Giáo dục

Ngành Giáo dục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024-2025

Thống Nhất 19/08/2024 16:29

Ngày 19-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

Chuyển biến về quy mô và chất lượng

quang-canh-hn-tai-diem-cau-tu-.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ GD-ĐT

Báo cáo tóm tắt kết quả tiêu biểu năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, giáo dục và đào tạo cả nước tiếp tục có chuyển biến về quy mô, chất lượng. Cả nước có 15.256 cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ huy động trẻ em đến trường đạt 72,6%, tăng 2,2% so với năm học trước.

Cấp học phổ thông của cả nước có 25.900 cơ sở. 63/63 tỉnh thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 35 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 8 tỉnh, thành phố đạt chuẩn mức độ 3. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của học sinh ngày càng được cải thiện, nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh. Tính đến thời điểm này, các đoàn học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã giành 34 huy chương và bằng khen; đáng chú ý đội tuyển Olympic sinh học đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; đội tuyển Olympic hóa học đứng thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Ngành học giáo dục thường xuyên tiếp tục triển khai hiệu của đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Cả nước huy động được hơn 90.500 học viên tham gia các lớp xóa mù chữ, tăng gần 2,5 lần số học viên so với năm học trước. Việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, phát triển các phương thức giáo dục để đáp ứng quyền được đi học của người học ngày càng được quan tâm đẩy mạnh.

Hà Nội bảo đảm tỷ lệ chi 20% cho giáo dục

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tham luận tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Linh
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tham luận tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Linh

Báo cáo tham luận tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, thành phố luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư và phát triển cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm tỷ lệ chi hằng năm từ ngân sách đạt 20%. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của đạt gần 80%. Toàn thành phố hiện có 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên.

Năm học 2023-2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm trường học tiên tiến hiện đại có nhiều cấp học; thí điểm ban hành giá dịch vụ giáo dục; triển khai mô hình “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành.

Để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu giáo viên, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ rà soát, đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt là cơ cấu về các môn học, một số môn học đặc thù; làm rõ hơn trách nhiệm của các địa phương đối với công tác quản lý nhà nước với các mô hình giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Liên quan đến việc thực hiện Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, thành phố đang tích cực để cụ thể hóa các nội dung về phát triển giáo dục, đào tạo và có các cơ chế, chính sách đặc thù, Hà Nội mong muốn các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện và hướng dẫn Hà Nội triển khai nội dung này…

Năm học 2024-2025 được ngành Giáo dục xác định chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”. Ngành Giáo dục tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh chuyển đổi số...

Quan tâm giáo dục và đào tạo để tạo động lực phát triển đất nước bền vững

Ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương kết quả quan trọng của ngành giáo dục trong năm học vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục. Đó là những thách thức trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu; chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu...

Chỉ rõ các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phân tích tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, Thủ tướng nhấn mạnh, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD-ĐT
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD-ĐT

Theo Thủ tướng, năm học 2024-2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TƯ về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Các địa phương cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt lễ khai giảng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung triển khai Kết luận số 91-KL/TƯ hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" và phù hợp thực tiễn.

Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.

Nhấn mạnh, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành...; trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu"...

Nhấn mạnh phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; thầy, cô giáo làm động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung thực hiện hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024-2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.