Từ khi sử dụng mạng xã hội làm công cụ để truyền thông, tiếp thị, doanh thu của MOF đã tăng lên 30%. Đó là tiết lộ của bà Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc truyền thông và tiếp thị MOF - thương hiệu cà phê và đồ ngọt của Nhật Bản.
Con số tăng trưởng doanh thu ấn tượng của MOF là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh ngành hàng ăn uống đã và đang có ý định mở các chiến dịch truyền thông và tiếp thị trên mạng xã hội. Bà Nguyễn Thanh Vân cho biết, doanh thu tăng lên 30% nhưng chi phí bỏ ra rất nhỏ, gần như bằng 0.
Theo khảo sát của Ogilvy & Mather Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, bởi lẽ Việt Nam là nước có dân số đông và người dân thường có thói quen ăn uống bên ngoài. Tính riêng ở TP.HCM đã có hơn 2.000 địa điểm quán xá hiển thị thông tin trên Internet. Trên các mạng xã hội, các hội nhóm yêu thích ăn uống hoạt động khá xôm tụ. Một số hội nhóm trên Zing Me có lượng thành viên lên đến vài trăm ngàn người như Hội những người thích café (250.000 fans), Quán xá bốn phương (93.000 fans), Ăn vặt (210.000 fans), Hội mê Fastfood (210.000 fans)…
Tuy nhiên, đời sống nâng cao trong những năm gần đây khiến nhu cầu đi ăn uống bên ngoài của người dân ngày càng khắt khe và cũng phân nhóm sâu sắc hơn trong nhu cầu. Vì vậy, trong sự cạnh tranh quyết liệt của các quán xá, nhiều doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ăn uống khá nhạy bén trong việc tiếp cận nguồn khách hàng mới, không ở đâu xa chính là các khách hàng đầy tiềm năng trên mạng xã hội.
“Thuận lợi đem lại từ mạng xã hội thật sự rất lớn. Nếu như doanh nghiệp xem mạng xã hội là kênh thông tin tiếp cận đến khách hàng một cách nghiêm túc, có sự đầu tư về nội dung và trả lời, chăm sóc khách hàng, thì các thông tin của doanh nghiệp được lan truyền cũng cực kì nhanh và rộng”, đó là lý do mà bà Thanh Vân tin tưởng hình thức truyền thông mới này sẽ đem lại hiệu quả cho thương hiệu MOF, bên cạnh hiệu quả về việc tăng doanh thu đều đặn như hiện nay.
Không riêng gì MOF, các hàng quán đã năng động xây dựng fanpage trên các mạng xã hội như Zing Me để giới thiệu và tổ chức các chương trình tiếp thị thu hút khách hàng đến với cửa hàng của mình. Họ hoạt động khá sôi nổi và mở ra nhiều chương trình hấp dẫn để cạnh tranh và thu hút thành viên. MOF Café thường xuyên có những món quà tặng xinh xắn hoặc các phiếu voucher dành cho các fan trên mạng xã hội. Khách hàng đến với Many Different Tastes Coffee sẽ được vẽ chân dung miễn phí, học cắm hoa cũng như tổ chức các ngày hội Handmade, trao đổi thú nhồi bông… Xiên Que, Kool Scoop thì có những món quà đậm chất online hơn như tặng Zing Xu, nhạc nền cho các thành viên Zing Me…
Chỉ trong vòng hai tháng hoạt động trên Zing Me, MOF Café đã thu hút 9.500 fans và 60.000 lượt xem. Tương tự, một số cửa hàng khác mới xuất hiện trên Zing Me trong vòng 1-2 tháng gần đây cũng thu hút lượng fan mạnh, như Xiên Que (8.000 fans), Kool Scoop (7.000 fans), Many Different Tastes Coffee (3.000 fans)…
Bên cạnh việc tận dụng các thế mạnh của mạng xã hội như kết nối rộng khắp và tốc độ lan truyền nhanh, các cửa hàng cũng khá nhanh nhạy trong việc bắt tay với những mạng xã hội trong nước có những công cụ marketing trực tuyến hỗ trợ riêng biệt dành cho ngành hàng của họ.
Ngoài các tính năng thông dụng của fanpage như blog, photo, status, nút chia sẻ…, trên Zing Me còn thiết kế riêng những công cụ khá thú vị giúp cửa hàng tăng độ nhận diện tốt hơn như Trang Wellcome giới thiệu nét riêng của cửa hàng, ứng dụng Menu giới thiệu các thực đơn, Location – bản đồ địa điểm cửa hàng, Khảo sát ý kiến khách hàng… Đây là các công cụ marketing mà MOF, Xiên Que, Kool Scoop… đã sử dụng, giúp cho độ nhận diện thương hiệu của cửa hàng tăng lên đáng kể, thu hút lượng khách hàng tiềm năng cũng như khách hàng mới, từ đó giữ được lượng khách hàng trung thành và tăng lượng sản phẩm bán ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.