Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa dịch Covid-19, không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Thanh Hải| 23/05/2021 06:25

(HNM) - Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này, trọng điểm chống dịch được tập trung vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Chánh Văn phòng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Dương Ngọc Tân nhấn mạnh, ngành Công Thương cùng các địa phương đã, đang triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa dịch Covid-19, quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất của nền kinh tế.

Chánh Văn phòng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Dương Ngọc Tân.

Quyết tâm duy trì sản xuất

- Những ngày qua, dịch Covid-19 đã bùng phát tại một số khu công nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Xin ông cho biết việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực này như thế nào?

- Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu người. Ngoài ra, cả nước có 700 cụm công nghiệp, với khoảng 600.000 lao động. Đây là những nơi tập trung đông người, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất cao, nhưng vẫn bắt buộc phải duy trì hoạt động sản xuất, nếu không sẽ dẫn đến việc bị đứt gãy chuỗi sản xuất của nền kinh tế.

Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành Y tế, Công Thương và các địa phương đều chú ý đến công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất. Các hướng dẫn phòng, chống dịch đã được đưa ra, như tổ chức giãn cách, đeo khẩu trang, phun khử khuẩn nhà xưởng... Cơ bản các doanh nghiệp đều chú ý thực hiện tốt, hoạt động sản xuất được duy trì, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội.

- Với vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đã có những hướng dẫn gì về công tác này, thưa ông?

- Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi UBND, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các địa phương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch, xử lý nghiêm tình trạng lơ là, chủ quan, đồng thời chủ động xây dựng kịch bản ứng phó trong từng tình huống cụ thể.

Cùng với đó, Bộ đã giao Vụ Kế hoạch chủ trì, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 1-1-2021, của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; Công văn số 1259/TTg-KTTH, ngày 17-9-2020, của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bộ cũng giao Cục Công nghiệp chủ trì, đôn đốc sở công thương các tỉnh, thành phố triển khai việc xây dựng Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất tại địa phương…

- Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, có yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất. Xin ông nói rõ hơn về việc này?

- Theo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Công Thương được giao phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thu thập dữ liệu để triển khai Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19; trong đó, Cục Công nghiệp cung cấp dữ liệu về nhà máy, cơ sở sản xuất, Vụ Thị trường trong nước cung cấp dữ liệu về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Ngay khi nhận được chỉ đạo, Bộ Công Thương đã có các văn bản gửi các địa phương đề nghị cung cấp dữ liệu liên quan.

Đến nay, về cơ bản các tỉnh, thành phố đã hoàn thành cung cấp dữ liệu nhà máy, cơ sở sản xuất. Trong đó, 22 tỉnh, thành phố, với 10.781 nhà máy, cơ sở sản xuất đã được Bộ Y tế và Công ty cổ phần Công nghệ DTT tạo tài khoản để đăng nhập vào ứng dụng bản đồ và thực hiện đánh giá mức độ an toàn. Trong thời gian tới, sau khi Bộ Y tế và Công ty cổ phần Công nghệ DTT tạo tài khoản đăng nhập cho các nhà máy, cơ sở sản xuất của 41 tỉnh, thành phố còn lại, Bộ Công Thương sẽ cung cấp cho các Sở Công Thương để chuyển đến các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Để triển khai hiệu quả Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19, ngày 19-5, Bộ Công Thương đã tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng bản đồ với Sở Công Thương 22 tỉnh, thành phố đã có tài khoản đăng nhập.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

- Mặc dù có nhiều biện pháp, song vừa qua, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số khu công nghiệp, ông cho biết thêm về nguyên nhân?

- Những diễn biến phức tạp tại ổ dịch ở một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã cho thấy, dù đã có cố gắng trong công tác phòng, chống nhưng dịch vẫn có nguy cơ bùng phát. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là việc giãn cách trong sản xuất, vệ sinh môi trường lao động chưa tốt. Quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển khá xa, việc tiếp xúc trên xe trong thời gian dài, môi trường kín là một trong những điều kiện khiến vi rút lây lan.

- Vậy, ngành Công Thương đã đề ra những biện pháp gì, thưa ông?

- Tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương với đại diện lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các địa phương diễn ra ngày 13-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh, việc tăng cường bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Bởi vậy, Bộ đã yêu cầu lãnh đạo các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh phải có cam kết bằng văn bản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên trực tiếp về những nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi mà mình được giao.

Bộ cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, kiểm tra ý thức trách nhiệm của các Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Một lần nữa, Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 tại tất cả các cơ sở kinh doanh trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ. Từng địa phương và từng đơn vị cần xây dựng kịch bản và có phương án cách ly, xử lý khi có trường hợp mắc hoặc có nhiều trường hợp mắc Covid-19; khi cần thiết thì tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch; quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin người lao động ngoại tỉnh về làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ở địa phương.

Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, sử dụng mã QR của đơn vị mình tại địa chỉ tokhaiyte.vn để kiểm soát tất cả người lao động và khách hàng đi, đến trong phạm vi đơn vị phụ trách. Bộ cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, quy định của ngành và địa phương đối với tổ chức, cá nhân thuộc ngành Công Thương ở các địa phương chấp hành không tốt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, để xảy ra tình trạng bùng phát và lây lan dịch bệnh do nguyên nhân chủ quan.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa dịch Covid-19, không để đứt gãy chuỗi sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.