Đời sống

Ngạt ngào hoa đại

Nguyễn Trọng Văn 08/06/2024 - 06:40

Tôi có cơ may được sống ở “phố Nhà binh” (tức phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Con phố dài đúng một cây số, đường hẹp lại càng hẹp hơn bởi hai bên là những hàng cây xà cừ cổ thụ. Ấy vậy mà cứ mỗi sớm mai hay chiều tà, khi đi qua đầu phố, tôi luôn phải dừng lại bởi hương thơm ngạt ngào của hoa đại...

9.jpg
Cây hoa đại trong sân trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Ngôi biệt thự đặc biệt

Theo lời kể của các nhà văn từng sống và làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 4 phố Lý Nam Đế), hai cây hoa đại cổ thụ trong sân tòa soạn đã tồn tại từ rất lâu, đến nỗi chẳng ai còn nhớ chính xác thời điểm chúng được trồng. Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội vốn là một ngôi biệt thự Pháp, cao hai tầng và được thiết kế "rất Việt”: Mái lợp ngói âm dương nâu đỏ, đậm chất Á đông cổ kính. Phần ngói dương dạng ngói mũi hài, phần ngói âm dạng hình ống. Các góc mái là đầu đao cong thường thấy ở mái đình, chùa. Công trình trở nên độc đáo do có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Pháp với kiến trúc bản địa.

Ngôi biệt thự được xây dựng với chiều ngang làm chủ đạo. Hình khối không gian và các chi tiết được nghiên cứu công phu theo hướng bản địa hóa kiến trúc. Trước lối vào là một tiền sảnh nhỏ với hai cột tròn sơn đỏ đỡ mái sảnh lợp ngói ống, phía trên là khối thang nhô ra phía trước được trang trí cầu kỳ bằng các mảng tường hoa văn hình chữ triện cùng hệ mái mở rộng phía trên tạo điểm nhấn cho công trình.

Điểm đáng chú ý nhất của ngôi nhà là cách xử lý bộ mái theo hình thức giống như cổng nhà kiểu xưa cũ. Bộ mái gồm các mái chính, mái che hàng hiên phía trước, mái sảnh và mái che các cửa sổ hướng tây. Các mái đều có độ vươn khá lớn, ngói lợp được đỡ bởi hệ con sơn giả gỗ đầu có hình chữ triện, góc mái uốn cong lên phía trên tạo thành các đầu đao theo hình thức mái đình Việt. Những mái này được trang trí công phu giúp ngôi nhà có tỷ lệ hài hòa. Các bộ phận và chi tiết được kết hợp với vườn cây xanh tạo ra một công trình kiến trúc tuy không lớn nhưng rất ấn tượng.

Lối vào biệt thự được bố trí ở chính giữa. Điều lý thú là ở trước sân và hai bên cổng ra vào có hai cây đại. Có lẽ chủ nhân của ngôi nhà cảm nhận được sự chân thiện của giống cây vốn chỉ được trồng trong các sân chùa. Đạo Phật luôn hướng con người đến sự từ bi hỉ xả, lấy tu tâm tích đức làm chân lý sống. Chủ nhân của ngôi nhà hẳn phải là người có sẵn trong lòng sự mộ đạo, từ tâm thông qua việc trồng cây hoa đại.

Ở hai góc sân có những cây nhãn. Giống nhãn lồng nức tiếng thơm ngon cũng cho thấy có lẽ tuy là người Pháp nhưng chủ nhân của ngôi biệt thự rất có cảm tình với người Việt và làng quê Bắc Bộ.

Loài hoa “nhà Phật”

Hè vừa tới. Nắng mới vừa lên. Ánh nắng dường như làm bừng tỉnh những nụ hoa đại được ấp ủ qua mùa xuân. Gió hè đưa tới khiến hương hoa đại dâng lên ngạt ngào. Tôi đi ngang qua và dừng lại khá lâu, phần để tận hưởng thứ hương hoa “nhà Phật”, phần để ngắm những cánh hoa đại trắng muốt tinh khôi.

Hoa đại có tên khoa học là Plumeria. Một giống cây có nguồn gốc ở châu Mỹ và vùng Caribe. Khi được đưa vào trồng ở châu Á và Việt Nam thì người miền Bắc gọi là hoa đại, người miền Nam gọi là hoa sứ, còn người Lào thì gọi đó là hoa chăm pa.

Cây đại cao chừng 2 - 3m, có khi cao đến 7m. Loài cây này ưa sáng, chịu hạn tốt và ít phải chăm sóc. Cây càng lớn càng nhiều hoa. Tôi nhớ lần về thăm đền Vua bà Thủy tổ - nơi duy nhất trong 49 làng quan họ gốc của Bắc Ninh, Bắc Giang thờ vị thủy tổ quan họ tại làng Diềm (nay là thôn Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) để thực hiện bộ phim về nghệ thuật hát quan họ, thì thấy ở đây sáng sáng có người quét thu gom những bông đại rụng xuống sân đền. Ban đầu tôi chỉ nghĩ làm vậy là để sân đền sạch sẽ nhưng lại thấy người ta gom hoa đại đem phơi dưới nắng. Hỏi ra mới hay: Hoa đại phơi khô được dùng để đun nước uống hoặc làm thuốc. Nước hoa đại khô có vị thơm ngọt nên dễ uống. Người bị huyết áp cao ngày ngày uống nước hoa đại khô sẽ giúp điều hòa huyết áp. Ngoài ra, hoa đại khô còn được dùng để dự phòng say nắng, viêm ruột, lỵ, nhiễm khuẩn, viêm gan, viêm phế quản...

Tôi thường tới Tạp chí Văn nghệ Quân đội chơi cùng các nhà văn nhà thơ đàn anh như Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Khuất Quang Thụy... và những bạn trẻ theo con đường văn chương. Chúng tôi ngồi ngay trên bậc thềm trước cửa ngôi biệt thự cùng đàm đạo về văn chương hay bóng đá. Dù nói chuyện gì đi nữa, mục đích chính vẫn là để hưởng hương thơm ngạt ngào của hoa đại. Trong không gian cổ kính của ngôi biệt thự hơn trăm năm tuổi, hương hoa đại dịu dàng phảng phất trong gió càng gợi lên vẻ đẹp thanh tao và đã trở thành phần “hồn” của một góc phố rất Hà Nội này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngạt ngào hoa đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.