Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn mâu thuẫn nhỏ, chặn hậu quả lớn

Thế Đan| 01/09/2022 06:07

(HNM) - Ngày 30-8, có hai thông tin pháp luật xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội rất đáng lưu ý. Đó là việc Tòa án nhân dân quận Hà Đông mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm 48 bị cáo có tuổi đời từ 17 đến 26, đều trú tại quận Hà Đông, về các tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”. Tòa án đã tuyên phạt 12 bị cáo chịu án giam giữ; 28 bị cáo hưởng án treo và tuyên trả tự do 8 bị cáo do thời gian bị tạm giam tương đương với mức hình phạt. Đối với hai bị cáo cầm đầu, chủ mưu là Trần Đình Thuần và Bùi Công Đạt, Hội đồng xét xử tuyên mức án lần lượt là 27 và 21 tháng tù giam.

Cũng trong ngày 30-8, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thị xã Sơn Tây xác minh, triệu tập 42 thanh, thiếu niên nghi vấn có liên quan đến vụ “dàn trận” đánh nhau trên quốc lộ 32 xảy ra đêm 27-8.

Điểm chung từ hai vụ việc trên cho thấy, chỉ từ những mâu thuẫn, va chạm nhỏ trong đời thường, các thanh, thiếu niên đã thông qua mạng xã hội tập hợp thành nhóm, dùng vũ khí tự chế gây rối trật tự công cộng và gây thương tích cho người khác. Trước đó, Công an thành phố cũng đã nhiều lần ra quân xử lý hàng chục đối tượng, trong đó có cả những thanh, thiếu niên ở các tỉnh lân cận không có việc làm ổn định, lười lao động, bỏ học, đua đòi…, đêm đêm tụ tập chạy xe máy lạng lách, đánh võng, nẹt pô, thậm chí có biểu hiện đua xe trái phép trên địa bàn Thủ đô.

Những diễn biến trên cho thấy tình hình an ninh, trật tự xã hội tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong đó, những hành vi phạm tội bột phát từ mâu thuẫn nhỏ trong hoạt động giao tiếp, ăn uống, vui chơi giải trí của một bộ phận thanh, thiếu niên nếu không có sự quan tâm của cả xã hội thì sẽ để lại hậu quả lớn. Đặc biệt, nếu không được gia đình quản lý, giáo dục tốt, các thanh, thiếu niên (với tâm lý dễ bị kích động) tham gia hành vi gây rối trật tự công cộng rất có thể sẽ sớm gia nhập băng nhóm “xã hội đen”.

Có thực tế đáng lo ngại là hiện nay, việc mua hung khí qua mạng xã hội rất dễ, làm tăng số vụ thanh, thiếu niên sử dụng “hàng nóng” để giải quyết mâu thuẫn. Để ngăn ngừa, thiết nghĩ, lực lượng công an cần tổ chức nhiều biện pháp, trong đó tăng cường tuyên truyền đến các gia đình, nhà trường, thường xuyên tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ nhằm hạn chế tối đa tình trạng sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn.

Chính quyền các cấp cần lên danh sách đưa vào diện quản lý đối tượng là người chưa thành niên có biểu hiện ăn chơi, đua đòi, tụ tập để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội xảy ra. Bởi với bản tính hiếu thắng và nông nổi của tuổi trẻ, lại được kích thích bởi phim ảnh bạo lực, trò chơi điện tử..., nên rất dễ gây ra hậu quả đau lòng.

Mặt khác, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… cần có thêm các hoạt động hấp dẫn, lành mạnh để thu hút thanh niên tham gia, giúp các em tránh xa những cuộc chơi vô bổ, để không bị lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cần có sự kết hợp chặt chẽ trong quản lý, giáo dục học sinh, con em mình. Nhà trường và các đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho lứa tuổi học sinh, từ đó tạo sự “đề kháng xã hội” trước hành vi xấu từ sớm, từ xa.

Chỉ khi cùng có sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía thì những mâu thuẫn nhỏ trong thanh, thiếu niên mới được ngăn kịp thời để chặn hậu quả lớn phát sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn mâu thuẫn nhỏ, chặn hậu quả lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.