay vào đó là cô Vy. Mới đầu còn quyến luyến cô Ngân, tôi ác cảm với cô giáo mới. Nhưng với những đức tính và việc làm của mình, cô đã khiến suy nghĩ của tôi về cô thay đổi hoàn toàn.
Cô dạy chúng tôi khá nhiều bài trong chương trình văn học học kỳ II và tôi nhớ nhất khi cô đọc và giảng bài "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh, một giọng điệu sâu xa trầm lắng mà tha thiết khó quên; "Cái Tết của Mèo con" của Nguyễn Đình Thi, một câu chuyện sinh động đáng yêu về Mèo con và Chuột cống, về chị Chổi, bác Nồi Đồng, chú Gián Đất, cậu Cóc Tía, về Gà mẹ và cuộc chiến đấu giữa Mèo con và Hổ Mang, là những con vật và đồ dùng thường nhật vốn chẳng có biểu cảm gì; và nhất là "Những cánh buồm" của Hoàng Trung Thông - với ước mơ ngây thơ trong sáng mà thành thực và táo bạo của đứa con, đã đưa người cha trở lại với tuổi thơ của mình. Những bài thơ, bài văn vốn đã hay, khi được cô giảng còn hay hơn nữa. Bạn bè tôi, đứa nào cũng nói cô Vy có cách dạy hay, biết cách dạy dỗ học trò. Vậy nên đối với chúng tôi, nhất là những ai yêu văn học, cô không chỉ là cô mà còn là mẹ. Ai cũng kính phục cô, muốn học với cô mãi mãi...
Ngày thi học kỳ cũng là lúc cô phải xa chúng tôi vì có việc bận. Buổi học cuối cùng là một buổi học thêm vào chiều thứ năm. Cuối buổi học, khi cô thông báo cô sắp phải xa chúng tôi, cả cô và trò đều buồn lắm. Tôi bật khóc dù trước đó đã tự dặn mình rằng dù buồn đến đâu cũng không được khóc, đừng để cô buồn lòng. Rồi cả lớp khóc, xin cô ở lại. Mắt cô cũng đỏ hoe. Nhưng cô vẫn cố gắng vui, cười và hát cho chúng tôi nghe một bài hát chia tay. Thế nhưng lúc ấy chẳng ai còn tâm trạng nào mà nghe nữa. Bài hát đang đến đoạn ngân cao, chợt bị ngắt quãng bởi một tiếng nấc nghẹn ngào. Muốn tránh những giọt nước mắt, cô vội vã rời căn phòng trong đó biết bao học sinh đang ngồi lặng lẽ và chẳng có đôi mắt nào khô...
Mỗi lần nhớ lại, không bao giờ tôi kiềm chế được những giọt nước mắt - có phải là yếu đuối quá không? Từ đó đến nay đã hơn một năm rồi, một năm dài đằng đẵng, có lẽ vì chẳng được gặp cô. Giở nhật ký ra, ngày chia xa, tôi đã ghi hết hơn tám trang giấy với dòng nước mắt tưởng chừng không cạn. Và cứ mỗi lần nhớ đến cô, tôi lại càng yêu môn văn hơn nữa, lại càng cố gắng vươn lên để báo đáp công ơn của cha mẹ, thầy cô; và nhất là vì tôi muốn mình sẽ không bao giờ phải hối hận vì đã không sống hết mình cho văn học trong những ngày còn được cô dìu dắt nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.