Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Tư pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế

Hà Phong| 26/12/2022 18:24

(HNMO) - Chiều 26-12, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác quý IV-2022. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hải trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí.

Thông tin đáng lưu ý, năm 2022, thực hiện phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" của Chính phủ, công tác tư pháp đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được đặc biệt chú trọng. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của Bộ trong chỉ đạo cải cách, cũng như trong tham mưu Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết quả thi hành án dân sự xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021; số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021. 

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, tại một số vụ việc, công tác thi hành án cũng đang gặp khó khăn như vụ án liên quan đến Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn. Trong năm 2023, dự kiến tiếp tục có những vụ việc nhất là các vụ án lớn sẽ có vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án. Tổng cục sẽ phân tích, đánh giá kỹ các hạn chế, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự để xác định đúng, đầy đủ, khả thi phương hướng và giải pháp thực hiện công tác năm 2023. 

Về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hải cho biết, đến nay, đã có hơn 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 cơ sở dữ liệu. Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân về đăng ký khai sinh mới cho 1,8 triệu trường hợp; đăng ký khai sinh lại cho gần 910.000 trường hợp; đăng ký khai tử cho trên 740.000 trường hợp; đăng ký kết hôn cho khoảng 730.000 cặp và hàng triệu yêu cầu về chứng thực văn bản, giao dịch.

Liên quan đến chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp đã thẩm định 283 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định gần 5.000 dự thảo và trên 2.800 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. 

Tại cuộc họp báo, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, trên cơ sở nghiên cứu Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới để xác định các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ độc lập của các đơn vị, Viện sẽ tham mưu cho Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành chương trình hành động để triển khai, trong đó, xác định rõ, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, sản phẩm đầu ra, nguồn lực bảo đảm để thực hiện tốt nghị quyết nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Tư pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.