(HNM) - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là ghi nhớ lời căn dặn của Bác khi tới thăm sau ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng; đến nay, ngành Điện Thủ đô đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và cả nước.
Vinh dự khi được đón Bác đến thăm
Nhớ lại thời kỳ trước, ông Đặng Đức Hà, nguyên Giám đốc Sở Điện lực Hà Nội (trước đây) cho biết, Nhà máy Đèn Bờ Hồ, tiền thân của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) hiện nay được khởi công xây dựng vào ngày 6-12-1892 tại phố Francis Garnier bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (nay là số 69 phố Đinh Tiên Hoàng) với 2 tổ máy phát điện 1 chiều, có tổng công suất 500kW. Khi mới xây dựng, nhà máy này chỉ có một máy Farcot, công suất 250kW và một tổ Boulte Laborière phát điện một chiều, điện áp 240V, công suất 250kW chỉ đủ thắp sáng được 523 bóng đèn cho các phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Đến năm 1922, nhà máy có sản lượng điện hằng năm khoảng 1 triệu kWh. Đồng thời, đường dây tải điện 3,3kV cũng được lắp đặt từ hồ Hoàn Kiếm đi chợ Mơ, Cầu Giấy và Hà Đông. Năm 1925, người Pháp khởi công xây dựng Nhà máy Điện Yên Phụ, đến năm 1933, Nhà máy này đã có tổng công suất 22.500kW, đủ khả năng cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ. Nhà máy Đèn Bờ Hồ không còn phát điện nữa, mà trở thành bộ phận kinh doanh, quản lý điện...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc EVN HANOI thông tin thêm, khi Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, Hà Nội được giải phóng, tuy lực lượng mỏng, nhưng những người thợ điện đã kiên trì bám ca, bám máy. Và chỉ sau 2 tháng về tiếp quản Thủ đô, ngày 21-12-1954, Bác Hồ đã đến Nhà máy Đèn Bờ Hồ, thăm hỏi, động viên những người thợ điện. Bác căn dặn: "Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của các cô các chú, các cô các chú là chủ phải biết giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa...".
Có hai việc Bác căn dặn trong lần đến thăm này, mà đến tận hôm nay, cán bộ, công nhân ngành Điện Thủ đô vẫn ghi nhớ và nỗ lực phấn đấu. Đó là: Tăng năng suất lao động; tiết kiệm nguyên vật liệu, đồng thời tuyên truyền đến nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Ngày 21-12 hằng năm (theo Quyết định số 1594/QĐ-TTg, ngày 12-10-2009, của Thủ tướng Chính phủ) đã chính thức trở thành “Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam”.
Luôn nỗ lực phát triển không ngừng
Là đơn vị vinh dự được thay mặt ngành Điện cấp điện cho Thủ đô, nên dù trong khó khăn thiếu thốn, hay trong khói lửa chiến tranh, ngành Điện Hà Nội luôn là một khối đoàn kết, luôn bảo đảm điện ổn định, an toàn với chất lượng cao phục vụ các hoạt động chính trị của Đảng, Nhà nước và các sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội... diễn ra trên địa bàn thành phố.
EVN HANOI đã từng bước phát triển vững chắc và không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh EVN HANOI, hiện nay, tổng công ty đang bán điện cho gần 2,5 triệu khách hàng sử dụng, trong đó thành phần quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao, hơn 53,7%; công nghiệp là 31,3%; thương nghiệp là 7,3%; nông nghiệp là 1,2% và hoạt động khác là 6,5%...
Thông tin về hệ thống lưới điện Thủ đô, Phó Tổng Giám đốc EVN HANOI Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện tại tổng công ty đang quản lý vận hành hệ thống lưới điện với 1 trạm biến áp 220kV, 45 trạm biến áp 110kV với tổng công suất gần 6.000MVA, 879km đường dây 110kV; 11.707 trạm biến áp phân phối với hơn 4.782km đường dây trên không và 3.226km cáp ngầm; 31.496 lộ xuất tuyến hạ thế. Trong thời gian qua, EVN HANOI luôn chú trọng công tác đầu tư phát triển lưới điện, với những công trình trọng điểm được đưa vào vận hành, khai thác như xây dựng trạm biến áp 220kV Tây Hồ, các trạm biến áp 110kV Công viên Thống Nhất, Thượng Đình; các tuyến đường dây 220-110kV Chèm - Tây Hồ, Thành Công - Thượng Đình… nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn ổn định cho Thủ đô, với hơn 9 triệu dân có mức tiêu thụ điện tăng trưởng bình quân khoảng 10% mỗi năm.
Cùng với việc phát triển hệ thống lưới điện, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, công tác tiết kiệm điện chống lãng phí cũng được EVN HANOI đẩy mạnh. Thông qua các nhóm giải pháp như tham mưu, chỉ đạo điều hành; tuyên truyền, vận động; kỹ thuật vận hành và ứng dụng khoa học công nghệ, năm 2018 ngành Điện Thủ đô đã tiết kiệm được 361,94 triệu kWh, 7 tháng năm 2019 đã đạt 224,93 triệu kWh.
Những kết quả đạt được của ngành Điện Thủ đô trong thời gian qua đã được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao. Ông Nguyễn Trọng Khôi (ngõ 354/7 đường Lê Duẩn, quận Đống Đa) nhận xét: “Hiện nay, ngành Điện đã triển khai thu tiền điện tự động qua ngân hàng, giúp nhân viên đỡ vất vả, gia đình tôi cũng cảm thấy thoải mái. Năm nay, tôi gần 70 tuổi, nhiều khi có chuông lại chạy nhanh xuống cầu thang, rất nguy hiểm. Trước đây, có lần tôi không đủ tiền để nộp phải chờ con trai đi làm về. Giờ thì khi đến kỳ, con tôi chỉ cần chuyển tiền qua ngân hàng là xong...”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, ngành Điện Thủ đô đã cung cấp 32 dịch vụ điện trực tuyến, trong đó áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Thanh toán tiền điện linh hoạt qua 18 ngân hàng và 9 tổ chức trung gian thanh toán; phấn đấu đến hết năm 2020 đạt tỷ lệ 100% khách hàng thanh toán qua các ngân hàng/tổ chức trung gian và trích nợ tự động… Đặc biệt, hưởng ứng yêu cầu của Tập đoàn EVN và mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, EVN HANOI đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động.
EVN HANOI đánh dấu bước đột phá khi đưa trung tâm điều khiển hệ thống điện hiện đại vào hoạt động, tăng khả năng kiểm soát và điều hành tối ưu mạng lưới điện thành phố. Tiếp thu thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN HANOI tiên phong cho ra đời hệ thống chăm sóc khách hàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot) phiên bản 2.0 là kênh chăm sóc hữu ích, thuận tiện cho khách hàng sử dụng điện. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, như thăm hỏi tặng quà, sửa chữa hệ thống điện miễn phí, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái miễn phí tại các gia đình chính sách (gia đình thương binh, liệt sĩ…).
Đánh giá về dịch vụ cấp điện mới trên hệ thống điện tử của EVN HANOI, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "EVN HANOI áp dụng công nghệ mới trong việc cấp điện mới là phù hợp với xu thế chung. Thông qua các phần mềm, thiết bị, hệ thống trực tuyến, người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian, chi phí... Đồng thời, người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt thông tin, giám sát việc triển khai, hạn chế các tiêu cực…”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.