(HNM) - 1. Hiện nay, một trong những vấn đề đặt ra là “văn hóa” thỏa hiệp (tư tưởng thỏa hiệp) vì mục đích cá nhân, thỏa hiệp vô nguyên tắc có ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, gây không ít hậu quả. Do đó, chống “văn hóa” thỏa hiệp cần được đẩy mạnh, góp phần ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng.
Theo từ điển tiếng Việt, thỏa hiệp là sự nhượng bộ, chấp nhận yêu cầu hoặc rút bớt yêu cầu để có được sự nhất trí giữa các bên có đòi hỏi khác nhau nhằm cùng giải quyết vấn đề liên quan. Dưới góc độ tư tưởng chính trị, thỏa hiệp vô nguyên tắc là một phần biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, mà rõ nhất là không có chính kiến trước hành vi, quyết định sai trái của cá nhân, của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực tế, dù được giáo dục kỹ lưỡng về tư tưởng chính trị, nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý nhưng hiện nay, tình trạng cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm kỷ luật vẫn còn xảy ra ở nhiều mức độ, mà trục lợi chính sách là điển hình.
Ví dụ gần đây nhất là một cán bộ ở thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) bị khởi tố vì lập hồ sơ nhận hỗ trợ không đúng đối tượng nhằm trục lợi trong hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Hay việc Công an thành phố Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thanh Nga, chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, được tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vì trục lợi trong cấp thẻ "luồng xanh". Để thực hiện hành vi phạm tội, chắc chắn các đối tượng đã nhận được sự tiếp tay, thỏa hiệp của người khác.
Trên phạm vi toàn quốc, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có hơn 1.000 tổ chức Đảng, hơn 87.000 đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật và nhiều người trong đó bị xử lý do đã thỏa hiệp với những quyết định, hành vi sai trái.
Nghiên cứu nhiều vụ việc có thể nhận thấy hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất, tập thể, cá nhân vi phạm đã thỏa hiệp vì mục đích cá nhân, lạm quyền trong thực thi công vụ để đưa ra các quyết định nhằm trục lợi, quên đi bổn phận, trách nhiệm đúng đắn của mình. Thứ hai, họ dùng vị trí công tác để thỏa hiệp với các đối tượng thông qua nhiều cách. Những người liên quan, nhất là đồng cấp và cấp dưới của những cá nhân ấy, cũng bị tư tưởng thỏa hiệp chi phối, sợ rằng nếu không làm theo ý lãnh đạo thì lợi ích chính trị, kinh tế sẽ ảnh hưởng mà buông xuôi, làm theo thay vì lên tiếng đấu tranh, ngăn cản những hành vi trái nguyên tắc, quy định của pháp luật.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra, một trong những biểu hiện không thể xem thường là tình trạng thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh hoặc lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau… Những biểu hiện này đang nuôi dưỡng “văn hóa” thỏa hiệp, khiến cán bộ, đảng viên dao động, bị cám dỗ, đánh mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ những nguyên nhân yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, đó là: “Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên”. “Văn hóa” thỏa hiệp là một trong những nguyên do làm cho cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị dẫn đến hèn nhát, làm cho tổ chức Đảng suy yếu do động lực phát triển bị triệt tiêu.
Để ngăn chặn, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định, quy chế theo hướng phân cấp, phân quyền, xác định rõ hơn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền gương cán bộ tích cực, chủ động, gương mẫu; bảo vệ những nhân tố dám phê bình, tố cáo các hành vi sai trái của cán bộ lãnh đạo, quản lý; ngăn chặn tệ trù dập, trả thù người ngay thẳng, dám nói sự thật.
Với tình hình thực tế hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh phát hiện và ngăn ngừa “văn hóa” thỏa hiệp, một trong những vấn đề quan trọng là phải thông qua vị trí việc làm để từng bước sửa đổi phong cách, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp theo hướng giữ vững nguyên tắc, quy định; đồng thời bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, gần gũi người dân. Cần tăng cường cải cách hành chính không chỉ trong bộ máy hành chính mà cả trong các cơ quan Đảng theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để đạt kết quả thiết thực.
Một trong những khâu yếu dẫn đến tình trạng thỏa hiệp trong công tác là không ít cán bộ, đảng viên nắm không chắc luật pháp và các quy định liên quan, lười thu thập thông tin thực tế. Do đó, dễ hùa theo hoặc đưa ra quyết định sai, ảnh hưởng đến quyền lợi tổ chức, cá nhân. Cũng vì không nắm chắc quy định, không có thông tin xác đáng nên cấp dưới không dám lên tiếng can ngăn, phản biện mà chọn cách im lặng hoặc lờ đi để được yên thân.
Để "văn hóa" thỏa hiệp không có cơ hội xuất hiện, cũng cần phải làm tốt việc xây dựng và ban hành, tổ chức thực thi nghiêm chỉnh các quy chế, quy định của cấp ủy, tổ chức Đảng. Định kỳ hằng năm cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai phạm.
Chống thỏa hiệp vì mục đích cá nhân, vô nguyên tắc sẽ ngăn chặn được việc làm sai, tạo ra xung lực tích cực, góp phần xây dựng văn hóa Đảng, tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.