(HNMO) - Nhà máy hoạt động chập chờn, thị trường chứng khoán suy yếu, sức mua tuột dốc không phanh trên toàn cầu đang giáng những đòn mạnh vào các hãng xe.
Khi dịch Covid-19 trên thế giới bắt đầu được kiểm soát, các hãng ô tô đã có kế hoạch tái khởi động việc sản xuất, trong đó phần lớn đều chọn thời điểm đầu hoặc giữa tháng 5, tùy vào khả năng nối lại chuỗi cung ứng. Nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh thị trường ô tô toàn cầu đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay.
Mỹ - thị trường ô tô lớn nhất thế giới chứng kiến 710.827 xe mới tới tay khách hàng trong tháng 4-2020, giảm tới 46,6% so với cùng kỳ năm 2019. Thiệt hại nặng nhất tại đây là các hãng xe Nhật Bản như Toyota và Honda, khi chứng kiến doanh số suy giảm hơn một nửa. Trong khi đó, Hyundai “mất” 39,9% doanh số, còn Mazda ghi nhận mức giảm tới 44,5%.
Các hãng xe Nhật Bản cũng gặp khó ngay tại quê nhà, khi doanh số ô tô tháng 4-2020 của đất nước mặt trời mọc suy giảm 28,6% so với cùng kỳ năm 2019, với 270.393 xe tới tay người tiêu dùng. Theo Hiệp hội các nhà kinh doanh ô tô Nhật Bản (JADA), đây là mức doanh số thấp thứ 3 kể từ năm 1968, khi việc thống kê được bắt đầu.
Ở châu Âu, hãng nghiên cứu thị trường Jato Dynamics nhận định, ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến giai đoạn kinh doanh tồi tệ nhất kể từ năm 1980 tới nay. Trong tháng 3 vừa qua, chỉ có chưa đến 850.000 xe được đăng ký mới tại Lục địa già, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy, doanh số ô tô đã giảm tới 42% trong quý đầu năm 2020. Thông thường, các nhà sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ bán được 6 triệu xe trong những tháng từ đầu năm tới nay, nhưng con số ghi nhận tới nay chỉ ở mức 3,7 triệu xe. Trong đó, đáy thị trường rơi vào tháng 2 với mức giảm 79%.
Khó khăn của thị trường ô tô Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều nhà phân tích bởi các hãng lớn như Volkswagen hay GM đều bán hàng triệu xe mỗi năm tại đây, với doanh thu chiếm tới 40% tổng doanh thu toàn cầu. Trong khi đó, rất nhiều bộ phận của một chiếc ô tô cũng được sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tại Ấn Độ, việc hơn 100 nhà máy sản xuất linh kiện ô tô đã đóng cửa hơn một tháng khiến các nhà sản xuất lần đầu tiên ghi nhận doanh số (tính bằng số xe giao cho các đại lý) ở mức 0. Điều này sẽ tác động lớn tới sức tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, nơi ngành công nghiệp ô tô mỗi tháng xuất xưởng 2,19 triệu xe các loại, đóng góp 7,1% GDP và tạo ra 35 triệu việc làm.
Việc các hãng xe ngừng sản xuất thời gian dài đương nhiên khiến nhiều hãng sản xuất phụ trợ chịu thiệt hại nặng. Hãng lốp Goodyear mới đây đã công bố lỗ 619 triệu USD trong quý I-2020 (gấp 10 lần mức lỗ 61 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái), trong khi hai đại gia phụ tùng ô tô khác là Continental và Valeo cũng ghi nhận doanh số quý đầu năm 2020 giảm tương ứng 11% và 8% và dự báo còn sụt giảm mạnh trong thời gian tới.
Những khó khăn về sản xuất và kinh doanh chắc chắn sẽ dẫn tới khó khăn về tài chính, đòi hỏi mỗi hãng sản xuất phải sớm đưa ra các đối sách phù hợp. Điển hình là Ford, ghi nhận số xe giao tới các đại lý trong quý I-2020 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019, buộc hãng nâng ước tính thiệt hại của quý đầu năm lên tới 2 tỷ USD, thay vì chỉ 600 triệu USD như dự báo đầu tháng 4.
Để đảm bảo cân bằng cung-cầu, Nissan chọn phương án cắt giảm sản lượng tại Nhật Bản, dự kiến tới 70% trong tháng 5 và 43% trong tháng 6. Tương tự, Mitsubishi cũng sẽ cắt giảm sản lượng khoảng hơn 30% trong các tháng 5 và 6. Hãng này dự báo doanh số năm 2020 trên toàn cầu của mình sẽ giảm 1 triệu xe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.