Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành viễn thông tăng trưởng trong khó khăn

Việt Nga| 14/07/2018 07:35

(HNM) - Công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, ngành viễn thông đạt doanh thu gần 181.948 tỷ đồng, tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2017.

Khách hàng giao dịch tại Trung tâm kinh doanh VNPT Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Cụ thể, xét về mặt số liệu, mức doanh thu viễn thông của 6 tháng đầu năm 2018 đạt 181.948 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 31.000 tỷ đồng so với số liệu doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 khi đạt 213.355 tỷ đồng. Mức tăng trưởng về doanh thu viễn thông là 4,83% so với cùng kỳ - chậm và thấp hơn so với lĩnh vực khác như công nghiệp công nghệ thông tin khi nhóm ngành hàng này tăng 16,15% (6 tháng đầu năm 2017, nhóm hàng này tăng trưởng 15%).

Tuy nhiên, trong công bố của Bộ Thông tin - Truyền thông không có chỉ số lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận. Tất nhiên, sự so sánh này là chưa toàn diện, vì so với công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng thấp hơn (chỉ bằng 1/3), nhưng giá trị lợi nhuận đem lại cao hơn nhiều; nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, viễn thông đã bị “hụt hơi” nhiều so với công nghiệp công nghệ thông tin.

Về phía các doanh nghiệp viễn thông, Tập đoàn VNPT vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, thể hiện ở chỉ số lợi nhuận tăng 15% so với cùng kỳ. Còn Tập đoàn Viettel tăng trưởng về lợi nhuận đạt 50% so với kế hoạch. Tuy mức tăng trưởng đạt được, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng từ các chính sách vĩ mô đang áp dụng.

Bên cạnh việc chịu tác động chung từ sự suy giảm của các dịch vụ điện thoại cố định, điện thoại quốc tế, thì các chính sách mà cấp thẩm quyền đưa ra đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, tác động đầu tiên là việc giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin - Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước) chưa xây dựng các quy định tạo hành lang pháp lý cho thanh toán thẻ cào, khiến việc thanh toán này bị dừng (từ cuối tháng 4-2018), ảnh hưởng lớn đến nhà mạng và doanh nghiệp nội dung số (ước tính giảm đến 80% doanh thu từ bán thẻ cào).

Thứ hai, đó là việc cơ quan quản lý nhà nước quy định nhà mạng được khuyến mãi không quá 20% giá trị với thuê bao trả trước theo quy định tại Thông tư 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành ngày 29-12-2017, áp dụng từ ngày 1-3-2018, cũng gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.

Cụ thể, việc áp dụng quy định không khuyến mãi 20% với thuê bao trả trước là chưa phù hợp về quản lý doanh nghiệp, thậm chí không tuân thủ kinh tế thị trường. Ở nước ngoài, việc áp dụng khuyến mãi là do doanh nghiệp, họ căn cứ vào lượng hàng tồn kho để ra quyết định cho chính sách bán hàng của mình, có thể khuyến mãi lên tới 70-80% giá trị hàng hóa.

Thêm nữa, các chính sách đang áp dụng như triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ; chuyển đổi mã mạng di động từ 11 số về 10 số bắt đầu từ ngày 15-9; chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao... cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà mạng, làm tăng chi phí cho các giải pháp hạ tầng kỹ thuật...

Từ nhiều năm nay viễn thông là ngành luôn duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Đáng chú ý, khác với các ngành sản xuất khác, giá trị thu được (không chỉ ở lợi nhuận) từ sự tăng trưởng của ngành viễn thông là rất lớn. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng các chính sách quản lý nhà nước để làm lành mạnh thị trường, Bộ Thông tin - Truyền thông nên tính tới việc sửa đổi các quy định còn chưa hợp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành viễn thông tăng trưởng trong khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.