(HNM) - Chương trình kích cầu du lịch của Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 6-2020 vừa qua đã giúp ngành Du lịch Thủ đô khởi sắc trở lại sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phát huy những kết quả đó, ngành Du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo để đón khách vào thời điểm “vàng”, trước mắt là sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế, tiếp đó là “Những ngày thu vàng” và dịp nghỉ lễ cuối năm.
Chủ động xây dựng sản phẩm mới
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2020) với chủ đề "Du lịch Việt Nam hướng tới tương lai", dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 15-8, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), đến nay đã có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 400 gian hàng. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, VITM Hà Nội 2020 được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội tạo đà chuẩn bị đón lượng khách lớn vào thời điểm mùa thu và cuối năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, để chuẩn bị cho sự kiện lớn này cũng như giai đoạn cao điểm của du lịch Hà Nội, ngay từ đầu tháng 7-2020, Sở Du lịch Hà Nội đã làm việc với các đơn vị lữ hành, điểm đến, cơ sở lưu trú để tạo sự phối hợp chặt chẽ hơn, giúp các đơn vị có tiếng nói chung trong xây dựng sản phẩm kích cầu với mức chi phí hợp lý, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Chuẩn bị cho VITM Hà Nội 2020 và đón đầu “thời điểm vàng” của du lịch Thủ đô, nhiều điểm đến, đơn vị lữ hành đã có kế hoạch thu hút khách. Chẳng hạn, với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long…, xác định du lịch học đường là trọng tâm trong giai đoạn này nên các đơn vị sẽ tăng cường liên kết với ngành Giáo dục để đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm.
Nhiều điểm đến khác cũng đã có kế hoạch thực hiện sản phẩm du lịch mới. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội Nguyễn Minh Quyết, đơn vị đang nghiên cứu triển khai sản phẩm khám phá Vườn thú Hà Nội vào ban đêm giống như Singapore. Còn Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì Chu Ngọc Quân cho hay, đơn vị đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm như: Lễ hội hoa dã quỳ vào tháng 10, du lịch trải nghiệm kết hợp đạp xe, leo núi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thám hiểm cho những người thích du lịch mạo hiểm...
Bàn thêm về giải pháp xây dựng sản phẩm mới cho du lịch Hà Nội trong mùa cao điểm, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị nên khai thác tiềm năng du lịch hai bên bờ sông Hồng. Để chuẩn bị cho VITM Hà Nội 2020, công ty đã sẵn sàng ra mắt sản phẩm mới hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội với hành trình khám phá Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) - Thủ đô Hà Nội.
Đẩy mạnh liên kết, tuyên truyền
Mặc dù tạo được sự khởi sắc đáng kể từ các hoạt động kích cầu du lịch, nhưng theo các đơn vị kinh doanh du lịch, hoạt động kích cầu du lịch tại Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn, một phần do sự liên kết giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Ngoài ra, nhiều thông tin kích cầu, giảm giá của các đơn vị lưu trú, điểm đến không được thông tin rộng rãi, khiến các đơn vị lữ hành gặp khó khăn trong xây dựng tour đặc trưng cho du lịch Hà Nội.
Khắc phục hạn chế này, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan nêu quan điểm, để có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách, các đơn vị quản lý điểm đến sau khi xây dựng sản phẩm mới cần tăng cường liên kết, tổ chức các đoàn khảo sát để các công ty lữ hành tham gia, phối hợp xây dựng tour, tuyến đưa khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. “Chưa kể, thời điểm này nhiều cơ sở lưu trú tại Hà Nội vẫn gặp khó khăn vì không có khách. Do vậy, bên cạnh giảm giá dịch vụ, đơn vị quản lý các khách sạn 4-5 sao cần liên kết chặt chẽ với khối lữ hành để có thể tham gia hỗ trợ, xây dựng những tour trải nghiệm mới cho du khách ngay trong dịp này”, ông Nguyễn Công Hoan gợi ý.
Hà Nội chuẩn bị bước vào mùa du lịch cao điểm, trước mắt là sự kiện VITM Hà Nội 2020, tiếp đến là thời điểm thích hợp để thưởng ngoạn nét đẹp mùa thu Hà Nội. Đó là những khoảng thời gian mà du lịch Hà Nội có thể tạo nên sự khác biệt, tăng sức hút đối với du khách. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, lúc này các đơn vị lữ hành, điểm đến, cơ sở lưu trú cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, đẩy mạnh tuyên truyền các dịch vụ giảm giá để cùng nhau xây dựng sản phẩm đặc trưng của Hà Nội, sớm tạo được sức hút với du khách. Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội vẫn cập nhật danh sách các đơn vị tham gia kích cầu du lịch trên website của Sở để giới thiệu rộng rãi tới người dân và du khách.
“Hiện Hà Nội đã có 23 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển; 20 cơ sở lưu trú; 10 điểm đến đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch Hà Nội đến hết năm 2020. Các đơn vị đã xây dựng, triển khai 346 tour kích cầu, trong đó có 15 tour nội thành với cam kết giảm giá 30%-40%. Du lịch Hà Nội chuẩn bị bước vào những thời điểm “vàng”, nếu tận dụng tốt thời cơ, có chiến lược kích cầu đúng cách, Hà Nội có thể đạt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 đón 11 triệu lượt khách”, ông Trần Trung Hiếu khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.