(HNM) - Festival Hoa Đà Lạt năm 2010 với chủ đề "Hoa Đà Lạt - sắc màu xứ lạnh" đã diễn ra trọng thể tối qua (2-1) bên bờ hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tới dự có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Bộ trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành chức năng, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và hàng vạn du khách.
Người dân tới xem triển lãm hoa, cây cảnh Việt Nam và quốc tế nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Hoa Đà Lạt. Ảnh: TTXVN
Là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu của quốc gia hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt được mở đầu bằng lễ rước mang tên "Hướng về thành phố Rồng bay". "Đó chính là những bông hoa thơm, những tấm lòng trong sáng của những người con Tây Nguyên sống trên mảnh đất ngàn hoa kính dâng lên người có công dựng nước" - ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định. Sau đó, chương trình nghệ thuật khai mạc tiếp diễn với những tiết mục không chỉ ngợi ca vẻ đẹp của đất và người Đà Lạt mà còn tôn vinh những người có công mang nghề trồng hoa đến thành phố mộng mơ này qua 5 phần chính: "Vương quốc các loài hoa xứ lạnh", "Hoa về nghề trồng các loại hoa thương phẩm", "Hoa và nhịp phố trẻ", "Xứ sở hoa công nghệ" và "Đà Lạt - thành phố Festival hoa".
Khác với những năm trước, phần trưng bày hoa tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ ba này có nhiều nét mới, nổi bật ý nghĩa hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trung tâm Festival là không gian hoa xung quanh hồ Xuân Hương với nhiều tác phẩm hoa xác lập kỷ lục Việt Nam như: Tượng phật Quán Thế Âm bằng hoa; tháp Rùa hoa mô phỏng tháp Rùa ở hồ Gươm (Hà Nội), cao 11m được tạo nên từ bàn tay khéo léo của 20 nghệ nhân và 1.000 người dân Đà Lạt; đôi rồng hoa dài 117m trong tư thế hướng về đất Thăng Long… Hoa đào - loài hoa đặc trưng của Hà Nội cũng được chọn làm hoa chủ đạo trong không gian hoa quanh hồ Xuân Hương. Ngoài ra, không gian hoa còn được trải dài từ thị trấn Liên Nghĩa - cửa ngõ đi vào thành phố Đà Lạt đến chân đèo Prenn, gồm nhiều tiểu cảnh và đại cảnh. Các phố Trần Quốc Toản, Hồ Tùng Mậu, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo… cũng biến thành những đường hoa với hàng nghìn loài hoa khoe sắc...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Festival Hoa Đà Lạt lần thứ ba là một trong những sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc trong năm 2010. Với ý nghĩa đó, Festival không chỉ giới thiệu ngàn hoa của Đà Lạt mà còn giới thiệu tiềm năng của thành phố Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung để mời gọi các nhà đầu tư. Chủ tịch nước cũng khẳng định: "Đến với vùng đất cao nguyên thơ mộng, với nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng chắc chắn du khách sẽ hài lòng, các nhà đầu tư sẽ thành công".
Trước đó, Phiên chợ hoa Đà Lạt đã khai mạc trên đường Nguyễn Thái Học với sự tham gia của 6 làng hoa, 25 doanh nghiệp sản xuất hoa và hàng trăm người trồng hoa. Festival Hoa Đà Lạt diễn ra đến hết ngày 4-1.
* Chiều 2-1, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gắn biển Công trình nghìn năm Thăng Long - Hà Nội cho Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên tỉnh Lâm Đồng tại Đà Lạt.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị gắn biển Công trình nghìn năm Thăng Long - Hà Nội cho Trung tâm Văn hóa thanh, thiếu niên tỉnh Lâm Đồng, tại Đà Lạt.
Do yêu cầu bức thiết về nơi sinh hoạt văn hóa cho thanh thiếu niên và cũng nhằm làm đẹp khu trung tâm thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng quyết định cải tạo, chỉnh trang, xây dựng Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, triển lãm... Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên tỉnh Lâm Đồng nằm trong khuôn viên rộng 61.392m2 ngay bên hồ Xuân Hương. Với tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng, trung tâm được xây dựng 4 khu chức năng liên hoàn, gồm: Khu Nhà thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng, Khu nhà hát - biểu diễn nghệ thuật, Khu trưng bày triển lãm và khu cắm trại, dã ngoại thể dục thể thao. Việc gắn biển "Công trình nghìn năm Thăng Long - Hà Nội" cho Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ thiết thực hướng về Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội mà còn có ý nghĩa giáo dục, rèn luyện nhân cách cho thế hệ trẻ về lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc.
* Trước đó, ngày 1-1-2010, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có buổi làm việc với lãnh đạo và nhân dân huyện Lâm Hà (Lâm Đồng)
Thủ đô Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng là hai địa phương có mối quan hệ gắn bó khăng khít hết sức chặt chẽ. Tình cảm gắn kết giữa hai địa phương có nguồn gốc máu thịt từ việc hàng vạn đồng bào Thủ đô đã có mặt cùng nhân dân Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới tại Nam Tây Nguyên trong hơn 20 năm qua. Biểu hiện cao nhất, cụ thể nhất của chủ trương phối hợp, đoàn kết này là việc thành lập huyện Lâm Hà vào năm 1989, là nơi sinh sống tập trung của hàng vạn đồng bào Thủ đô và là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Thể hiện tình cảm đối với những đồng bào xa quê, trong những năm qua, nhân dân TP Hà Nội đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho huyện Lâm Hà xây dựng nhiều công trình dân sinh, phúc lợi xã hội. Đồng chí Phạm Quang Nghị cho biết, lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn quý trọng và không ngừng củng cố tình cảm gắn bó giữa hai địa phương.
Nhân dịp đến thăm và làm việc tại Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã tham gia lễ khởi công Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Lâm Hà - công trình sẽ được gắn biển chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội khi hoàn thành vào tháng 9-2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.