Giáo dục

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học

Thống Nhất 05/09/2023 - 06:09

Hôm nay, 5-9, cùng với học sinh cả nước, gần 2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội đón lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2023-2024.

Năm thứ tư của lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và những đòi hỏi ngày càng cao của người dân đặt ra cho ngành Giáo dục không ít thử thách. Nhận diện khó khăn và chủ động khắc phục tồn tại ngay từ những ngày đầu năm học mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ là quyết tâm của toàn ngành.

khai-giang-1.jpg
Tổng duyệt lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Ảnh : Quang Thái

Coi trọng giáo dục đạo đức

Đây là năm thứ hai, học sinh Thủ đô đón lễ khai giảng trực tiếp và trọn vẹn tại trường sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Để chuẩn bị cho ngày khai trường, dù vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, ngày 4-9, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn Hà Nội vẫn có mặt tại trường từ sáng sớm để rà soát lại một lần nữa các điều kiện tổ chức khai giảng.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh) Đỗ Thị Thu Hương cho biết, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng ngay từ những ngày đầu năm học mới. Xác định việc rèn nếp với học sinh tiểu học là quan trọng, nhà trường đặt công tác giáo dục đạo đức là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, làm nền tảng để nâng cao chất lượng dạy học. Việc giảm áp lực, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập cũng là một trong những giải pháp quan trọng được kiên trì triển khai để xây dựng trường học hạnh phúc.

Trước lo lắng của phụ huynh học sinh về hiện tượng bạo lực học đường và các tình huống có thể gây tai nạn thương tích, các trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên khẳng định, ngay trong tháng 9, nhà trường tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết chấp hành luật khi tham gia giao thông; tổ chức các chuyên đề giáo dục an toàn giao thông.

Các hoạt động tư vấn tâm lý học đường cũng được vận hành ngay cùng với việc dạy, học, qua đó kịp thời phát hiện, giải tỏa những mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, ngăn chặn các hành vi bạo lực, cũng như định hướng, hỗ trợ học sinh vượt qua những áp lực về tâm lý khi gặp tình huống có vấn đề. Việc rà soát cơ sở vật chất trong khuôn viên trường cũng như tại từng lớp học cũng đã được thực hiện để bảo đảm tổ chức dạy học an toàn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Trần Khánh Linh, phụ huynh học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) chia sẻ, trước ngày khai giảng, các con có một tuần tham gia các hoạt động trải nghiệm định hướng mục tiêu học tập và xây dựng tập thể kỷ luật. Từng học sinh đều được bày tỏ những mục tiêu, ước muốn cũng như những lo lắng của bản thân khi vừa chuyển cấp học. Với sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý, các em đã được giải tỏa nhiều mối lo, có tâm trạng và kỹ năng tốt để sẵn sàng cho một năm học mới. Thông qua tuần định hướng, học sinh lớp 6 có thêm nhiều kỹ năng để thích ứng với phương pháp học ở cấp trung học cơ sở.

Cộng đồng trách nhiệm để vượt khó

Năm học 2023-2024 là năm học thứ tư ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó các khối lớp 4, 8 và 11 thực hiện ở năm đầu tiên. Tương tự như nhiều địa phương, Hà Nội cũng đối diện với khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước ngày khai giảng, các nhà trường đã được bổ sung hơn 6.000 giáo viên, trong đó có một nửa là giáo viên vừa được tuyển dụng viên chức, số còn lại là ký hợp đồng theo nghị quyết của HĐND thành phố về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục năm 2023.

khai-giang-2.jpg
Công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 tại Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nguyễn Quang

Thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn, từng đơn vị, trường học cũng đã chủ động có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế với tinh thần không để ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, đơn vị đã xây dựng và vận hành “ngân hàng giáo viên”, qua đó, các trường cùng cấp học trên địa bàn có thể chia sẻ nguồn giáo viên ở một số môn học còn thiếu. 100% giáo viên dạy lớp 4 và lớp 8 cũng đã được tập huấn, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chú trọng rèn luyện kỹ năng cho học sinh, khắc phục tình trạng nhồi nhét kiến thức.

Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Thị Thanh Thủy thông tin, 82 cán bộ, giáo viên của trường và các trường học thuộc quận Nam Từ Liêm đã nhận đỡ đầu những học sinh khó khăn của huyện Mỹ Đức trong vòng ba năm (từ năm 2022 đến năm 2025) với tổng số tiền 240 triệu đồng. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã thống nhất triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, phụ đạo học sinh yếu, kém trong học tập ở từng môn; tổ chức các chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc dạy học các môn học mới...

Với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm và không hình thức, nhiều năm nay, lễ khai giảng ở các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được tổ chức ngắn gọn, trang trọng trong thời gian không quá 60 phút. Phần lớn thời gian của ngày khai trường đều dành cho học sinh tham gia các hoạt động tập thể, văn nghệ. Hầu hết các trường dành tiết đầu tiên của năm học mới để dạy tiết học trong tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Đây cũng là hoạt động đã trở thành truyền thống ở nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô.

Trong khi đó, trước ngày khai giảng, các trường tiểu học đã có hai tuần để chạy “thử”, giúp học sinh lớp 1 làm quen với môi trường học mới. Không đặt nặng việc học kiến thức mới mà coi trọng việc rèn nếp, tạo đà cho học sinh, các trường học ở Hà Nội đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học một cách thực chất.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) Trần Thị Bích Liên:
Đẩy mạnh giáo dục STEM để học sinh có thêm nhiều trải nghiệm

Bước sang năm học mới, tập thể nhà trường xác định, để duy trì nguồn lực hoạt động, việc nâng chất lượng giáo dục, củng cố sự tin tưởng của phụ huynh học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhà trường tập trung tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh như học thực địa, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống...

Là một trong số 10 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội vừa hoàn thành việc thí điểm hoạt động giáo dục STEM, Trường Tiểu học Tràng An cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục triển khai nội dung này trong năm học mới, từ đó góp phần giúp học sinh phát triển về kỹ năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Nhà trường cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm và của phường Hàng Trống để tổ chức đón - trả học sinh an toàn, thuận tiện cho phụ huynh học sinh.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) Hồ Thuận Yến:
Tăng cường các hoạt động giáo dục hướng nghiệp

Một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp trọng tâm của nhà trường trong năm học mới là nâng cao chất lượng dạy học đối với khối lớp 9, tăng cường giáo dục hướng nghiệp để bảo đảm cho mọi học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đều được học tập ở môi trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng và điều kiện thực tế.

Theo đó, nhà trường sẽ rà soát, phân loại đối tượng học sinh để có kế hoạch dạy học, bổ trợ từ đầu năm học. Hằng tháng, nhà trường cũng sẽ tổ chức khảo sát học sinh lớp 9 ở một số môn để kịp thời có điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức dạy học.

Việc tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cũng sẽ được tổ chức sớm và thường xuyên hơn. Điểm mới của nội dung này năm nay là bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, nhà trường giao cho một giáo viên chuyên trách, có hiểu biết và kỹ năng để có thể cung cấp, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như giúp học sinh có định hướng học tập phù hợp.

Bà Phan Trần Khánh Ly, phụ huynh học sinh lớp 1CI5, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy):
Tin tưởng vào sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm

Mặc dù ra trường từ lâu, nhưng nay đưa con đi khai giảng, được gặp lại nhiều thầy giáo, cô giáo cũ, tôi vẫn có nhiều cảm xúc. Điểm khác biệt nữa là trường con tôi khai giảng vào sáng 4-9, sớm hơn nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Dù học sinh lớp 1 đã tựu trường từ cách đây gần một tháng, song cảm xúc cùng con đến trường dự lễ khai giảng rất đặc biệt.

Sau ngày khai giảng, các con chính thức bước vào năm học mới với nhiều nhiệm vụ mới và phải tự lập nhiều hơn so với khi còn học mầm non, vì vậy, tâm lý lo lắng của phụ huynh là điều khó tránh khỏi. Song, tôi tin tưởng vào sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và sự mẫu mực của đội ngũ thầy, cô giáo sẽ giúp các con học sinh lớp 1 sớm vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu.

Tôi cũng mong nhà trường tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, chú trọng giáo dục truyền thống, tăng cường giáo dục đạo đức, rèn nếp cho học sinh.

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.