Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Thành công bước đầu trong chuyển đổi số

Thu Hoài| 28/12/2022 06:25

(HNM) - Thực hiện “Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều nội dung chuyển đổi số và gặt hái một số thành công. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong lĩnh vực này, để phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Lãnh đạo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh theo dõi bác sĩ của Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) vận hành máy chụp X-quang kỹ thuật số tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh phổi.

Hiệu quả khả quan

Xuất phát từ thực trạng mỗi ngày có hàng nghìn người xếp hàng tại các trạm y tế xã, phường chờ khai báo y tế, chờ được cấp giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà… khiến nhiều cơ sở y tế trở nên quá tải, ùn ứ người bệnh, một số nơi xảy ra tình trạng sai lệch thông tin..., bởi mọi việc đều phải làm thủ công, đầu tháng 3-2022, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng “Hệ thống quản lý người bệnh Covid-19”. Theo đó, các F0 đang điều trị tại nhà chỉ việc truy cập đường dẫn và khai báo trên hệ thống. Trạm y tế dùng phần mềm so sánh với số liệu đã có và cấp ngay giấy chứng nhận bệnh nhân, chứng nhận hết thời gian cách ly ngay trên hệ thống.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Trường An, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Quy (quận 7) cho biết, ứng dụng mới khiến mọi việc được triển khai nhanh hơn, chính xác hơn, thuận lợi cho người dân...

Ngoài ra, tháng 12-2022, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đi đầu cả nước trong việc trang bị máy chụp X-quang phổi kỹ thuật số tích hợp phần mềm phân tích, đọc phim tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Với thiết bị này, chỉ 10 giây sau khi chụp phim, hệ thống AI sẽ phân tích phim chụp, đưa ra những nhận định tham mưu về mức độ bệnh lý của bệnh nhân. Khi cần làm rõ thêm các yếu tố lâm sàng, các bác sĩ trẻ đang được tăng cường về cơ sở có thể liên lạc trao đổi từ xa với các chuyên gia, bác sĩ tuyến trên…, từ đó có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Bác sĩ Phạm Hải Việt Tỷ, Trạm Y tế xã Thạnh An nói: “AI chẩn đoán bệnh nhân này bị xẹp phân thùy phổi P, dày màng phổi và tràn dịch màng phổi T. Thông qua máy chụp này, các bác sĩ trẻ chưa nhiều kinh nghiệm cũng có thể nhận định được các dấu hiệu lâm sàng”.

Tiếp tục phát huy

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu cuối cùng của việc tăng cường chuyển đổi số trong ngành Y tế là để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Cụ thể, thông qua ứng dụng chuyển đổi số, người dân sẽ gặp nhiều thuận lợi khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; mỗi người đều có hồ sơ sức khỏe điện tử…

Nhờ chuyển đổi số, nhân viên y tế dễ dàng tiếp cận được các kiến thức, kỹ thuật mới; giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn người bệnh. Nhà quản lý có thêm công cụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của ngành Y tế và triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến… để điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân...

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 2 công việc trọng tâm, gồm: Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, xây dựng kho dữ liệu dùng chung.

Là người tham gia xây dựng phần mềm cho các dự án này, Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngọc, Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhóm đã thử nghiệm thành công việc ứng dụng phần mềm EMR tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. “Với phần mềm này, mọi thông tin về bệnh nhân được lưu trên hệ thống dưới dạng tệp dữ liệu số, vừa phục vụ quá trình điều trị tại bệnh viện, xác lập bệnh án điện tử cho từng bệnh nhân. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng diện thử nghiệm, tiến tới liên thông các thông tin bệnh nhân tới mọi cơ sở y tế với các chuẩn tài liệu, số liệu điện tử đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế và thông lệ quốc tế, giúp cơ sở y tế quản lý, tham khảo thông tin bệnh lý, quá trình điều trị dễ dàng hơn, từ đó chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngọc nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, dù còn gặp một số khó khăn trong chuyển đổi số, như: Nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; một số quy định hiện hành chưa phù hợp…, nhưng ngành Y tế thành phố quyết tâm đẩy mạnh công việc quan trọng này. Trong năm 2023, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường chuyển đổi số để hưởng ứng và tham gia triển khai hiệu quả chủ đề của năm do UBND thành phố phát động, đó là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Thành công bước đầu trong chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.