Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành y tế Hà Nội: Chăm lo cho tuyến gần dân

Đức Trung| 27/10/2010 07:22

(HNM) - Một trong những kết quả lớn nhất của công tác y tế trong 5 năm qua là cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tại xã, phường, tuyến gần dân nhất được quan tâm đầu tư. Chủ trương này đã đem lại nhiều hiệu quả: tạo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức độ thụ hưởng các dịch vụ y tế, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt

Dẫn đầu cả nước

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trạm y tế xã, phường, thị trấn là tuyến y tế cơ sở trực tiếp gần dân nhất. Nếu tuyến này phát triển mạnh sẽ bảo đảm cho người dân trên mỗi địa bàn dân cư có điều kiện được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân. Nhận thức sâu sắc vai trò và vị trí của y tế cơ sở nên kế hoạch phát triển mạng lưới y tế cơ sở với tiêu chí 10 chuẩn quốc gia đã được Hà Nội sớm triển khai để đến nay, hầu hết trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố đều được tăng cường cả về trang thiết bị, phương tiện, thuốc chữa bệnh và đội ngũ cán bộ chuyên môn. Kết quả là 90% xã, phường của Thủ đô có bác sỹ trực tiếp KCB tại y tế cơ sở (Hà Nội cũ là 100% số xã) và tất cả nhân viên đều đạt trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên; 498 số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (CQGYTX), chiếm 86,3%, trong đó 8/29 quận, huyện đã hoàn thành CQGYTX và trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.

Mạng lưới y tế xã, phường được chăm lo xây dựng và phát huy tác dụng chính là tiền đề cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô đạt hiệu quả vượt bậc. Riêng năm 2009 vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu sức khỏe đều hoàn thành kế hoạch.

Vẫn cần đầu tư đồng bộ

So với các địa phương khác trên cả nước, mặc dù tỷ lệ xã, phường của Hà Nội đạt CQGYTX khá cao so với tỷ lệ của toàn quốc (năm 2010, mục tiêu của Bộ Y tế đặt ra là phấn đấu 80% xã, phường, thị trấn trên cả nước đạt CQGYTX) nhưng trên thực tế các trạm y tế cũng chưa có nhiều thiết bị hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao hơn cho người dân. Theo thống kê, mới chỉ có 24% trạm y tế có máy siêu âm đen trắng, 23% trạm có máy theo dõi tim thai Doppler, 23% trạm có máy xét nghiệm nước tiểu, 28% có kính hiển vi 2 mắt. Vì thế, việc đầu tư thiết bị y tế kỹ thuật cao, đồng bộ tại tuyến y tế này vẫn rất quan trọng.

Thực hiện đề án ''Phát triển công tác chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn" theo Chương trình số 02-CTr/TU ngày 31-10-2008 của Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2009-2020 có tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, ngành y tế đang tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, một số huyện cũng đã hỗ trợ thêm kinh phí cho hoạt động này như Phúc Thọ đầu tư hơn 2 tỷ đồng, Phú Xuyên thêm 1 tỷ đồng, Thường Tín hỗ trợ mỗi trạm y tế 700 triệu đồng...

Những khoản tiền không nhỏ này sẽ giúp hệ thống y tế xã, phường "bước" thêm một bước tiến để đến với mục tiêu: hết năm 2010 xây dựng thành công 40 đơn vị y tế xã, phường đạt CQGYTX mới. Những cơ sở y tế tuyến gần dân nhất này sẽ được nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ. Quyết tâm của ngành được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Y tế nhiệm kỳ 2010-2015 là tiếp tục nâng cao chất lượng trạm y tế ở các xã, phường đã đạt chuẩn, đồng thời phấn đấu 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt CQGYTX vào năm 2012.

Vừa phát triển đại trà, vừa đầu tư cho mũi nhọn, mạng lưới trạm y tế xã, phường của Hà Nội trong tương lai sẽ là nơi tin cậy để nhân dân Thủ đô gửi gắm việc chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị mỗi khi có bệnh.

10 chuẩn quốc gia của trạm y tế xã, phường gồm: Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; vệ sinh phòng bệnh; KCB và phục hồi chức năng; y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; nhân lực và chế độ chính sách; kế hoạch và tài chính cho trạm y tế; thuốc thiết yếu và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành y tế Hà Nội: Chăm lo cho tuyến gần dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.