Góc nhìn

Ngăn việc “té nước theo mưa”

Gia Khánh 26/09/2023 - 06:27

Tại kỳ điều hành ngày 21-9, giá các mặt hàng xăng, dầu đều tăng mạnh. Xăng tăng cao nhất gần 900 đồng/lít, trong khi dầu tăng cao nhất 630 đồng/lít.

Sau khi điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 lên 24.190 đồng/lít, xăng RON95 lên 25.740 đồng/lít, mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua.

Tính từ kỳ điều hành ngày 12-6 đến kỳ điều hành ngày 21-9, giá xăng E5 RON92 đã tăng 3.683 đồng/lít, tương đương 17,64%; xăng RON95-III tăng 4.130 đồng/lít, tương đương 18,76%; dầu diesel 0.05S tăng gần 6.000 đồng/lít, bằng 34,82%; dầu hỏa tăng hơn 6.200 đồng/lít, bằng 34,82%; dầu mazut tăng gần 3.500 đồng/kg, bằng 23%.

Việc giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh tăng đã được dự báo từ trước và tuân theo nguyên tắc thị trường. Giá dầu thế giới tăng, giá xăng, dầu thành phẩm Việt Nam phải nhập khẩu tăng, đương nhiên giá bán lẻ cũng phải tăng theo. Thứ nữa, xăng, dầu là mặt hàng quan trọng, là đầu vào của nhiều ngành kinh tế (chẳng hạn trong khai thác thủy sản, chi phí xăng, dầu chiếm 76,73% tổng chi phí; trong vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 63,36%...) nên chắc chắn việc tăng giá xăng, dầu sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá thành sản phẩm, dịch vụ.

Song bên cạnh những vấn đề theo quy luật, thực tế cũng cho thấy có cả tình trạng lợi dụng giá xăng, dầu biến động để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi. Rồi cả tình trạng giá hàng hóa tăng rất nhanh khi giá xăng, dầu tăng nhưng lại giảm rất chậm khi giá xăng, dầu giảm. Vấn đề này dù không phổ biến nhưng tác động tiêu cực đến thị trường, mặt bằng giá cả hàng hóa nói chung, đặc biệt là tâm lý của người tiêu dùng và việc kiểm soát lạm phát.

Việc giá xăng tăng tác động đến giá hàng hóa khác có tính quy luật nhưng việc lợi dụng giá xăng tăng để “té nước theo mưa” lại là câu chuyện cần kiểm soát, ngăn chặn.

Trước hết, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời phát hiện mọi bất thường của thị trường, nhất là thiếu hàng, khan hiếm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ đột biến… để xử lý. Tiếp đó cần bảo đảm việc lưu thông hàng hóa thông suốt, không để đứt gãy cung ứng nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất cũng như nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường. Ở đây vai trò của các cấp chính quyền địa phương cần phát huy bởi đây là cấp quản lý nhà nước trực tiếp, lại gần với người dân nhất, nắm chắc nhất mọi biến động. Cùng với đó, lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm mọi hành vi tăng giá bất hợp pháp.

Thực tế qua những năm dịch Covid-19 đã có nhiều bài học về bảo đảm ổn định cung ứng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Đó là phát huy vai trò của hệ thống doanh nghiệp bán lẻ, phân phối hàng hóa và mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cơ quan quản lý có thể thông qua hệ thống này triển khai các chính sách bình ổn giá mặt hàng thiết yếu. Với hệ thống rộng khắp, lượng hàng dồi dào, thị phần lớn và đặc biệt là nguồn cung ứng hàng hóa uy tín, ổn định, doanh nghiệp bán lẻ có thể hỗ trợ ổn định thị trường kể cả trong tình huống khó khăn như dịch bệnh.

Liên quan đến mặt hàng xăng, dầu, cơ quan chức năng, doanh nghiệp đầu mối cần bảo đảm việc cung ứng ổn định, liên tục, không được gián đoạn, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đi đôi với đó là theo sát diễn biến thị trường xăng, dầu thế giới, dự báo sớm, sẵn sàng triển khai chính sách kiềm chế đà tăng giá xăng, dầu trong nước. Giá xăng, dầu không biến động đột biến sẽ hỗ trợ giá cả hàng hóa nói chung ổn định, hạn chế nguy cơ lợi dụng giá xăng, dầu để “té nước theo mưa”, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn việc “té nước theo mưa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.