(HNMO) - Trong gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, doanh nghiệp đã phải gồng mình để cầm cự, ứng phó với dịch mà chưa đoán định được hồi kết. Tuy nhiên, với sự đồng hành, hỗ trợ của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã có thể từng bước "vượt bão" Covid-19, bởi ngân hàng chính là doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ ngân hàng.
Tổng số tiền lãi đã miễn, giảm khoảng 27.000 tỷ đồng
Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9-2021, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến cuối tháng 9-2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.
Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ ngày 15-7-2021 đến cuối tháng 9-2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, các ngân hàng đã “làm thật” và rất tích cực triển khai cam kết giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế.
Trên thực tế, những hỗ trợ này đều xuất phát từ nguồn lực của chính các ngân hàng, trong khi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Ngoài hoạt động kinh doanh bị sụt giảm khá nhiều, các ngân hàng còn phải đối mặt với rủi ro nợ xấu đang có xu hướng tăng cao, khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận vì thế cũng bị bào mòn đáng kể.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện giảm lãi suất cho vay cho khách hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ ngày 15-7 đến cuối tháng 9 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không cào bằng, đơn vị nào khó khăn nhiều thì giảm nhiều, khó khăn ít thì giảm ít để chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế”.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã công bố, có ngân hàng giảm lãi cho khách với tổng số tiền lãi giảm lên tới cả trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng, nhưng cũng có ngân hàng mới giảm 3-5 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dẫn đầu danh sách khi giảm lãi tới hơn 4.700 tỷ đồng, tiếp theo là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 1.032 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng tích cực giảm lãi với 550 tỷ đồng...
Ngân hàng tiếp tục “đứng cạnh” doanh nghiệp
Đại diện lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định sẽ luôn đồng hành, “đứng cạnh” doanh nghiệp vượt bão Covid-19, góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Theo lãnh đạo Agribank, các biện pháp hỗ trợ được ngân hàng này triển khai đồng bộ, sâu rộng, đảm bảo nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Các giải pháp cụ thể Agribank đã thực hiện là: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay…
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi 35.000 tỷ đồng (15.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ đồng đối với cho vay trung và dài hạn bằng VND); với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VND...
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng cho biết, mới đây nhất, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tiền vay từ nay đến hết ngày 31-12-2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với mức giảm 0,5% - 1%/năm, tùy đối tượng khách hàng với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 8 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai; hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng với tổng giá trị hơn 5.400 tỷ đồng.
Những ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ hơn cũng cam kết sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, cũng như các gói tín dụng hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu trong điều hành, dù tiếp tục thực hiện những biện pháp hỗ trợ nhưng không thể chủ quan với diễn biến lạm phát. Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trên thế giới và trong nước để điều hành linh hoạt giải pháp công cụ phù hợp, làm sao điều tiết tiền tệ hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.