(HNM) - Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành Du lịch Thủ đô chủ động kế hoạch phục hồi trong thời gian tới. Phương hướng chung là tận dụng cơ hội để thực hiện kích cầu hiệu quả, chuẩn bị đầy đủ điều kiện sẵn sàng đón khách nước ngoài, khẳng định vị thế Hà Nội - điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Chủ động vượt khó
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 8 tháng năm 2020, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 8-2020, Hà Nội đón khoảng 310 nghìn lượt khách du lịch, giảm 70,3% so với tháng 7-2020. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, sự sụt giảm lượng khách đến từ yếu tố khách quan - do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nước trong khi Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng xảy ra nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, khi dịch được kiểm soát, ngành Du lịch Thủ đô đang từng bước thực hiện phương án phục hồi.
Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 9-2020, các đơn vị quản lý điểm đến, lưu trú, lữ hành đều có kế hoạch vượt khó, thực hiện kịch bản kích cầu lần thứ hai trong năm nay. Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… đã khởi động chương trình riêng, đồng thời tăng cường quảng bá về tiện ích dành cho khách tham quan cũng như giải pháp bảo đảm an toàn tại điểm đến.
Theo Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy, đơn vị đã kích hoạt lại tour khám phá di tích về đêm - một hoạt động mang tính điểm nhấn. Còn theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, đơn vị đã hoàn thiện hệ thống thuyết minh tự động công nghệ cao để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi cho du khách khám phá.
Trước thực trạng công suất sử dụng buồng, phòng giảm đến 53% so với cùng kỳ năm trước, nhiều cơ sở lưu trú tại Hà Nội thực hiện giảm giá phòng từ 40% đến 60% và tung ra nhiều chương trình ưu đãi. Cụ thể, khách sạn Pan Pacific giảm giá thuê phòng xuống mức 1,9 triệu đồng/đêm; khách sạn InterContinental Hanoi Landmark 72 giảm giá thuê phòng còn 4 triệu đồng/đêm, tặng khách phiếu ăn tự chọn dành cho 2 người; khách sạn Sofitel Legend Metropole giảm giá phòng còn hơn 1,1 triệu đồng/đêm…
Đồng hành cùng hoạt động kích cầu của cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng sản phẩm mới, mang đặc trưng của Hà Nội. Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, công ty phối hợp với một số khách sạn 4-5 sao thực hiện nhiều sản phẩm trải nghiệm giá rẻ, đã bắt đầu khai thác từ tháng 9-2020. Điển hình như tour 3 ngày 2 đêm trải nghiệm khách sạn cao cấp, kết hợp với hoạt động đi bộ nửa ngày khám phá mùa thu Hà Nội có giá từ 1,8 triệu đồng; tour tìm hiểu căn hầm bí ẩn tại khách sạn Sofitel Legend Metropole kết hợp trải nghiệm kiến trúc, ẩm thực Hà Nội có giá trọn gói từ 3,3 triệu đồng (đã bao gồm tiền thuê phòng).
Trong khi đó, Công ty Du lịch Flamingo Redtours đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm nghỉ dưỡng ở ngoại thành với chương trình giảm giá hấp dẫn. “Các đơn vị cần sát cánh, chia sẻ khó khăn để xây dựng sản phẩm cao cấp có tính kết nối với giá phải chăng. Đó là cách vừa gỡ khó, vừa tạo hiệu quả kinh doanh trong đợt kích cầu này”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Thay đổi chiến lược kích cầu
Thời điểm này, ngành Hàng không đã mở lại nhiều tuyến bay nội địa, nối lại một số đường bay thương mại quốc tế từ ngày 15-9. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, lượng khách đến Hà Nội sẽ đông hơn, trong đó có cả người nhập cảnh. Điều này tạo ra thách thức trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng là cơ hội để phát triển du lịch. Vì thế, kế hoạch kích cầu du lịch sẽ có sự điều chỉnh. Ngành Du lịch Hà Nội không chỉ hướng tới khách nội địa, mà còn sẵn sàng đón khách nước ngoài.
Đề cập đến chiến lược kích cầu sắp tới, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành cần khảo sát thị trường, xây dựng sản phẩm mang tính liên kết giữa Hà Nội với các địa phương, chuẩn bị điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, cần xây dựng sản phẩm dựa trên thế mạnh riêng, tập trung vào những nhóm khách nhỏ. “Từ nay đến cuối năm là “mùa vàng” của du lịch Hà Nội, các đơn vị nên khai thác vẻ đẹp Thủ đô mùa thu - đông cũng như tiềm năng về di sản”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Hiện tại, nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các ngành là vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp sức cho du lịch Hà Nội, thành phố cho phép mở rộng diện phủ sóng wifi công cộng miễn phí tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh. Thành phố cũng nghiên cứu mở rộng mô hình xe điện vận chuyển khách tại Vườn quốc gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng...
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, sắp tới khi thành phố tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngành Du lịch sẽ tận dụng cơ hội “vàng” này để đẩy mạnh quảng bá du lịch Thủ đô, giới thiệu chương trình kích cầu. Chiến dịch quảng bá này phải làm nổi bật được vị thế của Hà Nội - điểm đến hấp dẫn và an toàn.
Hy vọng rằng, ngành Du lịch Hà Nội vượt khó thành công, sớm trở lại trạng thái khởi sắc, khẳng định vị thế như trước khi xuất hiện dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.